Xăng sinh học dễ pha, khó bán
11/06/2011 11:11:00 SATin trong nước

Tại Hội thảo Thực trạng phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam vừa được Bộ Công thương tổ chức đầu tuần này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bày tỏ mong muốn được pha ethanol trực tiếp vào xăng của nhà máy lọc dầu và cung cấp cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Người tiêu dùng còn dè dặt khi quyết định dùng xăng E5. Ảnh: L.T

Theo Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 được phê duyệt tại Quyết định 177/2007/QĐ-TTg (Đề án 177), giai đoạn 2011-2015, Việt Nam sẽ sản xuất 150.000 tấn nhiên liệu sinh học, đáp ứng 0,1% nhu cầu xăng dầu của cả nước và tới năm 2025 sẽ nâng lên 5%. Tuy nhiên, chỉ tính riêng sản lượng của 3 nhà máy sản xuất ethanol mà PVN đang triển khai (tổng công suất 300 triệu lít/năm) đã có thể pha chế được 6 triệu lít xăng không chì chứa 5% ethanol (xăng E5) trong năm 2012, vượt xa cả về thời gian và số lượng mà Đề án 177 đặt ra.

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện có 13 dự án sản xuất cồn sinh học đã và đang được xây dựng, với tổng công suất đăng ký chưa đầy đủ lên tới 1 tỷ lít ethanol. Điều này có nghĩa là, việc cung cấp nhiên liệu để pha chế ra xăng E5 rất sẵn sàng và dồi dào. Nhưng điều này lại không đồng nghĩa với việc hàng sản xuất ra sẽ bán được.

Ông Lê Xuân Trình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), trong 5 tháng cuối của năm 2010, 30 cửa hàng của PV Oil và Petech đã tiêu thụ được 4,2 triệu lít xăng E5. Trong 5 tháng đầu năm 2011, PV Oil phát triển được thêm 20 cửa hàng nữa, nhưng cũng mới cung cấp được 4,2 triệu lít xăng E5.

Để đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5, PV Oil và Petech quyết định đặt mức giá bán xăng E5 thấp hơn giá xăng A92 thông thường 500 đồng/lít. “Tuy nhiên, do kinh doanh xăng dầu nói chung khó khăn, nên việc đẩy mạnh tiêu thụ nhiên liệu sinh học sẽ làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, dẫn tới kết quả kinh doanh bị lỗ, khó khăn trong kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp càng chồng chất”, ông Trình cho biết.

Với thị phần và năng lực hiện tại, các đơn vị kinh doanh xăng dầu của PVN là PV Oil và Petech cũng chỉ phân phối được tối đa 2,37 triệu m3, chiếm 50% sản lượng xăng E5 dự kiến sản xuất được. 50% xăng E5 còn lại được PVN cho rằng phải được phân phối bởi các đơn vị xăng dầu khác ngoài PVN hoặc phải xuất khẩu nhiên liệu sinh học.

Chính vì vậy, đề xuất nêu trên của PVN có vẻ là con đường ngắn nhất để tiêu thụ hết toàn bộ lượng nhiên liệu sinh học mà 3 nhà máy của PVN đang đầu tư. Tuy nhiên, đại diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, Petrolimex đang nghiên cứu phát triển nhiên liệu sinh học theo hướng sử dụng Biodiesel, chứ không phải là xăng E5. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống để tiêu thụ nhiên liệu sinh học của Petrolimex chắc chắn có những điểm khác biệt nhất định so với PVN.

Cũng để giảm giá xăng E5, PVN cho rằng, nhất thiết phải có cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể của Chính phủ. Hiện tại, theo Đề án 177, các dự án nhiên liệu sinh học được xếp vào lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhưng trên thực tế lại có nhiều vướng mắc. Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, các ưu đãi chỉ áp dụng với doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, mà không áp dụng cho doanh nghiệp kinh doanh, pha chế và phân phối xăng E5. Trong khi đó, việc phân phối mới quyết định tới sản xuất. Ngoài ra, hiện chưa có lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học dẫn tới việc doanh nghiệp và người tiêu dùng không hưởng ứng tham gia kinh doanh và tiêu dùng.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent