Những ngày qua, tại nhiều tỉnh ĐBSCL lại rộ lên tin đồn xăng, dầu sẽ tăng giá. Nhiều cây xăng tại TP Long Xuyên và các huyện Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn… của tỉnh An Giang đã hạn chế lượng hàng bán ra. Một số cây xăng còn đột ngột ngừng bán.
Ghìm hàng, tăng giá
Nông dân tại các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Thoại Sơn, Châu Phú và Tri Tôn hiện đứng ngồi không yên vì thiếu dầu để bơm nước tưới lúa. Ông Nguyễn Văn Sáu, một nông dân làm hơn 30 công ruộng tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú, vô cùng bức xúc: “Sáng sớm, tôi từ nhà ở thị trấn Cái Dầu mang vác đồ đạc vào tận Bình Phú để lo đồng áng.
Máy bơm nước cũng được chở tới nhưng không mua được dầu về chạy. Tôi tới cây xăng đối diện cầu treo xã Bình Phú nài nỉ mua 30 lít dầu nhưng nhân viên chỉ đồng ý bán 200.000 đồng, chưa đầy 10 lít. Nài nỉ hoài, họ cũng không chịu bán, tức quá tôi phải chạy mấy chục cây số về tận Cái Dầu mua dầu đem vô ruộng”.
Còn tại tỉnh Long An, những ngày qua có hiện tượng một số cây xăng nâng giá bán. Chi cục QLTT tỉnh Long An đã làm việc với đại lý bán lẻ xăng dầu DNTN Mai Thanh Thân và Phúc Hưng tại huyện Tân Thạnh và 2 doanh nghiệp này thừa nhận thỉnh thoảng có nâng giá bán. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Long An, cho rằng hành vi này chỉ bị nhắc nhở chứ không xử phạt được vì không bắt quả tang.
|
Cây xăng Mỹ Quý 1, TP Long Xuyên đóng cửa ngừng bán sau 17 giờ ngày 20-4. Ảnh: QUỐC DŨNG |
Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Bến Tre cho biết hai ngày qua, nhiều cây xăng giảm lượng bán ra. Nguyên nhân được lý giải là do người dân mua dầu để chạy máy cho đầm tôm quá nhiều nên chủ cây xăng không bán với số lượng lớn. Hiện tại, Chi cục QLTT đã lập số máy đường dây nóng để người dân phản ánh việc cây xăng găm hàng.
Đóng cửa “đón gió”
Liên tiếp khoảng 3 ngày qua, nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh An Giang đóng cửa ngừng bán sớm hơn thường lệ nhiều giờ. Tại cửa hàng xăng dầu Mỹ Quý 1 (phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên), mới hơn 17 giờ, cây xăng này đã kéo rào sắt chắn ngang phía trước nghỉ bán hàng. Nhân viên tại đây cho biết do hết xăng nên đóng cửa sớm. Tuy nhiên, sáng hôm sau, cây xăng này vẫn mở cửa bán lại và cũng đóng cửa lúc 17 giờ, trong khi mọi ngày bán hàng đến 21 giờ.
Theo ông Phan Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, qua kiểm tra tại các huyện, lực lượng QLTT đã phát hiện nhiều cây xăng đóng cửa sớm bất thường. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, khi có đủ cơ sở cho thấy cây xăng nào găm hàng để trục lợi thì sẽ xử lý nghiêm” – ông Lợi nói.
Ông Hồ Hoàng Hà, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Mấy ngày nay, qua phản ánh của ngư dân, chúng tôi phát hiện có 3 cây xăng ở huyện Duyên Hải ghìm hàng và không bán cho ngư dân. Còn những ngư dân quen biết với chủ cây xăng thì cũng chỉ được bán khoảng 30 lít dầu”.
Ông Hà nói sẽ báo cáo việc này lên Sở NN-PTNT để phối hợp với Sở Công Thương Trà Vinh xử lý chủ những cây xăng này. Ông Nguyễn Văn Bảnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, cũng cho biết qua kiểm tra tại huyện Duyên Hải trong ngày 21-4, Chi cục QLTT ghi nhận có 4 cây xăng hết hàng và 2 cây xăng đóng cửa nên không bán dầu cho ngư dân. Trong đó, 2 cây xăng đóng cửa do nhà có việc nên đội QLTT không lập biên bản.
Nhiều tàu không dám ra khơi
Ông Tô Duy Đại, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Ngư dân bây giờ nản lắm rồi, không còn tha thiết đánh bắt nữa.
Một phần do thời tiết biến động, phần vì giá nhiên liệu quá cao, làm ăn không hiệu quả. Hiện nay có rất nhiều tàu cá nằm bờ, không dám ra khơi vì càng đánh bắt càng lỗ”.
Còn tại Trà Vinh (có khoảng 1.300 tàu đánh bắt cá), nhiều chủ tàu cũng ngao ngán vì giá dầu cứ tăng liên tục. Chi phí cho các chuyến đánh bắt ngày càng tăng nên nhiều tàu không dám ra khơi.
C.Linh
|