Báo cáo liên quan đến ngành khai khoáng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Tư vấn phát triển (CODE) đồng thực hiện, vừa đề cập một số phát hiện liên quan tới nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khai thác dầu khí trên thực tế.
Cụ thể, theo quy định hiện hành của Luật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) có trách nhiệm cung cấp cũng như thu một khoản phí về mua, sử dụng thông tin về dầu khí từ các doanh nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí.
Trước đây, một số hợp đồng đấu thầu thăm dò dầu khí đã bao gồm cả khoản phí này với giá khoảng 200 nghìn USD/lô. Tuy nhiên, VCCI khẳng định hiện nay có những doanh nghiệp không phải chi trả khoản này.
Theo quy định, việc bán thông tin liên quan đến lô dầu khí được tiến hành trong quá trình đàm phán và được đề cập trong hợp đồng dầu khí. Thông thường những lô mà Petro Vietnam phải chi trả nhiều tiền thì mới thu phí, những lô phải chi phí ít và ở dạng khuyến khích đầu tư thì không thu khoản phí này.
Và sự “không rõ ràng”, theo VCCI, là không có một văn bản hay quy định công khai về việc quy định lô nào, dự án nào phải có nghĩa vụ chi trả khoản phí này.
Tương tự là chuyện thu phí hoa hồng. Hiện nay, trong lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam vẫn áp dụng ba loại phí hoa hồng: hoa hồng chữ ký, hoa hồng phát hiện thương mại và hoa hồng sản xuất.
Phí hoa hồng chữ ký được doanh nghiệp thực hiện ngay sau khi ký kết hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí. Phí hoa hồng phát hiện thương mại được thực hiện khi doanh nghiệp thăm dò dầu khí phát hiện mỏ dầu có tính thương mại. Phí hoa hồng sản xuất được tính khi doanh nghiệp khai thác đạt tới một sản lượng nào đó, thường khoảng 50 nghìn thùng/ngày.
“Nhìn chung, không có quy định cụ thể về giới hạn mức giá các loại phí hoa hồng. Mức phí này được nhà thầu đề nghị trong khi đấu thầu đối với nước chủ nhà. Tuy nhiên, nhiều lô dầu khí không được đấu thầu nên việc quy định và thu những khoản phí hoa hồng là thiếu rõ ràng”, báo cáo cho biết.
Trong khi phí hoa hồng chữ ký thông thường khoảng 5 triệu USD, phát hiện thương mại khoảng 10 triệu USD, sản xuất cũng khoảng 10 triệu USD, dẫn ý kiến của doanh nghiệp, Báo cáo cho rằng phí hoa hồng ở Việt Nam khá rẻ so với mặt bằng chung trên thế giới.
Một khoản khác là phí bảo vệ môi trường. Theo Nghị định số 63/2008 /NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (bao gồm cả dầu khí) thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí phải nộp phí bảo vệ môi trường 100 nghìn đồng/thùng.
Tuy nhiên, nhiều dự án khai thác dầu khí không phải nộp phí bảo vệ môi trường mặc dù không phải dạng được khuyến khích đầu tư. Việc quy định các dự án không phải nộp phí bảo vệ môi trường được thực hiện bằng những văn bản công bố nội bộ trong ngành dầu khí và Bộ Tài chính.
VCCI ước tính theo lý thuyết, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác dầu khí trong năm 2009 lên tới 1.600 tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD). Tuy nhiên, các số liệu thống kê về nguồn thu cũng như việc sử dụng khoản thu này không được thể hiện trong các thống kê ngân sách nhà nước, báo cáo lưu ý.
Liên quan đến việc thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ dầu khí, theo Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg ngày 21/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp khai thác dầu khí phải ký quỹ một khoản tiền để thu dọn dầu mỏ sau khai thác, mức trích nộp quỹ được tính dựa theo sản lượng khai thác hàng năm và có trách nhiệm gửi khoản tiền này vào một tổ chức tín dụng có sinh lãi ở Việt Nam, tiền lãi phát sinh hàng năm được cộng vào quỹ này.
Theo báo cáo tài chính của Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC), đơn vị được giao quản lý quỹ thu dọn dầu mỏ, số dư tính đến ngày 31/12/2009 là gần 1.314 tỷ đồng (tương đương với khoảng 76,5 triệu Đô la Mỹ).
Hợp đồng số 1507/HDKT-DKVN giữa PVFC và Petro Vietnam nhận ủy thác “quỹ thu dọn mỏ” bằng USD áp mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng bằng lãi suất công bố của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietcombank) +0,75%/năm. Từ các thông tin này, báo cáo cho rằng có một số điểm thiếu rõ ràng trong việc quản lý số tiền gửi này.
Thứ nhất, PVFC là một công ty con của Petro Vietnam nên việc PVFC được ủy thác quản lý quỹ này có vẻ thiếu phù hợp so với tinh thần của Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg. Trong đó, số tiền ký quỹ phải được gửi ở một bên thứ ba.
Thứ hai, PVFC chỉ tính mức lãi suất có thời hạn là 12 tháng, trong khi việc thu dọn mỏ thường được tiến hành trong nhiều năm. Do vậy, nếu thời hạn gửi lâu hơn thì mức lãi suất sẽ cao hơn.
Thứ ba, lãi suất mà Petro Vietnam tính cho quỹ thu dọn mỏ không được công bố. Điều này rất khó để đảm bảo rằng mức lãi suất mà PVFC trả cho Petro Vietnam được tính trực tiếp vào quỹ thu dọn mỏ.
Và cuối cùng, PVFC trả mức lãi suất cao hơn cả mức lãi suất chuẩn là 0,75%/năm. Vậy đâu là nguyên nhân cho mức lãi suất cao này? Liệu có việc số tiền ký quỹ này được đem sử dụng với mục đích khác, báo cáo đặt câu hỏi.
Cũng theo các cơ quan thực hiện báo cáo, việc sử dụng, quản lý số tiền nói trên còn nhiều điểm thiếu minh bạch, có nguyên nhân từ việc soạn thảo hướng dẫn thi hành Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg, được giao cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, nhưng tính đến nay, văn bản hướng dẫn này vẫn chưa ra đời.