P/V: Có thể nói người dân còn đang chưa kịp định thần trong cơn “bão giá” thì lại tiếp tục hứng chịu thêm một đợt tăng giá mới. Việc tăng giá xăng thêm 2000đ/lít đã khiến người tiêu dùng hết sức bất ngờ. Ông nhận định như thế nào về việc điều chỉnh giá xăng, đặc biệt là lại vào thời điểm này?
Ông Võ Trí Thành: Sau rất nhiều tranh cãi liên quan đến cơ chế kiểm soát giá xăng, dầu và khả năng bù đắp của ngân sách nhà nước theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế mới, tôi thấy có sự “chéo ngoe” ở đây.
Cụ thể, khi đang thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP thì một số tháng cuối năm 2010 trở đi chúng ta lại tạm ngừng thực hiện Nghị định theo cơ chế thị trường và giữ giá xăng dầu mặc dù giá xăng dầu thế giới vẫn tăng. Giờ đây, để thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về bình ổn kinh tế vĩ mô, chúng ta lại “trả lại tên cho nghị định 84”, nghĩa là lại thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Việc tăng giá xăng vào thời điểm này là phù hợp hay không không quá quan trọng mà quan trọng là tránh gây bất ngờ cho người tiêu dùng. Như thế sẽ không phù hợp với tập quán, thói quen, tâm lý của người tiêu dùng nên không tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội.
Ngoài ra, theo nguyên tắc thị trường, kinh doanh xăng dầu có lúc điều chỉnh lên, xuống linh hoạt, phụ thuộc vào giá dầu thế giới, vào tỷ giá, thuế nhập khẩu… Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta chỉ thấy điều chỉnh giá tăng chứ chưa có giảm hoặc giảm không đáng kể, gây ra ấn tượng không tốt cho người dân mỗi lần tăng giá.
|
Giá xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011(Ảnh: T.Xuân)
|
P/V: Ông nhìn nhận như thế nào về những lý do tăng giá xăng mà Bộ Tài Chính đưa ra như: ảnh hưởng giá xăng dầu thế giới, giảm bao cấp một bước, tình trạng buôn lậu ở biên giới phía Nam…?
Ông Võ Trí Thành: Về cơ bản giá xăng thế giới tăng khiến chúng ta phải tăng giá xăng là điều không thể tránh khỏi. Tôi không nghĩ rằng việc điều chỉnh giá lần này trái với tinh thần nghị quyết cơ chế thị trường mà quan trọng là cần phải tăng cường tính minh bạch trong việc giải trình với công chúng. Chống buôn lậu theo tôi không phải là lý do cơ bản bởi chúng ta không thể so sánh giá xăng với các nước bên cạnh như Lào, Campuchia khi chúng ta chưa hiểu cấu trúc kinh tế của nước họ như thế nào.
Vấn đề ở đây là chúng ta cần quan tâm đến những biện pháp của nhà nước đối với lĩnh vực xăng dầu, xem xét lại cấu trúc thị trường những năm vừa qua: đó là tăng tính cạnh tranh, (xem xét giảm chi phí, năng cao hiệu quả các công ty kinh doanh xăng dầu)…
Ngoài ra, chúng ta đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất nhưng cảm giác như chưa hề có sự thay đổi gì cả. Giờ chúng ta cần phải xem vai trò, năng lực hoạt động của nhà máy đó như thế nào.
P/V: Vậy là sắp tới nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục lao đao và người dân cũng sẽ vô cùng khó khăn khi phải chạy theo cuộc đua tăng giá trong thời gian tới?
Ông Võ Trí Thành: Tất nhiên một khi giá xăng dầu tăng thì sẽ đẩy giá các mặt hàng khác lên theo và sức lan toả của nó sẽ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đến người dân. Đó là điều không ai muốn. Tuy nhiên, nhà nước cũng không thể bao cấp mãi được. Tôi cho rằng, để giảm thiểu khó khăn cho người dân, nhà nước có thể bù đắp bằng hỗ trợ an sinh xã hội, cụ thể có thể hỗ trợ cho hộ nghèo bằng cách tính giá chênh lệch thấp cho mỗi hộ gia đình nghèo với một lượng xăng, dầu phù hợp theo ngân sách tương tự như chúng ta đã làm khi tăng giá điện vừa qua.
Còn đối với doanh nghiệp nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ bởi họ sẽ gặp khó khăn như: thiếu vốn hoạt động, kinh doanh do giá đầu vào tăng…
P/V: Điều chỉnh giá xăng lần này sẽ tác động lên mặt bằng giá cả chung, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ông có cho rằng đây sẽ là một trong những yếu tố gây bất lợi cho việc thực hiện Nghị quyết 11 cuả Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô?
Ông Võ Trí Thành: Tất nhiên là việc tăng giá xăng sẽ kéo theo hàng loạt các mặt hàng, dịch vụ khác tăng giá theo làm ảnh hưởng đến quá trình bình ổn kinh tế vĩ mô bởi tính lan toả của nó rất lớn trong đời sống, tiêu dùng, sản xuất kinh doanh... Chúng ta cũng đồng thời nhận ra rằng câu chuyện về bình ổn kinh tế vĩ mô rất khó khăn. Nhưng đây cũng là trường hợp bất khả kháng do giá dầu thế giới tăng. Điều quan trọng ở đây chính là ứng xử chính sách của nhà nước. Trong những trường hợp như thế này chúng ta càng thấy rõ ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội quan trọng như thế nào. Tại sao các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng của giá dầu thế giới, thậm chí doanh nghiệp vẫn chịu thuế, vẫn nảy sinh lạm phát nhưng mức lạm phát thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Đây lại chính là bài học về quản lý.
P/V: Lượng xăng dầu trong nước hiện nay nhập khẩu tới 70%. Tuy nhiên, diễn biến tình hình chính trị bất ổn ở Trung Đông –Bắc Phi ngày càng leo thang khiến nhiều chuyên gia dự đoán giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam. Nhận định của ông về giá xăng trong nước thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Trí Thành: Trong bối cảnh bất ổn chính trị đang diễn ra tại Trung Đông – Bắc Phi, nợ công của châu Âu, thảm hoạ khủng hoảng hạt nhân của Nhật Bản… Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta đang sống trong sự bất định khó lường. Do vậy, chúng ta cần phải luôn quan tâm sát sao đến mọi thông tin, diễn biến tình hình đang xảy ra trên thế giới để chuẩn bị nhiều tình huống, kịch bản dự phòng nhằm đối phó về chính sách trong nước sao cho hiệu quả. Tôi cũng nhấn mạnh rằng, mọi chính sách thay đổi đưa ra cần phải có giải trình minh bạch.
Trường hợp những bất ổn tại Trung Đông – Bắc Phi- nơi quan trọng nhất cho nguồn cung xăng dầu của chúng ta tiếp tục diễn ra thì thật khó lường bởi giá xăng dầu không biết sẽ đi đến đâu, có thể sẽ rất cao.
Theo quan điểm của tôi, nếu những bất ổn trên được kiếm soát và tăng trưởng kinh tế nhìn tổng thể thấp hơn 2010 thì có thể giá xăng dầu vẫn tăng nhưng sẽ tăng ở mức thấp nhất.
Nói chung chúng ta vẫn phải xác định rằng giá xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011.
P/V: Cám ơn ông!