Lý do mà các cửa hàng xăng dầu đưa ra để viện dẫn cho hoạt động bán hàng nhỏ giọt là do thiếu nguồn cung hoặc do đang phải chịu lỗ. Ở đây, cần phải phân định rõ, nếu thiếu nguồn cung - như phản ánh của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu - là đúng, thì trách nhiệm trước hết thuộc về doanh nghiệp đầu mối. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đầu mối lại khẳng định rằng, lượng dự trữ, lượng nhập khẩu xăng dầu hiện vượt chỉ tiêu hạn ngạch tối thiểu được giao.
Để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý có thể truy ngược trở lại nguyên nhân thiếu hàng từ hợp đồng mà cửa hàng ký với đại lý xăng dầu. Phát hiện “đứt hàng” ở khâu nào sẽ xử lý dứt điểm khâu đó. Việc này vừa giúp doanh nghiệp đầu mối tránh được “tiếng oan”, vừa vạch mặt những cửa hàng viện lý do không chính đáng để biện minh cho hành động mờ ám của họ.
Ở đây, có lẽ cũng phải nhắc lại một thực tế là thời gian qua, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán hàng nhỏ giọt chính là tâm lý găm hàng vì có tin đồn sẽ được phép tăng giá xăng. Trong trường hợp được phép tăng giá, thì mỗi cây xăng sẽ thu được một khoản lợi khổng lồ do mua hàng giá thấp và bán giá cao. Thực tế đã có không ít lần, trước tin đồn tăng giá xăng, dù cơ quan quản lý tuyên bố chưa tăng giá, nhưng ít ngày sau đó, giá xăng dầu trong nước lại được điều chỉnh tăng. Điều này vô tình chiều theo tâm lý găm hàng các doanh nghiệp làm ăn không đứng đắn.
Vấn đề đặt ra là, cho đến nay, do chưa có vụ tung tin đồn thất thiệt nào bị xử lý, nên tình trạng trên vẫn tái diễn, khiến thị trường xăng dầu trong nước trở lên lộn xộn.
Xét trên quan hệ kinh tế thông thường, sẽ rất khó buộc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục bán hàng khi bị giảm lợi nhuận hoặc bị thua lỗ. Nhưng do xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, vì vậy, các doanh nghiệp đầu mối cũng phải nâng cao trách nhiệm xã hội, duy trì hệ thống cung ứng hàng hóa để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất và an ninh quốc gia. Khi đã được giao nhiệm vụ đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước, các doanh nghiệp cũng đừng vin vào lý do mức chiết khấu bán hàng giảm để lý giải tình trạng đứt nguồn cung hàng ở khâu bán lẻ.
Về phía cơ quan quản lý, sự nhất quán trong phát ngôn là yếu tố hết sức quan trọng bởi nó giúp thị trường xăng dầu trong nước ổn định. Nếu một lần nữa, khi cơ quan quản lý thông báo chưa tăng giá xăng dầu, mà giá mặt hàng này lại được điều chỉnh tăng thêm chỉ ít ngày sau đó, thì chắc chắn, thị trường xăng dầu còn rối, giới đầu cơ lại thừa cơ thu lời bất chính và đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng.