Rồng rắn mua dầu
28/03/2011 4:51:00 CHTin trong nước

Từ sáng sớm 27-3, các cây xăng ở các huyện biên giới của tỉnh Long An như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa có rất đông người dân xếp hàng rồng rắn chầu chực mua từng lít dầu. Tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, nhiều cây xăng cũng bán rất hạn chế, thậm chí không bán.

Hàng trăm người xếp hàng rồng rắn trước cây xăng của Petrolimex huyện Tân Hưng (Long An) chờ mua dầu sáng 27-3 - Ảnh: Văn ĐáT

Hiện đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân và làm đất, bơm nước gieo sạ vụ hè thu nên nông dân rất cần dầu diesel để chạy máy. Tuy nhiên mấy ngày qua, nhiều cây xăng tư nhân ở các huyện biên giới của một số tỉnh phía Nam đóng cửa hoặc chỉ bán xăng mà không bán dầu.

Chờ hai giờ cũng chưa tới lượt

Ông Võ Văn Chiến (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) xách can nhựa ra cây xăng thị trấn mua dầu từ 5g sáng nhưng khi đến nơi thì thấy mấy chục người xếp hàng trước cây xăng. Dưới chân họ có cả trăm chiếc can nhựa loại 20 lít. Ông đặt can xuống và trật tự xếp hàng. Chừng 15 phút sau có thêm chục người xếp hàng sau ông. Nhích từng bước suốt hai giờ, ông Chiến mới mua được 200.000 đồng, tức chỉ hơn 10 lít dầu.

“Người ta bảo chỉ bán tối đa bao nhiêu đây thôi. Ngày mai phải ra xếp hàng mua tiếp” - ông Chiến thở dài.

Cũng tại huyện Vĩnh Hưng, mới 7g sáng nhưng tại cây xăng Petrolimex Tân Hưng đã có khoảng 100 người xếp hàng dài chờ mua dầu. Nhiều người ngao ngán: “Lúa chín đầy đồng chờ thu hoạch mà không có dầu thì rụng hết còn gì”.

Ông Trần Hon (TP Rạch Giá) cùng chiếc tàu cá phải nằm bờ vì không mua được dầu (ảnh chụp ngày 27-3) - Ảnh: T.THÁI

Ông Phạm Văn Sáu (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) cho biết ông chạy xe máy 20km mới gặp được cây xăng có bán dầu, xếp hàng chờ gần ba giờ vẫn không mua được dầu, ông Sáu đành xách can đi ra. Trước đó ông đã tìm đến bốn cây xăng nhưng đều đóng cửa. “Lúa hè thu mới xuống giống, mua không được dầu để bơm chắc lúa chết khô hết quá” - ông Sáu nói.

Tại Đồng Tháp, ông Phạm Văn Liếp (xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự) đem can nhựa 20 lít đi mua dầu về bơm nước cho ao nuôi cá tra. Đến cây xăng Thiên Lý, người bán nói hết dầu. Qua cây xăng Tài Nguyên, người bán bảo chỉ bán tối đa 200.000 đồng (tức hơn 10 lít dầu).

Chạy vòng vòng một hồi ông Liếp mới được cây xăng An Bình bán thêm 200.000 đồng kèm lời nhắn: “Vì quen tui mới bán chứ mai mốt không bán nữa đâu!”.

Tại An Giang và Kiên Giang, lúc này vụ đông xuân đang vào thu hoạch rộ. Những cánh đồng ở Tri Tôn (An Giang) và các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành (Kiên Giang)... lúa đã chín vàng nhưng rất khó tìm được máy gặt, máy suốt. Không ít máy gặt liên hợp, máy gặt xếp dãy, máy suốt đến đây làm mướn đều phải nằm ụ bên bờ kênh vì thiếu nhiên liệu.

“Một số cửa hàng ngưng bán, số thì bán nhỏ giọt cho mỗi can 30 lít dầu, làm sao đủ chạy?” - ông Lê Văn Liếc, chủ máy gặt từ Vĩnh Long đến cắt mướn, than vãn.

Không mua được dầu, tàu cá nằm bờ

Tại Kiên Giang, mấy ngày qua ông Trần Hon, chủ hai tàu đánh cá ở TP Rạch Giá, phải chạy đôn chạy đáo mua dầu chuẩn bị cho chuyến ra khơi sắp tới.

Ông Hon bức xúc: “Tôi hỏi khắp nơi, kể cả những mối quen biết làm ăn từ trước đến nay. Cửa hàng nào cũng bảo hết dầu rồi, công ty chưa cung ứng kịp. Tôi nhờ một số anh em bạn tàu hỏi mua giùm cũng bó tay. Tàu đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ nhưng chỉ thiếu mỗi dầu nên không thể ra khơi”.

Giá xăng dầu Campuchia cao hơn Việt Nam 4.000-5.000 đồng/lít

Theo Đội quản lý thị trường số 2 tỉnh Long An, hiện giá xăng dầu ở Campuchia đang cao hơn giá trong nước khoảng 4.000-5.000 đồng/lít nên rất khó tránh chuyện xuất lậu.

