Xăng, dầu “cõng” quá nhiều thuế và phí
Các loại thuế, phí hiện hành trong cơ cấu giá xăng gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế GTGT 10%, thuế nhập khẩu 17% (dầu hỏa và diesel là 10%), phí xăng dầu 1.000 đồng/lít.
Đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng dầu của Bộ GTVT đang được dư luận rất quan tâm, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu hiện phải “cõng” quá nhiều thuế và phí.
Thuế và phí chiếm 30%-35%
Ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), liệt kê các loại thuế, phí hiện hành trong cơ cấu giá xăng: Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế GTGT 10%, thuế nhập khẩu 17% (dầu hỏa và diesel là 10%), phí xăng dầu 1.000 đồng/lít.
Theo bảng giá cơ sở ngày 7-5 của Petrolimex, giá CIF của mặt hàng xăng A92 nhập về cảng VN là 11.268 đồng/lít, giá cơ sở là 18.337 đồng/lít và giá bán hiện hành là 16.990 đồng/lít. Tổng cộng các loại thuế và phí trong giá xăng là 5.869 đồng/lít. |
Tại thời điểm tháng 3, khi trình Chính phủ biện pháp bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã chỉ rõ dư địa để giảm giá bán lẻ là mức thuế và phí. Khi đó, thuế và phí trong giá xăng chiếm 35%, trong giá dầu chiếm 30% là mức rất cao, có thể giảm xuống.
Do mục tiêu bình ổn giá cả hàng hóa, kiềm chế lạm phát, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều biện pháp để tránh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Gần đây, nhất là chính thức cho xả quỹ bình ổn và giảm thuế nhập khẩu 3% đối với mặt hàng xăng và giảm 5% đối với mặt hàng dầu hỏa, diesel.
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết trong cơ cấu giá xăng của nhiều nước cũng có một số loại phí liên quan đến giao thông vì đây là cách thu đầy đủ, hiệu quả nhất cho ngân sách Nhà nước. “Nếu Chính phủ đồng ý với phương án của Bộ GTVT, chúng tôi phải có trách nhiệm thực hiện nhưng cơ quan quản lý phải giải thích rõ cho người dân hiểu đây là một khoản thu khác, không phải tăng giá xăng dầu”- ông Dũng đề nghị.
Đừng chất thêm gánh nặng
Ông Vũ Văn Trường cho rằng không nên đưa quá nhiều thứ vào giá bán của mặt hàng xăng dầu. Theo ông Trường, biểu giá xăng hiện hành được thực hiện theo cam kết quốc tế. Các nước đều thu phí, thuế qua giá xăng nhưng mỗi nước đặt một tên khác nhau và chỉ tính vào một mục chung cho một khoản thu. “Lúc này đặt vấn đề thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng dầu là chưa hợp lý và khó có thể được chấp thuận. Bởi đã có quá nhiều thứ chồng vào giá xăng”- ông Trường nêu quan điểm.
PGS-TS Ngô Trí Long, Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, phân tích: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là đầu vào của nhiều ngành nên sự biến động giá xăng dầu có tác động rất lớn đến đời sống và sản phẩm hàng hóa. Cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định quan điểm điều hành giá xăng dầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.
Nhưng mặt hàng này đang phải “cõng” quá nhiều thuế, phí. Nếu Bộ GTVT “gửi” thêm phí nữa sẽ tạo thêm gánh nặng rất lớn cho giá xăng dầu. “Vừa qua, giá thế giới tăng nhưng Nhà nước không đồng ý cho doanh nghiệp điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu để đỡ gánh nặng cho nền kinh tế và kiềm chế lạm phát. Nếu tăng thêm phí vào giá xăng sẽ mâu thuẫn với các biện pháp này”- ông Long nói.
Còn 73% tuyến quốc lộ chưa thu phí
Chiều 10-5, Bộ GTVT cho biết Tổng cục Đường bộ VN đã trình dự thảo Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ lên bộ. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định vào cuối tháng 6 - 2010.
Theo Tổng cục Đường bộ VN, hiện cả nước có 95 trạm thu phí trên các tuyến đường bộ (tổng cục quản lý 42 trạm). Hằng năm, các trạm thu phí do Tổng cục Đường bộ VN quản lý thu khoảng 1.000 - 1.100 tỉ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước để trả nợ vay đầu tư và cấp lại cho bảo trì đường bộ mỗi năm vào khoảng 480 tỉ đồng. Tổng cục Đường bộ VN lý giải cho việc đề xuất thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ là do tính toán cho thấy 47 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ mới chỉ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 27% chiều dài tuyến quốc lộ; còn 73% chiều dài tuyến quốc lộ và gần như toàn bộ hệ thống đường địa phương chưa thu phí. T.Kha |