Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Petrolimex Sài Gòn khẳng định, các cây xăng thuộc hệ thống Petrolimex Sài Gòn hiện vẫn đang phục vụ bán hàng 24/24, hoàn toàn không có chuyện găm hàng hay bán nhỏ giọt. Dù vậy, lãnh đạo 3 đơn vị này cũng không loại trừ các trường hợp đầu cơ găm hàng có thể đang diễn ra.
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc SaigonPetro cho biết, một phần nguyên nhân khiến các đại lý găm hàng là do hoa hồng giảm mạnh. Cụ thể, với Saigon Petro, hoa hồng cho đại lý chỉ còn 200 đồng/lít thay vì mức 500 - 600 đồng/lít trước đây.
Đề cập đến tình trạng găm hàng và trách nhiệm của các đại lý, ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng Giám đốc PVOil cũng cho rằng, có thể do chiết khấu giảm đi nên các đại lý không hào hứng bán hàng. Một khi đã cùng tham gia vào một thị trường hàng hóa có điều kiện thì phải tuân thủ các điều kiện của thị trường hàng hóa đó, khi có lợi nhuận cùng hưởng nhưng khi không có lời cũng phải cùng chia sẻ, chứ không thể quay lưng.
Như vậy, tình trạng đầu cơ găm hàng đang diễn ra trên thị trường xăng dầu trách nhiệm thuộc về ai? Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, quản lý kinh doanh xăng dầu tại địa bàn là nhiệm vụ của các Sở Công thương, nếu phát hiện cây xăng nào ngừng bán không hợp lệ phải truy ngược lên tổng đại lý. Để chấn chỉnh tình trạng này, chi cục quản lý thị trường và công an các địa phương cần phải kiểm tra nghiêm túc và xử lý triệt để các cây xăng, đại lý vi phạm.
Cũng theo ông An, tình trạng găm hàng có khả năng xảy ra từ các tổng đại lý đến các đại lý. Vì vậy mới đây, Bộ Công thương cũng đã có Văn bản số 3741/BCT-TTTN gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các DN đầu mối kinh doanh nhằm bác bỏ tin đồn tăng giá xăng dầu gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Bộ Công thương cũng yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn phải mở cửa bán hàng đủ thời gian, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tại địa phương.