Vì sao chưa thể giảm giá xăng dầu?
22/06/2011 7:58:00 SATin trong nước

Giá xăng dầu thế giới nhiều ngày qua đã giảm xuống dưới 100 USD/thùng. Tỷ giá USD cũng đã hạ mạnh sau những quyết định của NHNN là cơ sở để nhiều người kỳ vọng giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ giảm theo.


Tuy nhiên, Bộ Tài chính và các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho rằng, điều kiện hiện nay chỉ cho phép điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, mà chưa thể tính đến việc giảm giá bán lẻ để nhằm giữ ổn định giá khi giá thế giới có thể tăng cao trở lại.

Giá dầu thô trên thế giới bắt đầu xu hướng tăng liên tục từ cuối tháng 3 và đạt mức đỉnh 113,9 USD/thùng vào ngày 29/4. Sau đó, giá bắt đầu chững lại và quay đầu giảm. Tính đến hôm nay, giá dầu thô đã về mức 92,3 USD/thùng.

Như vậy, so với mức giá đỉnh vừa qua thì giá dầu thô đã giảm tới 21,6 USD - tương đương gần 19%. Còn giá USD trong nước cũng đã hạ mạnh so với thời điểm tăng giá xăng dầu 2 lần trước đây. Cụ thể, tỷ giá USD tại các ngân hàng vào trung tuần tháng 4 ở mức 20.940 đồng, sau đó đã liên tục giảm về quanh mức 20.600 đồng/USD.

Không những tỷ giá USD giảm, mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn dễ dàng hơn khi mua USD hơn từ các ngân hàng. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, có doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã mua được hơn 1 tỷ USD. Đây là những nhân tố chính tác động đến khả năng giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Nhà nước không cho phép doanh nghiệp xăng dầu được tính lợi nhuận, mà chỉ tính bù đủ chi phí sản xuất kinh doanh, nên xét theo tình hình hiện nay chưa đủ điều kiện để giảm giá xăng trong nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): “Khi giá thế giới hạ, chúng ta tiếp tục điều hành làm sao để chúng ta lại có điều kiện tiếp tục bình ổn giá nữa, giữ ổn định giá trong thời gian vừa qua, đồng thời chúng ta khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức độ nhất định và chúng ta trích quỹ bình ổn giá để nhằm khi giá thế giới tiếp tục tăng cao, ta có điều kiện để giữ ổn định giá”.

Cũng theo ông Thỏa, một lý do nữa khiến cho Liên Bộ Tài chính - Công thương chỉ chọn phương án khôi phục lại thuế nhập khẩu và trích quỹ bình ổn giá thay vì giảm giá xăng là do khi giá dầu thô trên thế giới giảm, một số doanh nghiệp nhập được giá thấp hơn so với doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã nhập dự trữ bình quân 30 ngày. Điều này tạo ra sự đua nhau tăng hoa hồng, chiết khấu cho các đại lý để tăng sức cạnh tranh, nhưng lại khiến cho thị trường mất cân đối và thiệt hại cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá. Điều này giải thích tại sao phương án khôi phục thuế nhập khẩu và trích quỹ bình ổn giá tuy gây thắc mắc với nhiều người dân, nhưng được một số doanh nghiệp đầu mối lớn cho là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam cho biết: “Vì xăng dầu là một cân đối rất lớn của Nhà nước nên Nhà nước phải thu thuế nhập khẩu, đấy là cần thiết. Thứ 2 là đề phòng khi giá xăng dầu đảo chiều quay trở lại, diễn biến giá xăng dầu rất phức tạp, không biết sẽ thế nào nên nếu có tăng trở lại đột biến, nếu ta không có nguồn quỹ bình ổn giá, có thể lúc ấy sẽ rất khó khăn cho người tiêu dùng”.

Về cơ hội giảm giá xăng trong nước, đại diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam cho rằng, khi lợi nhuận đạt tới một ngưỡng nào đó, thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ can thiệp. Còn theo đại diện Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới vẫn tiềm ẩn những biến động rất phức tạp, xu hướng giảm giá vẫn chưa rõ ràng nên cần phải tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu giá thế giới tiếp tục giữ ổn định quanh mức 90 USD/thùng như hiện nay, thì chúng ta có điều kiện để giảm giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian tới.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent