Thị trường cuối năm: Xăng dầu khó giảm giá
08/07/2011 8:01:00 SATin trong nước

"Sẽ ưu tiên khôi phục mức thuế nhập khẩu xăng dầu hoặc tăng mức trích Quỹ bình ổn giá sau đó mới thực hiện giảm giá bán nếu có điều kiện”.

"Để bình ổn giá bán xăng dầu trong nước trong khi giá xăng dầu thế giới còn có những diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ưu tiên khôi phục mức thuế nhập khẩu hoặc tăng mức trích Quỹ bình ổn giá sau đó mới thực hiện giảm giá bán nếu có điều kiện”

Báo cáo tình hình giá cả thị trường của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa công bố hôm 5/7 đưa dự báo về diễn biến giá một số hàng thiết yếu 6 tháng cuối năm. Đáng chú ý là các mặt hàng quan trọng, có tác động lớn đến lạm phát như gạo, xăng dầu được dự báo khó có thể giảm nhanh chóng.

Tác động đan xen

Cục Quản lý giá cho rằng, có nhiều yếu tố tiếp tục kiềm chế tăng giá trong 6 tháng tới. Đáng chú ý, sự tăng giá trở lại của USD, xu hướng tăng giá Nhân dân tệ và sự hạ nhiệt của một số mặt hàng trên thị trường thế giới đang là những dấu hiệu tích cực cho nỗ lực kiềm chế lạm phát ở các nước.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP 6 tháng  đầu năm ước đạt 5,57%; miền Bắc đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, các tỉnh phía Nam bước vào thu hoạch lúa Hè Thu, cung lúa gạo tăng, giá nhóm hàng lương thực có khả năng ổn định hoặc giảm.

Thị trường tài chính tiền tệ không có biến động lớn, tỷ giá có xu hướng ổn định, lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ ổn định ở mức 9%, lãi suất huy động và cho vay VND tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu giảm nhẹ.

Chỉ số giá tiêu dùng cũng đã có dấu hiệu giảm tốc độ tăng trong hai tháng liên tiếp vừa qua, sau loạt chính sách tiền tệ chặt chẽ, chính sách tài khoá thắt chặt, kiểm soát nhập siêu... được triển khai sẽ tiếp tục phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, áp lực tăng giá vẫn còn. Cục Quản lý giá cho rằng, sự phục hồi của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là liên minh châu Âu (EU) khiến cho nhu cầu hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng.

Trong khi đó, tình hình thiên tai diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và tình hình bất ổn chính trị kéo dài tại Trung Đông và Bắc Phi... là những nguyên nhân chính tiếp tục gây áp lực tăng giá nhiều loại hàng hoá, nhất là giá dầu, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới.

Trong nước, quý 3/2011 thời tiết vào mùa mưa bão; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; cộng với tình hình xuất hàng sang Trung Quốc vẫn gia tăng làm hạn chế nguồn cung trong nước, tác động làm tăng giá nhóm thực phẩm tại một số địa phương.

Cũng trong mùa hè năm nay, nhu cầu sử dụng điện dự báo sẽ tiếp tục tăng cao nên chi phí mua sắm thiết bị điện và sử dụng điện tăng, ảnh hưởng đến chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt. Quý 4/2011 nhu cầu hàng hóa dịch vụ chuẩn bị cho Tết dương lịch và Tết Nguyên đán cũng sẽ tăng cao, gây áp lực tăng giá những tháng cuối năm.

Trong khi đó, việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, cùng với đó là lãi suất ở mức cao gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn tín dụng để duy trì sản xuất kinh doanh…; giá một số mặt hàng tiếp tục được điều hành nhằm tiến tới thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước có thể gây sức ép tăng giá trên thị trường.

Riêng với Hà Nội, Tp.HCM và một số thành phố lớn, trong tháng 7 sẽ diễn ra kỳ thi đại học, cao đẳng đợt 1 và đợt 2 với tổng số khoảng 1,2 triệu thí sinh tham dự, nhu cầu đi lại, ở trọ, sinh hoạt ăn uống tăng trong kỳ thi góp phần gây sức ép tăng giá tiêu dùng tại các địa phương này.

Gạo, xăng dầu khó giảm giá

Phân tích tình hình thế giới và trong nước, Cục Quản lý giá dự báo trong thời gian tới cung cầu gạo thế giới không có biến động lớn. Phần sản lượng giảm do hạn hán ở Trung Quốc được bù đắp từ sản lượng tăng của các nước Việt Nam, Thái Lan được mùa.

Tuy nhiên, do tác động từ chính sách tranh cử của Thái Lan, các ứng cử viên tranh cử Tổng thống đã cam kết mua gạo của nông dân với giá cao, nên giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng và kéo giá gạo Việt Nam tăng nhẹ.

“Giá lúa, gạo trong nước sẽ khó giảm sâu khi vào Vụ Hè Thu như các năm trước do giá gạo xuất khẩu tăng và chính sách thu mua tạm trữ gạo đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ  động triển khai”, Cục Quản lý giá nhận định.

Ngược lại, cơ quan này cho rằng, trong thời gian tới, giá các mặt hàng rau củ quả có xu hướng giảm nhẹ, giá các loại thịt có xu hướng ổn định.

Trong khi đó, dẫn kết quả điều tra do hãng tin Reuters tiến hành ở 31 nhà phân tích và thương gia có uy tín trên thế giới, Cục Quản lý giá cho biết giá dầu WTI trong 6 tháng cuối năm 2011 sẽ dao động quanh ngưỡng 100 USD/thùng.

Nhưng với thị trường trong nước, Cục Quản lý giá cho biết để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát giá xăng dầu thế giới, nguyên tắc ứng xử là trường hợp giá xăng, dầu giá thế giới tăng thì sẽ cho phép điều chỉnh tăng giá trong nước.

Ngược lại, nếu giá thế giới giảm, “để bình ổn giá bán xăng dầu trong nước trong khi giá xăng dầu thế giới còn có những diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ưu tiên khôi phục mức thuế nhập khẩu hoặc tăng mức trích Quỹ bình ổn giá sau đó mới thực hiện giảm giá bán nếu có điều kiện”, Cục Quản lý giá cho hay.

Cũng liên quan đến giá xăng dầu, với khí hóa lỏng LPG, Cục Quản lý giá dự báo từ tháng 7/2011 nếu giá dầu thô không có biến động lớn thì giá LPG trên thị trường thế giới sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ trong các tháng hè và sẽ tăng trở lại vào các tháng mùa đông khi nhu cầu sử dụng sưởi ấm ở các thị trường lớn trên thế giới tăng cao.

Với mặt hàng đường cũng được thương lái Trung Quốc thu mua mạnh gần đây, Cục Quản lý giá lưu ý rằng sản lượng đường vụ 2010/2011 có thể đạt 1.142.680 tấn; lượng tồn kho tại khoảng 347.700 tấn cộng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch 168.000 tấn sẽ đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dự báo giá đường trong nước ổn định trong tháng 7/2011.

Các mặt hàng là đầu vào sản xuất nông nghiệp, Cục Quản lý giá cho rằng từ nay đến cuối tháng, giá phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến giá trong nước có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi trong tháng 7/2011 sẽ ổn định.

Với vật liệu xây dựng, Cục Quản lý giá cho rằng trong 6 tháng tới, giá xi măng có thể ổn định hoặc tăng nhẹ phụ thuộc các yếu tố sản xuất đầu vào và nhu cầu thị trường; giá thép thành phẩm có xu hướng giảm nhẹ do nhu cầu giảm.

“Trong 6 tháng cuối năm, thị trường dược phẩm cơ bản ổn định, một số mặt hàng thuốc có sự điều chỉnh tăng/giảm giá, tuy nhiên không có sự tăng giá đột biến, đồng loạt, bất hợp lý”, Cục Quản lý giá cho hay.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent