Giá bản lẻ xăng dầu: Tăng tức thời, giảm chờ "xu hướng"
25/06/2011 7:52:00 SATin trong nước

Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang có lãi ngoài định mức nhưng giá xăng dầu bán lẻ vẫn chưa giảm vì… “chưa rõ xu hướng”.

Hơn một tháng lại đây giá dầu thế giới luôn ổn định ở mức dưới 100 USD/thùng. Kể từ đầu tháng 6, giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore đã giảm xuống quanh mức 117-118 USD/thùng. Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang có lãi ngoài định mức. Tuy nhiên, giá xăng dầu bán lẻ vẫn chưa giảm vì… “chưa rõ xu hướng”.

Lãi lớn!

Theo cơ cấu tính “Giá cơ sở của xăng dầu” của Nghị định 84, mỗi lít xăng dầu bán ra, doanh nghiệp được tính 600 đồng tiền chi phí kinh doanh và 300 đồng tiền lãi định mức. Tuy nhiên, theo tính toán thì hiện nay số lãi trên mỗi lít xăng dầu của doanh nghiệp có thời điểm lên đến 872 đồng/lít. Với hàng triệu lít xăng bán ra mỗi ngày, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu rõ ràng đang lãi lớn.

Lấy thời điểm tăng giá xăng ngày 29/3 làm mốc, lấy tỷ giá bán ra của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) làm cơ sở tính toán thì cả hai yếu tố đầu vào quan trọng là giá xăng giao tại thị trường Singapore và tỷ giá đều đã giảm mạnh. Ngày 29/3, tỷ giá USD bán ra là 20.895 đồng/USD, trong khi tỷ giá ngày 20/6 là 20.630 đồng/USD. Giá xăng RON 92 giao tại thị trường Singapore ngày 29/3 là 118,71 USD/thùng, ngày 20/6 chỉ là 117,23 USD/thùng. Như vậy, nếu lấy tỷ giá 20.630 đồng/USD thì giá CIF (giá nhập) tại cảng Việt Nam của xăng RON 92 vào ngày 20/6 là 15.357 đồng/lít. Sau khi cộng tất cả các khoản thuế, phí, chi phí kinh doanh định mức (600 đồng/lít) và trích quỹ bình ổn 400 đồng/lít (mới điều chỉnh từ 10/6) thì mỗi lít xăng RON 92 có giá 20.428 đồng. Tức là, nếu so với giá bán lẻ 21.300 đồng/lít hiện nay, trừ tất cả chi phí nêu trên, mỗi lít xăng doanh nghiệp lãi 872 đồng, vượt định mức quy định tại Nghị định 84 là 572 đồng/lít.

Cũng theo tính toán trên, giá cơ sở xăng dầu ngày 20/6 là 20.728 đồng/lít, thấp hơn giá bán hiện hành 2,7%. Khoản 2, Điều 27 của Nghị 84/2009 của Chính phủ quy định: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi mười hai phần trăm (nhỏ hơn hoặc bằng 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng”. Các doanh nghiệp phải xin phép, “cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (Thuế nhập khẩu, Quỹ bình ổn giá...)” chỉ trong trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên 12%. Như vậy, trong trường hợp này, nếu tuân thủ đúng Nghị định của Chính phủ thì doanh nghiệp đáng lẽ phải giảm giá mà không cần ý kiến của “cơ quan có thẩm quyền”, vì giá chỉ giảm 2,7%.

Theo quy định của Nghị định 84/2009, doanh nghiệp đã có thể giảm giá bán lẻ xăng dầu. (Ảnh: Đ.K)


“Chờ xu hướng” trong… hàng chục năm nữa!

Giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore đã giảm xuống mức 120 USD/thùng từ ngày 6/5 sau thời gian dài giữ ở mức trên 130 USD/thùng. Kể từ ngày 12/5 đến nay, giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore đã giữ ổn định ở mức dưới 120 USD/thùng. Những ngày gần đây, khi giá dầu thô trên thị trường thế giới xuống mức 90USD/thùng thì giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore thậm chí còn giảm sâu xuống xấp xỉ 117 USD/thùng (ngày 20/6). Tỷ giá, một nguyên nhân được cho là đã khiến Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ đến 1.854 tỷ đồng tính đến hết quý I (31/3) thời gian gần đây đã ổn định và giảm mạnh so với thời điểm tăng giá xăng gần nhất (29/3). Theo tính toán, kể cả sau khi điều chỉnh thuế nhập khẩu và tăng định mức Qũy bình ổn thì doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang có lãi ngoài định mức (300 đồng/lít). Thế nhưng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn chưa giảm, trả lời phỏng vấn báo chí, lãnh đạo Bộ Tài chính lý giải còn do diễn biến thị trường xăng dầu thế giới phức tạp, chưa rõ xu thế tăng giảm.

Căn cứ vào “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2025” vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt thì các doanh nghiệp đầu mối có vốn nhà nước vẫn làm nòng cốt trong việc nhập khẩu, bao tiêu sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước và cả hệ thống phân phối xăng dầu trên cả nước. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống sản xuất và phân phối của cả kỳ quy hoạch là 651.523 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Như vậy, ít nhất đến năm 2025, hệ thống phân phối xăng dầu vẫn nằm “trong tay” của các doanh nghiệp nhà nước với cơ chế điều hành mang nặng tính “bao cấp” theo kiểu chi phí và lợi nhuận kinh doanh định mức như hiện nay.

Với cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện nay, ngoài việc chờ đợi các doanh nghiệp đầu mối tuân thủ Nghị định Chính phủ, còn phải chờ cơ quan thẩm quyền xem “xu hướng”. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, doanh nghiệp đề nghị tăng giá, hiếm thấy cơ quan chức năng trả lời là “chưa tăng, chờ xem xu hướng có giảm hay không”. Thế nhưng, bây khi giờ giá giảm thì lại cần phải “chờ xu hướng”?! Những bất cập kiểu như thế này, sẽ khó có cơ hội thay đổi trong một sớm một chiều.


 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent