Ông Nguyễn Văn Phố, chủ máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch lúa ở xã An Bình, huyện Thoại Sơn, cho biết, anh đã phải tìm đến 7 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các xã Tây Phú, Vọng Đông, Vọng Thê, thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn), nhưng vẫn không mua được dầu để chạy máy cắt. Lý do các cửa hàng đưa ra có nơi thì cúp điện không bán được, có nơi báo hết dầu diesel. Riêng đại lý xăng dầu Hòa Bình (thị trấn Óc Eo) lại yêu cầu ông về UBND xã An Bình xin giấy xác nhận “có nhu cầu mua dầu chạy máy gặt đập liên hợp” mới bán vô can nhựa, vì sợ… Quản lý thị trường phạt. Cùng hoàn cảnh này, nhiều chủ máy gặt đập liên hợp ở các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú… đành cho máy… nằm nghỉ.
|
Sản lượng cung ứng xăng, dầu vẫn ổn định. Ảnh: Trung Dân. |
Ông Nguyễn Ái Việt, Chi cục trưởng Quản lý thị trường An Giang, khẳng định: “Quy định bán xăng dầu vô can nhựa, thùng phuy phải lập hợp đồng mua bán có xác nhận của địa phương chỉ áp dụng với cửa hàng khu vực biên giới, nhằm hạn chế buôn lậu. Những cửa hàng không nằm ở biên giới (bao gồm những huyện trên) vẫn được phép bán vào can nhựa, các phương tiện chứa đựng khác cho người dân, không phải xác nhận. Cửa hàng nào còn dầu mà không bán, hoặc đưa ra yêu cầu xác nhận của địa phương là sai quy định”. Cũng theo ông Việt, do giá xăng dầu trong nước thấp hơn thế giới, nhiều tổng công ty, tổng đại lý cung ứng xăng dầu than lỗ, hạn chế cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng, giảm chiết khấu hoa hồng hoặc không chi hoa hồng, khiến cửa hàng “không thiết tha mua bán”.
Tại Đồng Tháp, nhằm đảm bảo xăng, dầu phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn, đặc biệt là việc bơm tưới vụ hè thu, ngày 29/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Tôn Hoàng đã chỉ đạo Sở Công thương, yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn phải mở bán đủ thời gian, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tại địa phương. Ông Hoàng yêu cầu Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp và Công ty TNHH MTV Xăng dầu Đồng Tháp bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng dầu cho thị trường, nhất là lĩnh vực sản xuất, giám sát hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phải phân phối đủ thời gian, đáp ứng đủ số lượng và chủng loại.
Cũng trong ngày 29/3, Sở Công thương Cà Mau cho biết, đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công thương về thực trạng nhiều ngày nay, một số cây xăng không bán xăng dầu hoặc bán nhỏ giọt, khiến tàu thuyền không thể ra khơi. Chiều cùng ngày, kết quả kiểm tra của Chi cục quản lý thị trường Kiên Giang xác nhận, đã phát hiện khu vực tuyến biên giới thị xã Hà Tiên và huyện Giang Thành có hiện tượng một số cửa hàng đóng cửa, do hết hàng, do đầu mối không bơm rót xuống, hoặc đầu mối cung cấp bán theo giá thỏa thuận cao hơn xuất trên hóa đơn, các cây xăng bán lẻ không có lời. Tại thị xã Hà Tiên, cơ sở Hải Điệp hết dầu chỉ bán xăng, cơ sở Huỳnh Hưởng đóng cửa do hết hàng, cũng do đầu mối không bơm rót xuống. Tại huyện Giang Thành, một số cây xăng niêm yết đúng giá nhưng thu tiền với giá chênh lệch cao hơn. Bởi đơn vị đầu mối cung cấp là công ty Thạnh Thới và Điện Hiền bán cho các cây xăng ở huyện này với giá thỏa thuận cao hơn giá xuất trên hóa đơn. Cụ thể, xăng A92 bán 20.500 đồng một lít, dầu DO 19.500 đồng.
Ông Võ Thái Sơn, Giám đốc Công ty xăng dầu Tây Nam Bộ, cho biết, sản lượng cung ứng cho các đại lý, cửa hàng xăng dầu trực thuộc vẫn ổn định. Việc kiểm soát được thực hiện bằng cách so sánh sản lượng của đại lý, cửa hàng bán lẻ với sản lượng kinh doanh trước đây, có dấu hiệu bất ngờ sẽ xử lý. Ông Sơn cũng cho rằng, những đại lý của công ty xăng dầu Tây Nam Bộ không giáp biên giới, nên không ảnh hưởng đến việc buôn lậu xăng dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới tăng đã tác động đến tâm lý người sản xuất, người kinh doanh, nen6n họ mua xăng dầu dự trữ, khiến lượng cầu tăng mạnh.