Tân Bộ trưởng Tài chính nói về minh bạch giá xăng và giá điện
05/08/2011 8:09:00 SATin trong nước

Chia sẻ với báo chí về việc kiểm soát giá cả trong thời gian tới, chiều 4/8, tân bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, cần kiểm soát giá cả trên cơ sở để minh bạch hoá giá thành của điện lực và xăng dầu cũng như các mặt hàng khác.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: kiểm soát là cơ sở để minh bạch hoá giá thành của điện lực và xăng dầu cũng như các mặt hàng khác - ảnh Tuệ Khanh

Nói về những khó khăn và thuận lợi trong nhiệm kỳ tới, tân Bộ trưởng đánh giá, ngành tài chính và ngân hàng đã vượt qua thử thách rất cam go trong thời gian qua. Còn trong thời gian tới, có “rất, rất nhiều việc cần phải làm đối với một Bộ trưởng Tài chính”

- Thưa Bộ trưởng, ông có thể cho biết trong thời gian tới, ông sẽ ưu tiên cho những công việc nào?

Mục tiêu chung của công tác tài chính trong nhiệm kỳ tới là phải tổ chức huy động một cách hợp lý tất cả các nguồn lực của xã hội cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo an ninh quốc phòng và tăng trưởng cũng như an sinh xã hội, đặc biệt là phải huy động vốn cho thực hiện các đột phá chiến lược. Chúng ta cần một khối lượng vốn cực kỳ lớn cho thời kỳ 5 năm, 10 năm tới.

Khi đã có vốn thì nhiệm vụ thứ hai của tài chính là phải phân bố một cáchrất hợp lý các nguồn lực này.

Thứ ba là phải xây dựng cho có hiệu quả cao nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Chính sách tài chính quốc gia trong thời gian tới cũng sẽ phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để phục vụ mục tiêu này.

Một vấn đề cũng sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự là phải nghiên cứu để kiểm soát, quản lý chặt chẽ nợ công trên cơ sở nâng cao hiệu quả chi tiêu công, giảm dần bội chi ngân sách để giảm áp lực vay nợ, quản lý an toàn nợ nước ngoài, nợ quốc gia và nợ chính phủ trong giới hạn cho phép, dứt khoát không được để cho tín hiệu xấu và khủng hoảng nợ công xảy ra đối với nước ta.

Đó là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới đây. Còn nhiệm vụ trước mắt đối với ngành tài chính, ngành ngân hàng thì cũng như bộ ngành khác, là tiếp tục quyết liệt thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ là kiềm chế lạm phát mức 17% như Chính phủ dự tính (mức rất khó khăn) và đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, ngành tài chính cũng đang tập trung nỗ lực để chuẩn bị cân đối ngân sách cho năm 2012. Giai đoạn này là giai đoạn đang xúc tiến xây dựng một khung chính sách và bắt đầu thực hiện quy trình cho việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 theo những định hướng lớn trong chỉ thị của Thủ tướng đã quy định. Đó là những vấn đề lớn từ nay cho đến cuối năm.

Còn cơ quan đầu tiên tôi sẽ làm việc khi nhậm chức là Cục Quản lý giá. Trong bối cảnh kinh tế đang đặc biệt khó khăn như hiện nay thì kiểm soát giá là vấn đề quan trọng nhất.

- Thưa ông, liên quan đến việc minh bạch giá thì hiện nay, giá xăng và giá điện là những vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm. Là người có nhiều kinh nghiệm về kiểm toán, ông có thể nói gì về vấn đề này?


Về minh bạch giá điện và giá xăng, chính phủ đã định hướng là chúng ta phải kiên trì theo cơ chế giá thị trường, có tính đến thời điểm và liều lượng để phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát trên cơ sở kiểm soát, minh bạch giá thành và chi phí hình thành nên giá điện và giá xăng.

Kiểm soát minh bạch giá thành và chi phí hình thành nên giá điện và giá xăng.

- Thưa ông, ngành điện, cụ thể là EVN và ngành xăng dầu, ở đây là Petrolimex luôn nói đến áp lực tăng giá, vậy trong thời kỳ khó khăn này, áp lực đó vẫn sẽ tiếp tục đẩy giá xăng và giá điện tăng cao?

Áp lực tăng giá cao hoặc tăng giá điện trong thời gian tới đã được kiểm soát. Sau khi các cơ quan kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính của năm 2010 đối với EVN thì sẽ chốt được mức độ lỗ của ngành điện nói chung và mặt hàng điện nói riêng.

Hiện chúng tôi đang yêu cầu EVN báo cáo đánh giá lại dự kiến lỗ luỹ kế và chênh lệch tỷ giá cho đến thời điểm 31/12/2011. Với sự quyết liệt của cơ quan chức năng cũng như trách nhiệm của EVN thì hiện nay sơ bộ cho thấy, lỗ luỹ kế ngành điện đã giảm đáng kể so với dự báo đưa ra từ đầu năm.

Đầu năm, EVN dự kiến lỗ luỹ kế của điện và chênh lệch tỷ giá ước lên đến trên 46 nghìn tỷ, đến nay báo cáo của EVN hiện chỉ còn 35 nghìn tỷ, Tất nhiên đây là tính cả chênh lệch tỷ giá (EVN dự toán tỉ giá - một trong các yếu tố tính giá thành sản xuất - là 23.000 VND/USD trong khi thực tế hiện nay chỉ ở mức 20.600-20.700 VND/USD).

