Cửa hẹp vào phân phối xăng dầu
19/07/2011 8:17:00 SATin trong nước

Việc Chính phủ chưa đồng ý về chủ trương bán cổ phần cho đối tác nước ngoài ở Petech mới đây cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải tiếp tục chờ đợi nếu muốn tham gia vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN đã được Chính phủ trả lời không đồng ý bán cổ phần cho đối tác nước ngoài tại Tổng công ty cổ phần Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (Petech).

Petech hiện cũng có thị phần kinh doanh xăng dầu khoảng 12%, đứng thứ ba trong số 11 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, sau Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Trong cáo bạch, kinh doanh xăng dầu chiếm khoảng 97% doanh thu của Petech vào năm 2009 và đơn vị này đặt mục tiêu nắm giữ 20% thị phần bán buôn vào năm 2015.

Sau khi bán 5% vốn nhà nước tại Petech vào cuối năm 2010 và thu được 273 tỷ đồng. PVN cũng dự kiến sẽ giảm phần nắm giữ của mình xuống ở mức nhỉnh hơn 51%. Để thực hiện mục tiêu này, đầu năm 2011, PVN đã đề nghị các cơ quan hữu trách cho phép được bán 43,78% vốn điều lệ hiện hành của Petech cho một, hoặc một số đối tác nước ngoài và sau đó, vẫn được tiếp tục thực hiện đầy đủ hoạt động kinh doanh xăng dầu như hiện nay.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay, phân phối xăng dầu không nằm trong các lĩnh vực cam kết mở cửa của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều đó không có nghĩa là vĩnh viễn không mở cửa, mà khi muốn mở cửa, thì nguyên tắc đối xử công bằng sẽ được áp dụng với tất cả doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, Petech đã không thể tìm kiếm đối tác nước ngoài làm cổ đông tại thời điểm này, thì Petrolimex (đơn vị nắm giữ 52% thị phần phân phối xăng dầu tại Việt Nam) đang chuẩn bị cổ phần hóa cũng khó có thể tìm được đối tác nước ngoài.

Theo phương án cổ phần hoá của Petrolimex, vốn nhà nước sẽ giữ nguyên và phát hành thêm 5,1% cổ phần để tăng vốn điều lệ. Khi đó, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ sau khi phát hành cổ phần lần đầu còn 94,99%. Số cổ phần phát hành lần đầu được nhắm tới cán bộ, công nhân viên, tổ chức công đoàn là 2,45%; chào bán theo hình thức đấu giá công khai ra công chúng trong đợt IPO sắp tới là 2,56%. Vốn điều lệ của Petrolimex được xác định là 10.700 tỷ đồng.

Một thành viên Ban đổi mới doanh nghiệp của Petrolimex cho hay, trước mắt, chỉ lo thực hiện cổ phần hóa Petrolimex theo quyết định của Chính phủ. Còn việc bán tiếp cổ phần của đơn vị này cho các đối tác nước ngoài thì không đặt ra, vì phân phối xăng dầu là một trong những lĩnh vực chưa mở cửa theo cam kết gia nhập WTO.

Nhưng số lượng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiến hành cổ phần hóa sẽ không dừng lại ở Petech và Petrolimex. PV Oil, một thành viên có sức nặng trong PVN, cũng đang xây dựng phương án cổ phần hóa với việc Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ tại PV Oil.

Với tổng vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng, PV Oil hiện đang giữ 20% thị phần kinh doanh xăng dầu, lớn thứ 2 sau Petrolimex. Vì vậy, nếu PV Oil có mong muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, thì kết quả cũng không khả quan hơn Petech và Petrolimex hiện nay.

Dẫu vậy, trong tương lai, có thể vẫn hình thành một liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài phân phối sản phẩm cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, với xăng dầu là chủ lực. Theo chủ trương của Chính phủ, PV Oil sẽ cùng với các đối tác nước ngoài có tham gia đầu tư Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn thành lập công ty phân phối sản phẩm với phần góp vốn của bên Việt Nam tối thiểu là 51%. Tuy nhiên, khi đồng ý về chủ trương góp vốn thành lập liên doanh phân phối này, Chính phủ cũng yêu cầu việc góp vốn và tài sản liên quan đến phần kinh doanh xăng dầu của PV Oil vào Liên doanh không làm ảnh hưởng đến hoạt động phân phối khác, cũng như nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời “nhắc nhở” PVN phải cân nhắc và tự quyết định việc góp vốn của PV Oil vào liên doanh.

Bình luận về việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia phân phối sản phẩm của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có đồng nghĩa với việc Việt Nam mở cửa thị trường phân phối xăng dầu cho nước ngoài hay không?, ông Thái cho hay, việc phân phối sản phẩm của chính nhà đầu tư sản xuất ra không đồng nghĩa với việc “mở cửa” như vẫn hiểu. Nghĩa là bán hàng của đơn vị khác thì chưa mở cửa, còn bán hàng do mình sản xuất ra, thì được phép. Tuy nhiên, với thực tế kinh doanh xăng dầu của các đơn vị nội địa gắn với các số lỗ lớn thời gian qua, nếu có mở cửa, chưa chắc đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài dám liều mình.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent