|
Xăng dầu Dung Quất. |
Ngày 23/3 vừa qua, Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đã dừng nhà máy để kiểm tra các thiết bị quan trọng của Phân xưởng xúc tác (RFCC) cũng như toàn bộ nhà máy. Ngày 31/3, toàn bộ công tác kiểm tra thiết bị đã được hoàn tất và đến ngày 3/4 đã khởi động lại phân xưởng RFCC, ngày 5/4 nhà máy đã hoạt động 100% công suất.
Đây là bước chuẩn bị để nhà máy đi vào bảo dưỡng định kỳ vào tháng 7 tới. Thời gian bảo dưỡng này sẽ kéo dài trong vòng 2 tháng. Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty Lọc Hoá dầu Bình Sơn cho biết: Việc tạm dừng hoạt động Nhà máy Dung Quất từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9 là kế hoạch lớn trong năm chứ không có gì bất thường. Theo hợp đồng đã ký với các nhà thầu Jcon, Dong-II, Ubec, Deachang (Hàn Quốc), tổng giá trị hợp đồng bảo dưỡng tổng thể lần này khoảng 25 triệu USD. Số tiền này là tổng giá trị cho 5 gói thầu, không bao gồm vật tư cần thay thế.
Lần bảo dưỡng tổng thể này là đợt kiểm tra và đánh giá tình trạng của từng phân xưởng, thiết bị, máy móc để có sự bảo dưỡng, thay thế kịp thời. Sẽ có hàng nghìn chuyên gia, công nhân trong nước và nước ngoài tham gia công tác bảo dưỡng nhà máy.
Theo tính toán của ông Nguyễn Hoài Giang, Nhà máy lọc dầu Dung Quất nghỉ bảo dưỡng 2 tháng có ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung xăng dầu trong nước. Các đơn vị đầu mối sẽ phải nhập khoảng 1 triệu tấn sản phẩm các loại từ nước ngoài trong thời gian chờ nhà máy vận hành trở lại.
Hiện công suất của Dung Quất đã vượt thiết kế cực đại từ 100% lên 105%, mỗi ngày sản xuất khoảng 1.000 tấn sản phẩm do thị trường đang khan hiếm xăng dầu và các sản phẩm khác (nếu quy ra tiền thì tương đương với khoảng 20 tỷ đồng/ngày). 90% xăng dầu “made in Vietnam” được bán cho 3 đầu mối lớn là: Petrolimex, Petec và PV Oil; 10% sản phẩm còn lại bán cho các đầu mối nhỏ khác.
Mục tiêu cuối năm 2015, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ nâng công suất lên gần 10 triệu tấn/năm. Khi đó, Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ quốc gia không chỉ ở con số 33% nhu cầu như hiện nay.