Từ đầu tháng 5, tình trạng hàng loạt cây xăng “găm hàng” lại tái diễn ở nhiều địa phương vì có tin đồn xăng dầu chuẩn bị tăng giá. Tại Hải Phòng, cảnh nhiều cây xăng lắc đầu thông báo hết hàng với khách là chuyện bình thường. Riêng với hệ thống cây xăng treo biển Petrolimex, hiện tượng này không xảy ra. Tuy nhiên, Hải Phòng chỉ có 42 cây xăng treo biển doanh nghiệp này. Và bởi thế, chỉ một Petrolimex thì vẫn chưa đủ giải tỏa tâm lý bất an của người tiêu dùng, khi nhiều cây xăng còn lại vẫn thường xuyên găm hàng không bán.
Thế nhưng, sau khi Bộ Tài chính “trấn an” người tiêu dùng bằng thông báo giá bán lẻ xăng dầu sẽ được giữ nguyên trong thời điểm hiện nay, thì số cây xăng đóng cửa, ngừng bán hàng cũng không giảm. Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói rằng, hiện tượng ấy không hề lạ! Vị này giải thích, đã rất nhiều lần Nhà nước công bố chưa tăng giá xăng dầu, tăng giá điện. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau, giá bán xăng dầu, điện vẫn... tăng. Do vậy, khẳng định từ phía cơ quan chức năng, dù ở cấp cao nhất, vẫn chưa đủ "an lòng" các nhà kinh doanh. Họ chỉ tin vào các thông tin từ chính các doanh nghiệp cùng kinh doanh ngành hàng với họ, cho dù đó là những thông tin không chính thức.
Nói cách khác, hiện tượng một số cây xăng đóng cửa găm hàng bắt nguồn từ những thông tin dạng "thì thầm", rằng xăng dầu vẫn có thể sắp tăng giá trong thời gian tới. Và việc các cây xăng găm hàng chính là để chờ thời điểm này. Thực tế là, trước khi xuất hiện tin đồn xăng dầu lên giá, nhiều đại lý xăng dầu đã tăng cường gom hàng, tích trữ trong tàu chở dầu hay kí gửi ở kho của người bán.
Cây xăng nhỏ thì “găm” vài chục m3, còn cây xăng lớn thì “để dành” vài trăm m3 và hạn chế bán ra, chờ giá lên. Thế nên, khi giá xăng dầu tăng liên tiếp 2 lần vào đầu năm 2011, các cây xăng đã dễ dàng kiếm được món lợi nhuận lớn từ chênh lệch giữa mua giá thấp và bán giá cao. Các đại lý càng có niềm tin hơn vào nguồn tin riêng của mình.
"Lý sự" của vị giám đốc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn được chứng minh bằng một thực tế khác. Đó là trong khi nhiều cửa hàng tiếp tục găm giữ hàng, và sau khi Nhà nước công bố chưa tăng giá mặt hàng này, thì cũng có không ít đại lý xăng dầu “bán tháo” hàng. Và từ đó tạo nên thực tế phức tạp trong kinh doanh xăng dầu hiện này, cùng một thời điểm, nhưng phản ứng của các nhà kinh doanh xăng dầu lại trái ngược nhau hoàn toàn. Người tiếp tục găm, và kẻ thì bán tháo.
Phương án nhiều doanh nghiệp chọn hiện nay là án binh bất động, hạn chế cả bán ra và mua vào
|
Vì đến tin đồn tăng giá xăng dầu lần thứ 3, thì chiêu “găm hàng” của các đại lý đã phản tác dụng. Sau gần nửa tháng kể từ khi có tin đồn, giá xăng dầu vẫn… bất động, và Nhà nước thì chính thức công bố không tăng giá. Thế nên các đại lý đã trót “ủ hàng” rơi vào tình thế tồi tệ. Không có cớ để tăng giá, lại cũng không dám giữ lượng hàng đã "ủ" lại từ trước, lại không có cách tiếp tục tồn trữ vì chi phí gửi hàng tại nơi bán và khả năng rủi ro cao khi xăng dầu vẫn trên tàu neo tại cảng, hay chạy lòng vòng trên sông. Doanh nghiệp bắt buộc phải bán tháo lượng hàng đã "ủ" để cắt lỗ.
Tại Hải Phòng và một loạt các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ, không ít doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhao nhác rao bán lượng sản phẩm mình đang găm giữ từ trước. Tuy nhiên, bán được là không dễ. Nếu người bán ở trong tình thế buộc phải bán vì áp lực trả nợ ngân hàng, thì cũng không có nhiều người muốn mua. Lãi suất cao và chính sách thắt chặt tín dụng khiến người mua khó có khả năng huy động được vốn.
Với lãi suất lên tới trên 22%/năm như hiện nay, thì chỉ vài tỷ VND vốn vay ngắn hạn không những đã "xẻo" hết lãi có thể kiếm được từ thương vụ mua vào, mà cũng có thể trở thành quả "bom" nợ quá hạn với doanh nghiệp. Thế nên phương án an toàn doanh nghiệp sẽ chọn trong thời điểm thông tin tù mù như hiện nay là án binh bất động, hạn chế cả bán ra và mua vào.
Vậy thì thực tế kỳ cục thời gian gần đây của thị trường xăng dầu đã phản ảnh điều gì? Một giám đốc doanh nghiệp ngành này đã than thở nói rằng, ông không còn biết tin vào đâu để kinh doanh. Để hình thành mạng lưới 4 cây xăng, 3 xe téc chở xăng dầu tại Hải Phòng, doanh nghiệp của ông đã vay nợ hàng chục tỷ đồng đầu tư và làm vốn lưu động.
Nhưng chỉ sau màn múa của giá và tin đồn về giá xăng dầu từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp ông đã lỗ hơn 6 tỷ VND. Số lỗ chưa tiếp tục dừng lại, chừng nào 300m3 xăng ông đã "găm" trước đó chưa được bán hết. "Người ta thì thầm với tôi giá lại sắp tăng đấy, nên mua nhiều vào mà tranh thủ bù lỗ trước đó. Giờ thì tôi mới hiểu là chính doanh nghiệp đầu mối cũng muốn cắt lỗ cho nhanh, và họ xui chúng tôi mua vào cho nhiều" - vị này buồn bã nói.