Xăng dầu còn tăng giá?
13/04/2011 8:35:00 SATin trong nước

Lần thứ hai trong vòng hơn một tháng, giá xăng dầu bán lẻ các loại được điều chỉnh tăng thêm 2.000đ - 2.800đ/lít hồi cuối tuần qua, nhưng dường như vẫn chưa phải là điểm dừng, khi tình hình các nước sản xuất dầu mỏ vẫn còn nhiều biến động.

Tình hình xuất lậu xăng dầu tại khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh vẫn diễn ra công khai. Trong ảnh: Vận chuyển xăng dầu trên Tỉnh lộ 793 để vào các đường nhỏ ra biên giới

Lần tăng giá xăng dầu gần nhất là hôm 24/2, giá xăng tăng từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng/lít, mà theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là do giá xăng dầu thế giới đã tăng quá nhanh; để nhập khẩu xăng dầu các doanh nghiệp chịu lỗ ít nhất 2.000 - 3.000đ/lít.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thì nhận định do chênh lệch quá cao giữa giá xăng dầu Việt Nam và giá xăng dầu ở Campuchia (mới tăng lên khoảng 27.000đ/lít xăng tính theo tiền đồng Việt Nam) nên tình trạng buôn lậu xăng dầu trong tuần qua lại bùng phát ở vùng biên giới Tây Nam.

Trong chừng mực lập luận như vậy thiếu thuyết phục vì các cơ quan chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Bình luận về động thái tăng giá xăng, các chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm “đây là việc làm cần thiết”. Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, lần điều chỉnh giá xăng này thực chất là đưa giá cả quay lại đúng theo cơ chế thị trường, đã được thực hiện từ cuối 2009 đến giữa 2010.

Một ngày sau khi giá xăng tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã giải thích trên báo chí rằng ngành xăng dầu cho đến nay đã lỗ 16,4 nghìn tỉ đồng, nếu điều chỉnh đủ thì giá xăng phải tăng khoảng 34 - 45%, tức là tăng 6.500 đồng/lít so với mức giá hiện nay.

Giải thích này được xem như là một lời báo động xăng sẽ còn tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Điều mà thị trường lo ngại là tác động của giá xăng mới lên giá cả, ngoài việc tạo thêm khó khăn trong đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp, còn có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 khó giữ ở mức thấp như chúng ta mong muốn. Mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 7% ngày càng xa vời.

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu trong ngày 29/3 sẽ tác động trực tiếp và làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 lên thêm khoảng 0,4%.

Thông tin này cũng được ông Thỏa cung cấp tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 30/3. Theo đó, 0,4% là mức tác động được tính ra sau vòng quay đầu tiên đồng tiền (tức là chưa tính tới các tác động tăng giá kèm theo).

Như vậy, cùng với mức tăng chỉ số tiêu dùng 6,1% trong ba tháng đầu năm, lạm phát kỳ vọng vào thời điểm này đã đạt khoảng 6,5% và đang tiến rất gần tới ngưỡng 7% mà Quốc hội phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng theo Cục trưởng quản lý giá, việc tăng giá lần này là chuyện chẳng đặng đừng vì kể từ lần điều chỉnh trước (24/2), giá xăng dầu thế giới đã tăng 12 - 17%, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông cho rằng mức điều chỉnh lần này mới tương đương 40 - 50% so với quy định tại Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính thì với điều kiện của Việt Nam hiện nay (nhập khẩu tới 70% nhu cầu xăng dầu), việc tiếp tục bù lỗ trong thời gian dài là không thể duy trì được.

Tuy vậy, khi xem xét điều chỉnh, cơ quan quản lý vẫn cố gắng giữ nguyên tắc Nhà nước không thu thuế, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và chưa có lãi để hạn chế tối đa tốc độ tăng giá.

