Đến chiều 5.5, trao đổi với phóng viên Lao Động, một quan chức có thẩm quyền của Bộ Công Thương khẳng định, liên bộ Tài chính - Công Thương vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, trước mắt vẫn yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối đảm bảo nguồn cung, chưa cho phép tăng giá bán.
|
Mức 21.300đ/lít xăng A92 hiện chịu áp lực đòi tăng giá. Ảnh: Giang Huy |
Đầu mối kêu lỗ
“Mới qua tuần đầu tháng 5, Saigon Petro đã lỗ ngót nghét 10 tỉ đồng. Sau 2 đợt tăng giá trong tháng 4, tình hình có khả quan hơn, nhưng đến nay, thì các doanh nghiệp đầu mối bắt đầu thấy oải” - ông Đặng Vinh Sang - TGĐ Saigon Petro - chia sẻ trước gánh nặng giá thế giới leo thang. Chúng tôi đã gửi công văn đề nghị tăng giá với liên bộ từ hơn 1 tuần nay, nhưng chưa thấy hồi âm.
Trước tình trạng các đại lý kinh doanh xăng dầu bán nhỏ giọt, hoặc ngừng bán với nhiều lý do, ông Sang cho biết, thực ra khoản lỗ của các đại lý không thấm vào đâu so với lỗ của các DN đầu mối. Chúng tôi lỗ nặng nên không có nguồn để trích hoa hồng cho đại lý. Tính ra, với giá nhập khẩu hiện tại cộng các khoản thuế, phí thì mức lỗ của Saigon Petro đã vào khoảng 1.000-1.200đ/lít.
Hoa hồng cho đại lý chỉ còn khoảng 150-200đ/lít (so với trước hoa hồng là khoảng 500 - 600đ/lít). “Biết là với mức hoa hồng này, các đại lý không đủ chi phí cho các khâu vận chuyển, bán hàng, nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao. Chúng tôi có lãi đâu mà trích cho đại lý được, chỉ đảm bảo nguồn cung đã là cố gắng lắm rồi” - ông Sang nói.
Không cho biết mức lỗ hiện tại, song ông Bùi Ngọc Bảo - TGĐ TCty Xăng dầu VN (Petrolimex) - cũng thừa nhận một thực tế là đang có tình trạng ở các địa phương biên giới, các đại lý tư nhân găm hàng, không bán ra đợi giá xăng dầu tăng. Với giá xăng dầu biến động tăng, trong khi giá trong nước vẫn giữ nguyên, nếu không làm tốt khâu kiểm soát thị trường nội địa thì việc thẩm lậu xăng dầu qua biên giới sẽ diễn ra phổ biến vì có sự chênh lệch lớn giữa giá bán trong nội địa và giá tại các quốc gia láng giềng”.
Ông Bảo cho biết, Petrolimex đã ký hợp đồng nhập khẩu xăng dầu đến hết quý II, khoảng 5,5 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái và khẳng định sẽ đảm bảo nguồn hàng theo tiến độ hợp đồng với các đại lý. “Do tình hình ngoại tệ đã bớt căng thẳng, từ đầu năm đến nay, Petrolimex đã mua được khoảng 1 tỉ USD từ các NHTM để thanh toán cho các hợp đồng NK” - ông nói.
Petrolimex hiện đảm bảo khoảng 60% thị trường xăng dầu. Trong khi nhiều doanh nghiệp đầu mối khác cho biết, họ cũng khó có thể cầm cự nếu không được tăng giá. Do lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu rất thấp, nên các DN đầu mối khi được hỏi cũng không thể khẳng định các cây xăng mà họ cung cấp có biểu hiện găm hàng hay không.
“Họ có nhiều lý do để trì hoãn bán hàng, thậm chí nêu cả việc chúng tôi chậm giao hàng, hoặc giao không đủ số lượng, nhưng nếu muốn biết cụ thể, thì các cơ quan quản lý có thể kiểm tra xem lỗi thuộc về ai” - ông Sang nói. Tuy nhiên, như tôi nói thì họ lời ăn, lỗ bỏ, còn chúng tôi thì không làm thế được.
Xử lý nghiêm các cây xăng găm hàng
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Võ Văn Quyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - khẳng định: Việc găm hàng thời gian qua là có. Cục Quản lý thị trường đã có văn bản và trực tiếp chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường các địa phương tích cực kiểm tra, kiểm soát nắm tình hình, xử lý nghiêm các vi phạm theo Nghị định 06 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và NĐ 107 về xử phạt các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.
Mức xử phạt sẽ theo từng hành vi cụ thể. Trước mắt, quản lý thị trường phát hiện các cây xăng có biểu hiện găm hàng sẽ bằng các hình thức buộc phải bán hàng trở lại, xử phạt bằng tiền, nặng nữa rút giấy phép kinh doanh. Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản 3741/BCT-TTTN ngày 26.4 gửi các tỉnh, thành phố, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bác bỏ tin đồn thất thiệt tăng giá xăng dầu.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, một lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá theo dõi sát sao diễn biến của thị trường xăng dầu, giá nhập khẩu các chủng loại xăng dầu bình quân trong 30 ngày gần nhất, để xem xét có chấp thuận hay không đề nghị tăng giá của các DN đầu mối.
Tuy nhiên, nguyên tắc điều hành thị trường vẫn là đảm bảo lợi ích cao nhất của xã hội và phải cân nhắc các tác động nhiều mặt đến đời sống người dân, không thể vì các DN kêu lỗ mà buộc phải tăng giá.
Petrolimex: Đủ nguồn cung đến hết quý II/2011
Thời gian gần đây, tin đồn giá xăng tăng lên 24.000đ/lít lại rộ lên và tại một số địa phương như Ninh Bình, Đắc Lắc, Lâm Đồng đã có hiện tượng một số cây xăng tư nhân “găm hàng chờ tăng giá”, hay tạm đóng cửa. Nhưng theo khẳng định của những DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, hiện nay nguồn cung xăng dầu đã ổn định và không có chuyện cắt giảm nguồn hàng đã hợp đồng với các đại lý.
Điển hình như Petrolimex - DN chiếm tới 60% thị trường xăng dầu của VN - cho biết, trong 4 tháng qua, DN này đã nhập về 3,7 triệu mét khối/tấn (80% nhập khẩu và 20% mua của Dung Quất), đảm bảo lượng tồn kho 30 ngày. Và hiện Petrolimex đã ký hợp đồng cho đến hết quý II/2011, đảm bảo nhập khẩu 5,5 triệu mét khối. Như vậy, việc tăng găm hàng là do chủ ý của các đại lý kinh doanh xăng dầu, các DN kinh doanh không liên quan. Đ.Tiến
|