|
Giá xăng tăng làm ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp vận tải - Ảnh: T.T.D.
|
Nhiều doanh nghiệp, nông dân... cho biết đang cố gắng tìm cách thích nghi trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao.
Không tăng cước quá cao
Ngay sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 2.000-2.800 đồng/lít, các công ty vận tải khẳng định đã điều chỉnh giá cước, thu thêm phụ phí xăng dầu tăng giá. Anh Vũ Hoài Nam, tài xế xe tải chạy tuyến Bắc - Nam của một công ty dịch vụ vận tải ở TP.HCM, cho biết sáng 30-3 chạy tuyến đầu tiên phải đổ dầu ở mức giá mới sau khi tăng 2.800 đồng/lít, khiến cước vận chuyển tuyến đường Bắc - Nam của anh phải thu thêm 3 triệu đồng phụ phí giá dầu.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Công ty vận tải Nguyễn Anh Tuấn (TP.HCM), cho biết giá dầu mới tạo áp lực mạnh lên chi phí vận tải. Công ty có mười đầu xe tải, nếu không thực hiện tăng cước ngay sẽ phải bù đắp rất nhiều chi phí. Theo ông Tuấn, đối với các tuyến chạy khoảng 100km xung quanh khu vực TP.HCM, giá cước cũ 2-2,2 triệu đồng (xe tải 5 tấn), nay phải tăng thêm 5-10% (tùy mặt hàng chở).
Tuy nhiên, tăng mạnh nhất là tuyến Nam - Bắc, khoảng 10%. Đầu năm 2011, cước vận tải của xe 5 tấn chạy tuyến Bắc - Nam dao động từ 16-17 triệu đồng (mức giá phụ thuộc vào tính chất mặt hàng). Nhưng qua hai đợt tăng giá xăng dầu từ đầu năm đến nay, giá cước mới lên tới 24,2 triệu đồng/chặng.
Trong ngày 30-3, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã có khuyến cáo đối với các doanh nghiệp về việc điều chỉnh giá cước vận tải do giá dầu tăng cao. Theo thông báo do phó chủ tịch hiệp hội Đinh Nam Dinh ký, chi phí nhiên liệu chiếm 45-50% giá thành vận tải nên khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên tăng cước khoảng 8-10%. Các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước cần kê khai giá cước mới với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Cục Thuế TP.HCM.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Toàn - phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô VN - cho biết hiệp hội có văn bản gửi các đơn vị, doanh nghiệp vận tải khuyến cáo doanh nghiệp trong việc điều chỉnh tăng giá cước phù hợp, đúng quy định. “Theo tôi, mức tăng giá cước vận tải do điều chỉnh giá xăng dầu chỉ tối đa 5-7%. Chúng tôi sẽ có nhắc nhở các doanh nghiệp nếu tăng quá cao để hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp” - ông Toàn nói.
“Ăn” vào lợi nhuận
Sáng 30-3, tin giá xăng dầu tăng thêm hơn 2.000-2.800 đồng/lít đã lan nhanh tới tận các vùng sâu vùng xa ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Phú ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng (Long An) nói 5ha lúa đông xuân của ông đang thu hoạch, nếu như hôm trước tiền công thuê máy gặt đập liên hợp và vận chuyển lúa hết 1,8 triệu đồng/ha thì nay đã tăng tới 2,5 triệu đồng. Tính ra 5ha lúa này ông Phú mất 3,5 triệu đồng do giá xăng dầu tăng.
Còn ông Dương Quốc Thịnh ở thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng (Long An) có máy cày làm đất thuê cho nông dân địa phương. Trước đây tiền công cày 1ha đất là 550.000 đồng, nay ông phải tăng giá thêm 200.000 đồng/ha mới đủ chi phí và có lời chút đỉnh. Theo nhiều nông dân ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, với giá xăng dầu tăng hai lần từ đầu năm đến nay đã làm chi phí sản xuất lúa của họ tăng cao, ước tính gần 3.500 đồng/kg, lợi nhuận vì vậy cũng giảm rất nhiều.
Đối với nông dân đang chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu, nhiều người đã tính toán biện pháp tiết kiệm bớt chi phí. Ông Châu Hồng Phong ở xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng nói vừa mất đứt 1 triệu đồng chi phí làm đất, bơm nước 2ha vụ lúa hè thu cũng vì giá xăng dầu tăng. Theo ông Phong, tới đây ông sẽ học cách tiết kiệm nước, chỉ bơm vào ruộng khi thật sự cần thiết chứ không phải thấy cạn là bơm.
Giá dầu tăng khiến nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ lo lắng. Bà Mười, chủ tàu cá Kim Dung tại cảng cá Mỹ Tho, cho biết tàu của bà cần 3.000 lít dầu cho mỗi chuyến ra khơi. Trước đây chỉ tốn 70-80 triệu đồng, nay đã tăng tới 100-110 triệu đồng/chuyến. Theo bà Mười, nếu có cắt giảm bớt chi phí thì không đáng kể. “Cũng may là hiện nay giá cá ở mức cao nên cũng đủ bù đắp chi phí. Nếu giá cá giảm thì chắc chắn không thể nào ra khơi được” - bà Mười nói.
Ông Tô Duy Đại - chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - cho biết từ khi giá xăng dầu tăng, ông nhận được rất nhiều điện thoại “kêu trời” của các chủ tàu cá. “Nhiều chủ tàu cho biết sau chuyến ra khơi này khi quay vào bờ phải tính lại, nếu không sẽ lỗ” - ông Đại nói.
Doanh nghiệp lo lắng
Theo đại diện một số doanh nghiệp cũng như hiệp hội các ngành hàng thủy sản, cà phê, thép... thì đợt điều chỉnh giá xăng dầu bất ngờ này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.
Theo tính toán của ông Phạm Chí Cường - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, hiện mỗi tấn thép xây dựng sản xuất bình quân cần 50 lít dầu mazut. Với việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua thì giá đầu vào của sản xuất thép lần này sẽ tăng khoảng 100.000 đồng/tấn. Với tình hình thép tiêu thụ tháng 3 là 350.000 tấn, giảm 120.000 tấn so với tháng trước cùng với việc giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp thép sẽ gặp khó hơn trong việc sản xuất và tiêu thụ.
Ông Phạm Hữu Hùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần kim khí Thăng Long - cho biết việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến công ty. Hiện công ty chưa nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp phụ, tuy nhiên việc tăng giá chắc chắn là khó tránh khỏi. Vì vậy công ty sẽ phải điều chỉnh mục tiêu kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đau đầu do giá xăng dầu tăng. Ông P., giám đốc điều hành khối sản xuất một doanh nghiệp dệt lớn của Nhà nước, cho biết chỉ tính riêng chi phí đội lên thêm khi dầu FO tăng 2.000 đồng/kg, công ty phải chi thêm gần 30 triệu đồng cho lò dầu tải nhiệt máy nhuộm liên tục.
“Chúng tôi đang có ba lò như thế, tính sơ sơ một tháng chi thêm gần cả trăm triệu đồng, trong khi giá bán sản phẩm chưa thể tăng được vì mới điều chỉnh giá đầu tháng 3 vừa rồi” - ông P. nói. Cũng theo ông P., chỉ trong một tháng giá dầu FO đã tăng đến 4.110 đồng/kg, khiến chi phí bù thêm vào giá nhiên liệu đầu vào lên hơn 200 triệu đồng/tháng.
|