Đó là một trong những điểm nổi bật tại bản đánh giá về tình hình giá cả thị trường cả nước trong quý 1 và dự báo giá tháng 4/2011, vừa được Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra.
Theo bản báo cáo này, hiện tại các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, sữa… vẫn đang hiện hữu xu hướng đi lên, trong đó chịu áp lực tăng mạnh nhất là giá xăng dầu. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu tiếp tục tăng cao trước tình hình bất ổn chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông ngày càng phức tạp.
Tính tới thời điểm ngày 8/4, giá dầu mỏ thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 20 tháng qua do tình hình căng thẳng về chính trị tại các nước Trung Đông và Bắc Phi.
Cụ thể, tại London, giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng sáu đã có lúc lên tới 124,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 8/2008. Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao cùng tháng cũng đã vọt lên tới 111,90 USD/thùng.
Cùng với biến động của giá xăng dầu, giá gas trong nước có thể sẽ tiếp tục bị điều chỉnh mạnh do chịu ảnh hưởng từ giá thế giới. Hiện tại, tình hình chính trị bất ổn ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi đang đang hạn chế nguồn cung khí hóa lỏng trên thị trường. Cùng với đó, thiên tai nghiêm trọng tại Nhật đã dẫn tới tình trạng đóng cửa 4 nhà máy điện hạt nhân, động thái này đã làm nhu cầu về khí hóa lỏng tăng cao bù đắp nguồn năng lượng thiếu hụt.
Hiện tại giá gas trong nước đã lên mức kỷ lục trên 400 nghìn đồng/bình 12 kg, sau khi các doanh nghiệp kinh doanh gas chính thức điều chỉnh thêm 5.000 đồng/bình 12 kg kể từ 1/4, do giá thế giới điều chỉnh mạnh.
Trên thị trường vật liệu xây dựng, giá xi măng được dự báo có thể tiếp tục tăng do các yếu tố đầu vào tăng giá mạnh do ảnh hưởng của việc tăng giá than.
Theo thông báo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), kể từ ngày 1/4, Bộ Tài chính đã cho phép giá than được điều chỉnh tăng từ 20%-40%, tùy loại, nguyên nhân tăng giá do các chi phí đầu vào đồng loạt tăng, gồm điện, xăng dầu, tỉ giá, lãi suất…
Trong 3 tháng đầu năm, các công ty xi măng trong nước đã điều chỉnh tăng giá bán xi măng 1 lần lý do điều chỉnh là do giá một số vật tư đầu vào tăng.
Còn về mặt hàng thép, trong 3 vừa qua cũng chịu mức tăng giá khá lớn với việc điều chỉnh tăng giá 5 lần với mức tăng tổng cộng hơn 2 triệu đồng. Theo dự báo, trong tháng 4 này, dưới tác động của việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và lãi suất ở mức cao, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc vay vốn để duy trì sản xuất kinh doanh... Tất cả những điều này sẽ gây sức ép tăng giá trên thị trường thép. Tuy nhiên, giá mặt hàng này sẽ không thể tăng đột biến do lượng tiêu thụ những tháng tới vẫn chậm.
Với tất cả những yếu tố này, sắp tới việc nhiều mặt hàng thiết yếu bị điều chỉnh tiếp tục tăng giá là điều khó tránh khỏi.
Dưới mức độ ảnh hưởng của giá cả thế giới và biến động của thị trường, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc điều chỉnh hàng loạt mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, dầu, than…tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua sẽ tác động xấu đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Cụ thể, theo phân tích các ý kiến của nhiều thành viên, Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, trong tháng 4, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là dầu thô, mức biến động mạnh và khó lường sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu.
Cùng với đó, tình hình thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng nhất là thực phẩm. Việc cung ứng điện còn nhiều khó khăn, nhất là trong mùa khô tới đây, có thể ảnh hưởng tới sản xuất của một số ngành trọng điểm.
Ngoài ra, đợt điều chỉnh tăng giá điện, giá xăng dầu vừa qua sẽ tiếp tục tác động lan tỏa, từ đó sẽ hình thành mặt bằng giá mới cao hơn trước.Đặc biệt, kỳ nghỉ lễ (giỗ tổ Hùng Vương; ngày 30/4 và 1/5) sẽ làm gia tăng nhu cầu du lịch và ăn uống ngoài gia đình.