Bởi sau đợt điều chỉnh lần trước đến nay, giá xăng, dầu thế giới đã tăng 12%-17%. Do đó, bắt buộc ta phải điều chỉnh tăng giá xăng, dầu cho phù hợp.
“Chúng ta không thể để mãi tình trạng mua cao bán thấp được” - ông Thỏa nói và cho biết thêm, dù đã điều chỉnh, hiện mức giá xăng, dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực 3.000-5.000 đồng/lít. Vì thế, Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh thuế 0% và yêu cầu các doanh nghiệp cắt giảm chi phí kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thỏa, việc tăng giá xăng, dầu đã tác động rất nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Dự kiến tăng CPI tăng khoảng 0,4%.
Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu: CPI trong tháng 3 tăng 2,17% so với tháng trước. Tính cả quý I, CPI là 6,12%, tăng 12,7 so với cùng kỳ 2010. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng gần ba năm qua và là lần đầu tiên kể từ năm 1990 mức tăng tháng 3 cao hơn tháng 2.
Nguyên nhân được Chính phủ xác định là do giá hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá xăng, dầu, lương thực, thực phẩm tăng mạnh. Cùng với đó, nguy cơ lạm phát diễn ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới đã gây áp lực tăng giá thị trường hàng hóa trong nước. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như giá xăng, điện, ga, than, tăng tỉ giá USD/VNĐ, tăng lãi suất đã làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng.
Cũng tại cuộc họp báo trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết sau đợt điều chỉnh tỉ giá thì đến nay thị trường ngoại tệ đã tương đối ổn định. Đặc biệt, giá ngoại tệ giữa thị trường tự do đã sát với ngân hàng hơn. Ngoài ra, qua rà soát của hệ thống ngân hàng cho thấy hiện nay 78 đơn vị tổng công ty, tập đoàn còn gửi ở ngân hàng là 1.600 triệu USD. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn là 376 triệu USD. Hiện ngân hàng cũng đã có kiến nghị với Thủ tướng là cho phép bán 376 triệu USD trên, đồng thời khi nào các đơn vị cần thì ngân hàng sẽ bán lại.