Trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XII vào cuối năm 2010, số tiền 3.500 tỉ đồng đầu tư cho PVN đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn lớn, nhiều dự án, công trình đang trong quá trình triển khai thực hiện, nếu không tiếp tục đầu tư trở lại, ngành Dầu khí sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Ủy ban đã đề nghị Quốc hội chấp thuận cho việc đầu tư trở lại 3.500 tỉ đồng cho PVN như đề nghị của Chính phủ, song đề nghị Chính phủ báo cáo phương án đầu tư cụ thể với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 nhằm xem xét trước khi chỉ đạo sử dụng cụ thể theo quy định của pháp luật. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, “việc đầu tư trở lại cho PVN là có cơ sở pháp lý, đúng đắn và cần thiết như tinh thần Nghị quyết số 53/2010/QH12 của Quốc hội”.
Việc sử dụng một phần khoản lãi nước chủ nhà được chia trong Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro và các hợp đồng chia sản phẩm khác để tái đầu tư trở lại cho ngành Dầu khí đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình quản lý, đầu tư của PVN đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách này bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, sử dụng phù hợp với chiến lược phát triển ngành Dầu khí, xây dựng được một số dự án quan trọng như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch…
Thảo luận tại phiên họp ngày 26-3-2011 về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2011, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội ủng hộ việc đầu tư trở lại 3.500 tỉ đồng từ ngân sách năm 2011 cho ngành Dầu khí phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển. Cũng có những ý kiến khác đề nghị Quốc hội cân nhắc, trong giai đoạn Nhà nước đang tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách thì việc đầu tư cho PVN cần xem xét thận trọng. Hầu hết các đại biểu đều đề nghị PVN cần định kỳ hàng năm báo cáo các cơ quan chức năng về hoạt động đầu tư nói chung, đầu tư từ nguồn kinh phí được đầu tư trở lại vào các công trình trọng điểm, quan trọng của ngành Dầu khí nói riêng, bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, đúng pháp luật và có hiệu quả.
Hiện nay, PVN là Tập đoàn đứng đầu trong việc đóng góp ngân sách và GDP cho Nhà nước, là đầu tàu lôi kéo ngành công nghiệp Việt Nam phát triển. Khó khăn lớn nhất mà PVN phải đương đầu là làm sao duy trì và phát triển vai trò đầu tàu của nền kinh tế của mình và đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia. Tài nguyên dầu khí của nước ta đang cạn dần, nhằm gia tăng trữ lượng, biến tiềm năng dầu khí thành hiện thực, PVN và các đối tác sẽ phải vươn ra xa hơn để thăm dò và khai thác. Đầu tư cho thăm dò khai thác ở những vùng biển sâu đòi hỏi công nghệ khác hẳn, yêu cầu giàn khoan quy mô lớn hơn, phương tiện thiết bị hiện đại và tốn kém hơn, chi phí vận chuyển, nhân công, khai thác… cũng cao hơn. Theo tính toán, mỗi giếng thăm dò ở vùng nước sâu xa bờ tốn kém hàng trăm triệu USD. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của PVN nói riêng và sự ủng hộ của Đảng và Chính phủ nói chung.
Kết thúc phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã kết luận: “Quốc hội nhất trí với phương án sử dụng 3.500 tỉ đồng để lại tái đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, bảo đảm đúng quy trình thủ tục, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả đầu tư, tăng cường kiểm tra thanh tra trong quá trình thực hiện”.