Hơn nữa, nhà nước cũng chưa bắt phân bổ ngay một lúc và mức lỗ của năm 2011 chắc chắn sẽ ít hơn năm 2010 vì năm nay nước về sớm, nhiều tổ máy sản xuất điện ở Sơn La đã đi vào hoạt động, một số cơ sở điện cũng đã tham gia vào mạng lưới, thuỷ điện lại rất rẻ, không đắt như điện chạy bằng gas, nên dù vẫn còn lỗ, vẫn còn phải bù và tính toán đến áp lực tăng giá, nhưng áp lực đã giảm rất nhiều.

Về giá xăng, trong ưu tiên của tôi với lĩnh vực tài chính, tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ, phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác để làm rõ thực trạng về sản xuất kinh doanh, chi phí cũng như lợi nhuận của giá thành và kinh doanh xăng dầu trong thời gian gần đây, khi mà thông tin cho rằng thiếu minh bạch.

Hiện nay cũng có thuận lợi là kiểm toán nhà nước đang thực hiện kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu. Khi kiểm toán quỹ này thì phải xem xét đến việc trích quỹ, bởi khi trích quỹ thì phải làm tăng doanh thu, khi sử dụng quỹ thì phải xem xét so sánh giữa giá cơ sở và giá bán lẻ, chắc chắn có đề cập đến chi phí và lời lỗ của xăng dầu. Vấn đề này chắc chắn sẽ phải làm rõ và minh bạch về hiệu quả sản xuất kinh doanh xăng dầu của các đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu nói chung, trong đó Petrolimex chiếm đến 60% thị phần xăng dầu.

Tôi biết dư luận cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi của Tổng công ty này. Tôi sẽ cùng anh em kiểm tra, rà soát kĩ thông tin về Petrolimex, để thông tin cho Quốc hội và người dân biết.

Trong thời gian tới, tôi chưa thể nói gì về việc có tăng giá hay không, nhưng nếu có tăng thì cũng phải xem xét rất kỹ lưỡng. Hiện nay tôi chưa phải là Bộ trưởng Bộ Tài Chính, tôi mới chỉ được Quốc hội phê chuẩn, còn phải có quyết định của Chủ tịch nước. Tôi chỉ nói với tư cách là một đại biểu Quốc hội thôi. Còn khi ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính thì còn rất, rất nhiều việc phải làm…

- Thưa ông, dự kiến bao giờ công bố kết quả kiểm toán quỹ bình ổn xăng dầu?

Việc kiểm toán theo tôi biết bắt đầu thực hiện và 24/7/2011 và công tác kiểm toán sẽ kéo dài trong khoảng 40 ngày, sau đó sẽ có thời gian 45 ngày đến 60 ngày để lấy ý kiến của các đơn vị và lập các báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật.

- Thông tin thiếu minh bạch giữa giá xăng và giá điện tác động bắt nguồn là do đâu và trong thời gian tới chúng ta phải làm gì để minh bạch hơn?

Tôi chưa nói rằng minh bạch hay không minh bạch, nhưng sẽ làm cho minh bạch. Tôi chưa kiểm tra cụ thể nên chưa có đánh giá, nhưng chắc chắn sẽ có đánh giá về vấn đề này trong thời gian gần đây.

Xin cảm ơn ông!

Sáng 4/8, phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ cần làm rõ tính minh bạch về lỗ lãi của doanh nghiệp:

"Theo tôi, doanh nghiệp kêu lỗ thì cũng cần làm rõ khái niệm lỗ ở đây là gì. Ví dụ với Petrolimex. Giá bán rẻ xăng dầu được xây dựng trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở. Giá cơ sở được tính toán bao gồm giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, nhân với tỷ giá, sau đó cộng với chi phí lưu thông xăng dầu. Sau đó, doanh nghiệp được cộng thêm lãi định mức 300 đồng một lít, cộng thêm quỹ bình ổn giá với mức cao nhất 500 đồng và một số khoản phụ phí khác.

Cách thức điều hành của chúng ta lâu nay là khi giá định hướng này cao hơn giá bán lẻ trong nước do yếu tố khách quan như giá thế giới tăng, khi đó có các biện pháp như giảm thuế, ngừng trích lập quỹ hoặc tăng giá được áp dụng. Còn khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ có nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp tăng chi phí bán hàng, thì cái này doanh nghiệp phải chịu. Tương tự khi giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ do yếu tố như giá thế giới giảm, khi đó cần điều chỉnh giá bán lẻ xuống.

Như vậy, nói lỗ ở đây là chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ chứ không phải là doanh nghiệp lỗ, bởi họ đã có lợi nhuận định mức ở trong giá là 300 đồng mỗi lít rồi. Nếu không minh bạch cái này thì sẽ rất khó trong quản lý. Tôi sẽ yêu cầu Cục Quản lý Giá báo cáo kỹ hơn về vấn đề này.

Qua EVN, chúng tôi rút được bài học kinh nghiệm về trách nhiệm của DN trong việc cung cấp số liệu, thông tin. Một khi cơ quan chức năng tăng kiểm tra, giám sát, DN sẽ minh bạch hơn, chính quyền trách nhiệm hơn".

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent