Lý giải nguyên nhân rộ tin đồn xăng tăng giá
05/04/2011 2:58:00 CHTin trong nước

Ngay sau khi có thông tin các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ và Bộ Công thương đã “bật đèn xanh” tại buổi giao ban trực tuyến sản xuất sáng 4/4, cho biết, giá xăng dầu có thể điều chỉnh trong thời gian tới thì tin đồn giá xăng tăng ngay trong ngày đã được rộ lên.

Tăng giá liên tiếp hai lần trong vòng một tháng, với mức tăng đến 4.900 đồng một lít xăng, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu vẫn tiếp tục kêu lỗ. Trong khi đó, ngành điện vẫn “đến hẹn lại lên”, là thiếu điện. Xăng và điện, hai mặt hàng vừa được điều chỉnh giá trong quý 1 vẫn là chuyện đau đầu ngành công thương.

"Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh nhanh hơn"

Trước kiến nghị của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng hai lần trong quý I nhưng vẫn chênh lệch giá tới hơn 2.000 đồng một lít so với các nước có chung đường biên giới trên bộ và trên biển. Vì vậy, xăng dầu vẫn “chảy” qua các cửa khẩu ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang... Ông Hoàng khẳng định, trong thời gian tới, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh nhanh hơn giá các nhiên liệu khác.
Người dân lại được một phen nháo nhào trước tin đồn giá xăng tăng.

Chiều qua, giới văn phòng tại Hà Nội được một phen nháo nhào khi nghe tin giá xăng sẽ tăng tới 4.000 đồng một lít ngay trong buổi tối. Ngay lập tức, dù đang trong giờ làm nhưng nhiều người vẫn tranh thủ đi đổ xăng. Chị Hà, nhân viên văn phòng Hà Nội, cho biết: “Được người bạn nhắn tin xăng sắp tăng giá, tôi bán tín bán nghi. Vì giá vừa mới tăng 2.900 đồng một lít xong. Nhưng để chắc ăn, tôi vẫn mang xe đi đổ vì đây không phải lần đầu giá tăng bất ngờ. Hơn nữa, mức tăng được nói đến không hề nhỏ, nếu đến tối xăng tăng thật thì lại ngại đi. Lần trước tôi cũng bị “mua hụt” xăng như thế”.

Không chỉ giới văn phòng mà ngay cả dân buôn bán cũng tỏ ra “nhạy cảm” trước việc giá xăng tăng. Chị Oanh, chủ một cửa hàng bán sữa trên đường Trường Chinh thậm chí còn nhắc khách nên tranh thủ đổ xăng vì giá sắp tăng.

Nhưng những người quan tâm nhất đến thông tin này vẫn là giới lái xe taxi. Chiều qua, tại một cây xăng trên đường Lạc Long Quân, các xe taxi xếp hàng dài như... ma trận để đợi đổ xăng. Tình trạng tắc nghẽn còn khiến nhân viên tại đây ngỡ ngàng tự hỏi: "Tại sao hôm nay mọi người lại đổ dồn đi mua xăng thế nhỉ"?

Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, tình hình còn nóng hơn khi một số cây xăng luôn đông nghẹt khách. Phần lớn đều khẳng định chỉ nghe “truyền tai” nhau nhưng vẫn cẩn thận đi mua xăng tích trữ cho chắc ăn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng khi được hỏi về tin đồn này đã khẳng định, đây chỉ là tin vịt. Theo quy định, giá xăng dầu chỉ được điều chỉnh giữa hai lần sau 30 ngày. “Tuy có kêu lỗ nhưng doanh nghiệp chưa có bất cứ đề xuất nào về việc tăng giá xăng trong thời điểm này”, đại diện Petrolimex khẳng định.

Vẫn kêu lỗ, than khó

Ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tính,  trong quý I, PVN khai thác 6 triệu tấn dầu quy đổi và 2,33 tỷ m3 khí,  doanh thu 151.000 tỷ đồng. Riêng xăng dầu trong quý I, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất hơn 1,3 triệu tấn các loại. Sau đợt dừng hoạt động ngắn ngày để kiểm tra chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng sắp tới, nhà máy Dung Quất đã hoạt động trở lại và cố gắng đạt công suất 100% ngay trong ngày 4/4. Trong tháng 4, PVN dự kiến sản xuất 430.000 m3 các loại xăng dầu. Đáng nói là tổng kết sản xuất kinh doanh đến 31.3, PVN lỗ 780 tỷ đồng. 

Còn bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, trong quý I, nhu cầu của thị trường tăng rất cao, dù cân đối cung – cầu vẫn đảm bảo nhưng do nhu cầu tăng cao, cộng với thị phần “dồn” thêm 20% so với bình thường về Petrolimex, nên đã để lại hậu quả lớn là đơn vị này ghánh khoản lỗ 2.650 tỷ đồng.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang "chạy" hết tốc lực để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ngoài ra, theo Petrolimex, đề tỷ giá và dư vay ngoại tệ đang làm đau đầu doanh nghiệp. Hiện dư vay ngoại tệ của Petrolimex hơn 1.061.000.000 USD. Trong khi tỷ giá ngân hàng mỗi ngày cứ tăng giảm 5 – 10 điểm, Petrolimex sẽ mất thêm 5 – 10 tỷ đồng mỗi ngày mà không biết hạch toán vào đâu. Cần có chính sách khoanh ngoại tệ theo tỷ giá thời gian nhất định, để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối yên tâm với nhưng khoản dư nợ đã qua.

Ngoài ra, bà Huyền cũng bày tỏ sự lo lắng khi quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp này âm từ tháng 2 để lại khoảng 703 tỷ đồng. Sau hai lần tăng giá với mức khá cao cũng chỉ đủ để đảm bảo sát mặt bằng chứ chưa thu được lợi nhuận, nên vẫn cần hỗ trợ đặc biệt trong thời gian tới!

Với ngành điện, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “kể khổ”, tốc độ tiêu dùng điện nội địa tăng đã gấp 2,25 lần GDP trong quý I, riêng điện công nghiệp tăng 2,91 lần GDP. Việc hiệu năng tiêu thụ điện thấp đã khiến EVN dù đã sản xuất tăng 12,69% nhưng lượng điện mua ngoài từ Trung Quốc cho quý 1 này vẫn phải tăng tới hơn 40%. 

Nhưng dù điện cả sản xuất và mua bên ngoài đều tăng, các doanh nghiệp, tổng công ty vẫn lo chuyện cắt điện. Các đơn vị đồng kiến nghị giảm thiểu việc cắt điện trong quý II, để tạo điều kiện cho sản xuất ổn định giữa lúc đồng vốn khó khăn, hàng hóa tăng giá mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Bắc Ninh là điện. Kế hoạch tiết giảm điện đã được điện lực xây dựng website riêng và công bố rõ ràng, nhưng hiện tình trạng khiếu kiện của các doanh nghiệp về khó khăn liên quan đến cắt cúp điện vẫn xảy ra.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent