|
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đầu tư dây chuyền pha chế sản xuất thử nghiệm xăng sinh học E5 tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè cung cấp cho tiêu dùng. Xăng sinh học E5 được pha chế từ xăng A92 và ethanol bảo đảm an toàn, thân thiện môi trường.
Trong ảnh: Lắp đặt thiết bị pha chế xăng E5. |
Cùng với quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu trong năm 2011 đưa hai nhà máy đi vào vận hành, công tác chuẩn bị thị trường tiêu thụ xăng E5 (xăng thông thường pha 5% cồn sinh học) cũng đang được triển khai khẩn trương. Ðược phép của Bộ Công thương, từ tháng 8-2010 Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) là doanh nghiệp (DN) đầu tiên triển khai kinh doanh thí điểm xăng E5.
Hình thành thị trường NLSH
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về phát triển NLSH, một loại nhiên liệu thân thiện với môi trường, đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, một số DN thuộc các thành phần kinh tế ở Việt Nam quan tâm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất loại nhiên liệu sạch này. Với chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước, các nhà máy sản xuất bioethanol Ðồng Xanh, Ðại Việt và Tùng Lâm đã đi vào hoạt động. Trong đó, Nhà máy Ðồng Xanh đã sản xuất E100 (cồn sinh học 100 độ dùng để pha vào xăng). Ðối với các DN kinh doanh nhập khẩu, phân phối, bán lẻ xăng, dầu trong nước thì PVOil (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), là DN đầu tiên triển khai kinh doanh thí điểm xăng E5. Năm 2010, PVOil đã mua của Công ty CP Ðồng Xanh 250 m3 nguyên liệu E100 pha chế xăng E5. Từ tháng 8-2010 đã tổ chức pha chế, xin cấp chứng nhận hợp quy và bán ra thị trường khoảng 4.120 m3 xăng E5. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng... các cửa hàng của PVOil đều có cột bơm bán xăng E5. Ðể bảo đảm chất lượng sản phẩm, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, PVOil đã đầu tư cải tạo hệ thống bồn bể, đầu tư thiết bị pha chế, xúc tiến quảng bá, tiếp thị sản phẩm mới. Trong thời gian bán thí điểm, nhằm thu hút khách hàng, khuyến khích người tiêu dùng mua xăng E5 cùng với việc bảo đảm chất lượng hàng, ban đầu PVOil đã thực hiện chính sách bán lẻ xăng E5 với giá thấp hơn xăng thông thường (Ron 92) 500 đồng/lít, hiện nay thấp hơn 200 đồng/lít (mặc dù chất lượng hai loại xăng tương đương).
Tại thị trường Hà Nội, sau khi có chủ trương của Tổng công ty Dầu, Công ty CP xăng dầu dầu khí Hà Nội đã triển khai bán xăng E5 ở ba cửa hàng bán lẻ trực tiếp gồm các cửa hàng xăng dầu Thái Thịnh, Nghĩa Tân và Châu Can. Tại ba cửa hàng này, bên cạnh những cột bơm bán xăng thông thường còn có cột bơm bán xăng E5. Từ tháng 8-2010 đến tháng 3-2011 đã bán ra 621.854 lít xăng sinh học, trong đó Cửa hàng xăng dầu Thái Thịnh có lượng bán ra nhiều nhất, chiếm tỷ trọng gần 11% so với xăng A92. Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Thái Thịnh Ngô Xuân Thịnh cho biết, qua chín tháng bán thử xăng E5, lượng xăng tiêu thụ khá tốt, khách mua đông, có nhiều khách hàng đã chuyển sang dùng loại xăng mới này. Qua quan sát khách và tìm hiểu ý kiến người tiêu dùng cho thấy các phương tiện sử dụng xăng E5 thường là các loại xe thế hệ mới, xe máy đắt tiền, xe du lịch. Chị Trần Hoài Thu ở ngõ Văn Chương, quận Ðống Ða là khách hàng thường xuyên dùng xăng E5 chạy xe máy SH có nhận xét: Sử dụng xăng sinh học mỗi sáng dắt xe đi làm khi nổ máy thấy mùi nhiên liệu cháy xả ra đỡ nặng mùi hơn so với xăng thông thường. Trong điều kiện nhà và ngõ phố chật chội như hiện nay thì việc sử dụng nhiên liệu sạch sẽ đỡ gây ảnh hưởng các gia đình chung quanh. Một số lái xe tắc-xi nhận xét, sử dụng xăng E5 máy sạch hơn. Kết quả bước đầu bán thí điểm xăng E5 cho thấy, khả năng mở rộng và bán đại trà xăng E5 là rất khả quan. Trong thời gian tới, Công ty CP xăng dầu dầu khí Hà Nội đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư triển khai bán xăng E5 ở 11 cửa hàng tại các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Cạn, Quảng Ninh và Nghệ An. Ðồng thời mở rộng cho một số đại lý, tổng đại lý khi điều kiện cho phép.