Các khoản thu đối với kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam là 22% giá bán, trong khi ở Lào là 38%, Thái Lan là 48%, Campuchia là 35%. So với các nước này, giá xăng bán trên thị trường nước ta hiện cũng thấp hơn từ 2.300 đến 5.000 đồng một lít.

Ngoài dự báo của Bộ Tài chính cho rằng đợt tăng giá xăng dầu vừa qua chắc chắn sẽ khiến CPI năm 2011 tăng thêm khoảng 0,4%, Công ty Chứng khoán HSC cũng dự đoán tương tự và cho rằng CPI tháng 4 sẽ vào khoảng 1,5% do chịu tác động của giá xăng dầu tăng.

Nhìn vấn đề bi quan hơn là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) khi nhận xét giá xăng dầu thế giới tăng vào lúc quỹ bình ổn xăng dầu được Chính phủ dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu thời gian qua đã được sử dụng gần hết.

Các giải pháp tài chính khác như giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0% đã khiến Chính phủ gần như không còn dư địa chính sách để giảm áp lực điều chỉnh giá.

Theo phân tích của giới chuyên gia, việc tăng giá xăng dầu, giá điện trong tháng 2 và tháng 3 đã đội chi phí vận chuyển cũng như yếu tố đầu vào của nhiều mặt hàng tăng cao, nhất là cước vận tải tăng 6,69% và đẩy CPI tháng 3 tăng 2,17%.

Nhân giá xăng tăng đợt này, nhiều người trong giới kinh doanh đã không bỏ lỡ cơ hội qua việc nâng giá bán một số mặt hàng thiết yếu.

Trong ngành vận tải, vốn chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu, đã lên phương án tăng giá do chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 45 - 50% giá thành vận tải.

Hiện nay, cước taxi đã tăng 1.000 đồng/km, xe đò và xe tải tăng 8 - 12%. Tất nhiên các doanh nghiệp cũng được nhắc nhở tăng giá cước phải hài hòa với lợi ích người tiêu dùng.

Còn các hãng hàng không cũng đã có văn bản đề nghị điều chỉnh giá vé máy bay nội địa, có hãng đề nghị 20%, có hãng lại đưa lên đến 40 - 50%.

Thông tin mới nhất cho biết tại miền Trung một số tàu cá đã không thể ra khơi do giá dầu tăng đến 2.000 đồng/lít khiến cho phí tổn một chuyến ra khơi tăng cao, trong khi giá mua hải sản của các công ty kinh doanh lại không tăng.

Có thể nói kinh doanh xăng dầu của chúng ta vẫn còn yếu tố độc quyền (một doanh nghiệp được xem là độc quyền nếu chiếm trên 50% thị phần).

Hiện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam Petrolimex là đầu mối xăng dầu lớn nhất trên thị trường, lại đang chiếm trên 60% thị phần bán lẻ xăng dầu trong cả nước, 30% thị phần còn lại được chia cho hơn 10 doanh nghiệp khác.

Như vậy chỉ cần Petrolimex tăng hoặc giảm giá bán lẻ, các doanh nghiệp khác không thể không theo.

Cho nên khi xăng dầu chưa vận hành theo cơ chế thị trường thì các phát sinh trong kinh doanh xăng dầu nên chăng được giải quyết bằng các biện pháp công cụ quản lý hành chính.

Cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm truy xét và xử lý đến cùng những hiện tượng đầu cơ, găm hàng.

Xin đừng quên cung ứng xăng dầu còn liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia chứ không đơn giản là một hàng hóa thông thường.

Cơ quan nhà nước cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin diễn biến thị trường xăng dầu, giải tỏa ngay những ách tắc trong lưu thông xăng dầu thì mới hy vọng có một thị trường xăng dầu ổn định.

Muốn có giá thị trường theo đúng nghĩa người dân được hưởng lợi thì phải phá thế độc quyền qua đó người dân mới có thể lựa chọn doanh nghiệp bán xăng rẻ nhất trong điều kiện hiện nay.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent