Thị trường xăng dầu hiện nay đang tồn tại rất nhiều nghịch lý. Đầu tiên là các doanh nghiệp đầu mối và ngay cả Bộ Công Thương cũng luôn khẳng định nguồn cung đảm bảo, các DN nhập đủ hạn mức được giao, giao đủ cho các đại lý theo hợp đồng… tóm lại chỗ nào cũng đủ, nhưng người dân đi mua xăng dầu lại thấy thiếu. Thứ 2 là nhiều địa phương, người dân nháo nhác vì không mua được xăng dầu, các cây xăng thì đột ngột ngưng bán hàng với đủ các lý do, vào các thời điểm nhạy cảm, nhưng khi kiểm tra ra thì lại chẳng có ai "găm hàng". Rút cục là xăng dầu chạy đi đâu vào những giai đoạn nhiều người đồn đoán là sắp tăng giá như thế này?
|
Hiện nhiều địa phương lại xuất hiện tình trạng cây xăng ngưng bán hàng. |
Ai cũng nói đủ, chỉ người dân thấy thiếu?
Thời gian gần đây, nhiều địa phương lại rộ lên hiện tượng người dân không mua được xăng dầu, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam như: Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, và thậm chí ngay cả ở một số huyện ngoại thành Hà Nội. Vậy sự thiếu hụt có phải bởi các doanh nghiệp đầu mối.
Chiều 4/5, chúng tôi đã trao đổi với ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và được cho biết: Trong 4 tháng đầu năm, Petrolimex đã nhập 3,7 triệu m3, trong đó 80% là nhập khẩu, 20% mua từ Dung Quất. Lượng nhập này đảm bảo nguồn cung cho thị trường và tồn kho bình quân 30 ngày. Tới thời điểm này, tổng công ty đã ký hết hợp đồng cho quý 2, đảm bảo đủ nguồn hàng cho 6 tháng, và tăng trưởng 17% cho nhu cầu thị trường.
Ông Bảo cho rằng, do giá dầu lên cao, ở một số địa phương có tình trạng các đại lý tư nhân có hình thức găm hàng, không bán ra. Tuy nhiên, Petrolimex vẫn khẳng định đảm bảo nguồn hàng theo tiến độ hợp đồng với các đại lý trong hệ thống, sẽ duy trì trong suốt quý II và các tháng tiếp theo.
"Chúng tôi sẽ đảm bảo được nguồn hàng tới hết quý II. Chính sách điều hành nếu vận hành như tháng 4 thì thị trường chắc chắn sẽ ổn định", ông Bảo khẳng định. Cùng quan điểm này, ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro cũng cho biết: "Nguồn cung từ Saigon Petro cho các đại lý vẫn đủ, mỗi tháng chúng tôi đảm bảo khoảng 100.000m3 xăng dầu, cung ứng đủ cho 20 - 30 ngày".
Cơ quan chức năng giơ cao đánh khẽ?
Không chỉ có các cây xăng bán lẻ có tình trạng găm hàng chờ giá, nhiều ý kiến cho rằng tại các đại lý, hoặc tổng đại lý cũng diễn ra tình trạng này. Bộ Công Thương trước đây đã cho rằng, việc giám sát chặt các cây xăng thôi là chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải nắm được hệ thống các đại lý và tổng đại lý. Tuy nhiên, hiện tại chưa biết Bộ đã thực hiện quá trình "nắm" các đơn vị này đến đâu.
Ông Đặng Vinh Sang cho rằng: Một phần lý do khiến các đại lý bán nhỏ giọt là do hoa hồng DN đầu mối chi cho các đại lý giảm mạnh. Cụ thể, với Saigon Petro, hoa hồng cho đại lý chỉ còn 200 đồng/lít thay vì mức 500 - 600 đồng/lít trước dây. Ông Sang cho rằng, nhiều đại lý viện lý do đầu mối cấp bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, không lấy thêm hàng để bán, song thực tế vẫn nhập đủ hàng từ đầu mối về nhưng găm hàng, đầu cơ, chờ tăng giá.
Do mức chiết khấu các đại lý nhận được thấp, nên các cây xăng được chiết khấu còn thấp hơn nhiều. Đơn cử trường hợp cây xăng Yến Huân (Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội, có hiện tượng ngưng bán hàng không rõ lý do) cho biết: Hiện mức chiết khấu họ nhận được chỉ là 50 đồng/lít xăng, dầu. "Mỗi tháng chúng tôi bán được khoảng 200m3 (tương đương 200.000 lít), tức là hoa hồng được 10 triệu, trong khi các chi phí cố định mỗi tháng đã hết 45 triệu. Suốt từ tháng 10/2010 đến giờ buôn bán liên tục lỗ, chúng tôi chịu làm sao được" - chủ cây xăng cho biết.
Ông này cũng tiết lộ thêm là mức chiết khấu của đại lý mà ông lấy còn cao, chứ chiết khấu của một số đại lý thậm chí còn về 0. Chiết khấu cao hơn cũng chính là lý do từ tháng 1 năm nay, cây xăng này chuyển sang nhập hàng của đại lý khác, thay vì Công ty Xăng dầu Phú Thọ (một DN thuộc hệ thống Petrolimex) như trước kia.
Hiện tượng thì rõ mười mươi là như vậy, người dân nhốn nháo vì không mua được xăng rõ ràng là có, bán nhỏ giọt 20.000- 30.000 đồng/lần cũng rõ ràng là có, chỉ có việc xử lý không hiểu sao lần nào cũng thiếu cơ sở. Bộ đã không ít lần tuyên bố sẽ "xử lý nghiêm", nhưng khi áp dụng vào thực tế thì "khẳng định được họ vi phạm không phải dễ", thế nên việc "nghiêm" có vẻ như mới dừng lại ở xử phạt hành chính, hoàn toàn không đủ sức răn đe.
Từ cơ quan chức năng như các Sở Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường đến lãnh đạo DN đầu mối như ông Đặng Vinh Sang đều cho rằng: Các đại lý, cây xăng có nhiều lý do để lách thanh kiểm tra, nên dù hiện tượng đóng cửa, bán nhỏ giọt rất phổ biến, quản lý thị trường khi đi kiểm tra cũng rất khó xử phạt. "Lúc chúng tôi có mặt ở đấy, thì họ chẳng vi phạm gì cả, nhưng không có thì tôi cũng không dám khẳng định. Địa bàn thì rộng, có tới 23 cây xăng, mà cả đội tôi có 9 người, không thể nào kiểm soát được hết" - ông Nguyễn Quốc Huy, Đội trưởng Đội QLTT số 32 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho biết.
Rõ ràng là kiểm soát theo kiểu "đứng canh" ngày đêm thì không ai đủ khả năng để làm. Trong khi đó, nguồn tin xác đáng nhất chính là từ người dân, những người phát hiện nhanh nhất sự việc, thì chưa được cơ quan chức năng sử dụng hiệu quả. Đường dây nóng Bộ Công Thương đã công bố, thế nhưng lúc cần người dân vẫn không biết gọi cho ai, vì thông tin không đến được với họ. Có nên chăng số điện thoại đường dây nóng nên được dán ngay tại mỗi cây xăng.
Tổng kiểm tra các cây xăng có hiện tượng ngưng bán hàng
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 4/5, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Thực hiện công văn hỏa tốc của Bộ Công Thương về việc Tổng kiểm tra toàn bộ những cây xăng có dấu hiệu ngưng bán hàng, lực lượng QLTT Hà Nội đã bắt đầu tiến hành việc này. Theo đó, ngoại trừ những cây xăng bán hàng bình thường, còn các cây xăng có hiện tượng ngưng bán hàng sẽ bị tổng kiểm tra toàn bộ: giấy phép kinh doanh, các giấy tờ liên quan, số lượng hàng tồn, công tác đảm bảo an ninh an toàn, biển hiệu… và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về trường hợp cây xăng Yến Huân, được biết cho đến ngày 4/5, kế toán của họ đã có mặt làm việc với cơ quan chức năng, và chứng minh được đúng là vào ngày 27/4, cây xăng này có hết hàng, dẫn đến phải ngưng bán. Dù vậy, không loại trừ việc họ có thể tìm cách "lách". Hiện kết luận cuối cùng về cây xăng này vẫn chưa được đưa ra.
|