Những kiến nghị
Ðề án NLSH được Chính phủ phê duyệt đã và đang từng bước được triển khai tích cực nhằm hướng tới nhiều mục tiêu lâu dài, từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên đất đai, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc ở các địa bàn khó khăn thông qua mở rộng vùng nguyên liệu sắn cho các nhà máy, trên cơ sở đó giải quyết vấn đề an sinh xã hội ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trước mắt, việc triển khai chương trình NLSH ở các khâu sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức lưu thông sản phẩm đã và đang gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời. Theo kế hoạch cuối năm 2011 và 2012, khi ba nhà máy NLSH do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư và tham gia góp vốn đầu tư đi vào hoạt động đạt 100% công suất sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 300 nghìn m3 E100 (tương đương 6 triệu m3 xăng E5). Vì thế, ngay từ bây giờ phải tích cực làm tốt khâu chuẩn bị thị trường để đưa loại nhiên liệu có nhiều ưu việt về môi trường này vào lưu thông rộng rãi, từng bước giảm sử dụng nhiên liệu hòa thanh truyền thống và bảo đảm an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm xây dựng lộ trình sử dụng bắt buộc xăng E5 trên toàn quốc, với sự tham gia lưu thông của nhiều DN kinh doanh xăng, dầu. Ðể xây dựng và hình thành thị trường NLSH các DN kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương khẩn trương xây dựng lộ trình lưu thông xăng E5, chậm nhất đến năm 2013, toàn bộ lượng xăng tiêu thụ trong nước là xăng E5. Việc công bố quyết định này là cơ sở để các DN kinh doanh xăng sinh học có đủ thời gian, chủ động đầu tư cải tạo hệ thống kho tàng, phương tiện vận chuyển và hệ thống phân phối đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Ðối với các DN đầu tư sản xuất NLSH trong giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính cần xem xét hình thành một số chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất và tiêu dùng NLSH như miễn phí xăng, dầu đối với mặt hàng xăng E5; miễn thuế môi trường với xăng E5 theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường; áp dụng mức thuế suất VAT bằng 0% đối với sản phẩm đầu ra E100 của các nhà máy. Giá bán lẻ xăng, dầu nói chung và xăng E5 như hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào giá nhập khẩu đầy biến động, chưa thực hiện đầy đủ lộ trình thị trường hóa xăng, dầu nên kinh doanh còn lỗ, sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho xăng E5 là rất cần thiết để giảm khó khăn cho DN. Các dự án NLSH của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tham gia góp vốn trước mắt cũng đang gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào. Cùng với sự cố gắng tìm các giải pháp khắc phục, phát triển vùng nguyên liệu ổn định của DN như quy hoạch vùng trồng sắn, phối hợp một số trường đại học và các trung tâm giống cây trồng nghiên cứu, ứng dụng trồng giống sắn có năng suất cao, phát triển vùng nguyên liệu sang thị trường Lào, Cam-pu-chia... các địa phương cần tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ DN mở rộng diện tích trồng sắn nguyên liệu, ổn định đầu vào cho các nhà máy.