Tin đồn lan nhanh vì thời điểm nhạy cảm
Đêm 29/2, giá xăng đã bất ngờ tăng thêm 2000 đồng. Trước giờ G, bất chấp mưa gió nhiều người dân đã đội mưa để tranh thủ mua khi xăng chưa tăng giá lên mức kỷ lục. Ngay sau khi giá xăng đã được điều chỉnh ở đợt gần nhất tin đồn xăng sẽ còn tăng giá lan truyền khắp nơi.
Đỉnh điểm là ngày 4/4, tại buổi giao ban trực tuyến sản xuất của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong thời gian tới giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh nhanh hơn giá nguyên liệu khác...
Ngay sau phát ngôn trên, tin đồn đã được rộ lên. Khắp các quán trà đá vỉa hè đến các tin nhắn qua yahoo đều rộ lên thông tin đến 16h chiều xăng sẽ tăng lên 25 nghìn đồng. Từ Hà Nội đến Nghệ An, Huế, TP. Hồ Chí Minh người dân kéo đến để đổ xăng chật ních tại các cửa hàng. Nhiều người không quên mang theo bình, can để mua hàng dự trữ.
|
Nhiều người dân xếp hàng mua xăng trước mỗi đợt xăng dầu tăng giá |
Qua 16h xăng vẫn chưa tăng thì lại có thông tin đến 20h xăng mới tăng giá vì thế lượng người ở các cửa hàng vẫn không giảm. Được biết đây cũng không phải lần đầu tiên người dân đổ xô đi mua xăng về tích trữ vì nghe những tin đồn thất thiệt.
Việc người dân đổ xô đi mua xăng vì tin đồn tăng giá, theo TS . Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế, Xã hội Hà Nội đó là đặc điểm của người dân Việt Nam.
Việc mua bán dựa vào tin đồn nổi cộm từ năm 2007 - 2008 và cho đến nay chúng ta vẫn phải chứng kiến và sống chung với các tin đồn, cơn sốt giá trên nhiều lĩnh vực: Chứng khoán, bất động sản, vàng, xăng...
Điều này cũng do một phần đặc điểm của người dân Việt Nam: Rất cả tin, dễ nghe theo tin đồn và ít kiểm tra thông tin. Tâm lý đám đông ngấm sâu vào đại đa số nguời dân trong khi đó khả năng độc lập trong tư duy không cao. Họ thấy người khác mua thì mình cũng mua".
Bên cạnh đó, thời điểm này là thời điểm nhạy cảm vì trong một thời gian ngắn nhưng xăng liên tục tăng giá. Giá xăng của Việt Nam lại có sự chênh lệch với thế giới. Vì thế người dân nghe thông tin xăng tăng giá có lý nên rất dễ tin.
Chế tài chưa nghiêm
TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho biết: "Bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ chính tâm lý bầy đàn, cả tin của người dân thì đó còn xuất phát từ sự thiếu sót trong công tác tuyên truyền của các ban ngành khiến cho người dân vừa thiếu thông tin vừa mất lòng tin.
Môi trường chính sách chưa đủ thông tin để người dân vững vàng trước những luồng thông tin thất thiệt. Việc người dân “đua” theo tin đồn chứng tỏ rằng đang tồn tại những hạn chế trong nền kinh tế thị trường của nước ta. Chúng ta vẫn còn bất cập trong quản lý Nhà nước, vẫn chưa mạnh tay với các tin đồn thất thiệt”.
Để góp phần ngăn chặn hiệu quả các tin đồn thất thiệt tương tự trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Các cơ quan và đại diện Nhà nước, tổ chức kinh doanh... cần thông tin một cách thường xuyên những nguồn thông tin chính thống và có chất lượng.
Những ngành và doanh nghiệp đang có độ độc quyền kinh doanh cao, như xăng, dầu, điện không nên lạm dụng hoặc nhấn mạnh yêu cầu bảo mật trong các phát ngôn chính thức làm tổn hại uy tín và mất lòng tin của xã hội, tránh một sự bất tín, vạn sự bất tin kiểu hôm trước tuyên bố thế này nhưng hôm sau làm ngược lại".
Với những cá nhân, tổ chức tung tin đồn thất thiệt mục tiêu phá hoại chính sách, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh cần phải được phát hiện kịp thời và trừng phạt nghiêm khắc và thông báo rộng rãi làm gương trong dân chúng. Không thể để những kẻ tung tin thất thiệt làm hoang mang và tổn hại thời gian, tiền bạc của dân chúng mà vẫn nhởn nhơ.