Theo ông Nguyễn Ái Việt, lực lượng quản lý thị trường An Giang biết một số cây xăng bán nhỏ giọt cho người dân nhưng lén lút bán cho đối tượng buôn lậu chở qua Campuchia.

“Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ để bắt quả tang các cây xăng này. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ đề nghị rút giấy phép vĩnh viễn” - ông Việt khẳng định.
Cạnh cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), hai tàu đánh bắt cá của ông Trương Văn Ngử cũng đang nằm chờ dầu. Trưa 27-3, ông Ngử cho biết mỗi chuyến đánh bắt xa bờ cần trên 30.000 lít dầu nhưng chẳng ai chịu bán. “Các chủ tàu khác cũng gặp tình trạng tương tự” - ông Ngử nói.

Theo ghi nhận, quanh khu vực cảng cá Tắc Cậu và dọc đường kênh Cụt có khá nhiều tàu đánh cá phải nằm bờ vì không thể mua được dầu.

Ở Hà Tiên, nhiều chủ ghe cào của xã Mỹ Đức cho hay hai bữa nay không mua được dầu nên họ không thể ra khơi. “Những chủ tàu đánh cá lớn đều có mối lấy dầu gối đầu mà còn khó mua dầu, huống chi tụi tui là cánh ghe cào nhỏ” - một ngư dân cho biết.

Nhiều chủ nuôi sò trên biển ở xã Bình An, huyện Kiên Lương cũng than không có xăng dầu khiến họ không thể ra thăm nuôi bãi sò.

Ông Tô Duy Đại, chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, cho biết vào hai ngày cuối tuần ông có nghe nhiều chủ tàu phản ảnh không thể mua được dầu. Vấn đề này đã được ông báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Vì sao khó mua dầu?

Theo ông Đàm Bá Văn - giám đốc Công ty Xăng dầu Long An, tình trạng khan hiếm dầu trong mấy ngày qua là có thật. Công ty phải cử một đoàn cán bộ giám sát việc bán dầu, phòng ngừa việc bán quá nhiều cho một người để tiếp tay cho buôn lậu qua biên giới.

Theo ông Văn, có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm dầu diesel.

Một là, nhu cầu sử dụng dầu để chạy máy gặt đập liên hợp, máy phóng lúa, ghe tàu, xe tải chở lúa, máy bơm nước, máy cày đất... tăng cao hơn bình thường, vì hiện nay năm huyện vùng Đồng Tháp Mười đang cao điểm thu hoạch lúa và chuẩn bị xuống giống vụ hè thu.

Hai là, các đầu mối (khác hệ thống Petrolimex) “siết” hoa hồng đối với đại lý, có nơi chỉ còn 30-50 đồng/lít, đại lý không có lãi nên không muốn bán. Khi hết hàng, đại lý không lấy hàng để bán tiếp.

Ba là, gần đây có tin sẽ còn tăng giá xăng dầu do giá dầu thế giới tăng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm nghỉ... Ngoài ra, còn có tình trạng mua gom xăng dầu để bán qua Campuchia hoặc tích trữ vì sợ tăng giá.

Theo Petrolimex Long An, mấy ngày qua các cửa hàng bán lẻ của Petrolimex đã tăng tới 40% sản lượng so với bình thường. Ngay cả cửa hàng ở huyện Thạnh Hóa (rất xa biên giới) cũng bán 15.000-18.000 lít dầu/ngày.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Long An đã chấp thuận đề nghị của Petrolimex Long An về việc bán hạn chế xăng dầu.

Cụ thể, bán trực tiếp xăng dầu vào phương tiện nhưng chỉ đủ chạy 100km. Đối với xăng dầu sản xuất nông nghiệp, bán giới hạn 200.000 đồng/lần. Nếu hộ nào mua nhiều hơn để phục vụ máy gặt đập liên hợp phải có chính quyền địa phương xác nhận.

Ông Văn cho biết đã đề nghị tổng công ty cung ứng thêm dầu. Ông khẳng định: “Người dân cứ an tâm mua đủ dùng trong 1-2 ngày, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng đầy đủ xăng dầu cho sản xuất”.

Theo ông Nguyễn Ái Việt - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, hiện nay nhu cầu sử dụng dầu phục vụ sản xuất đang tăng cao. Tuy nhiên, do hoa hồng quá thấp nên nhiều cây xăng đã lợi dụng chủ trương chống xuất lậu xăng dầu của Nhà nước để bán hạn chế, bán cầm chừng hòng tránh lỗ và đối phó với lực lượng quản lý thị trường.

Ông Lữ Minh Hải, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Kiên Giang, cho biết nguồn cung dầu trên địa bàn tỉnh hiện vẫn ổn định, không hề thiếu.

“Mỗi cặp tàu cá khi ra khơi cần 25.000-30.000 lít dầu. Thế nhưng mỗi khi có hiện tượng đồn đoán xăng dầu sẽ tăng giá lại xảy ra tình trạng một số cửa hàng bán ít lại hoặc ngưng bán” - ông Hải nói. Ông cũng cho biết sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cửa hàng có hành vi găm hàng.

VÂN TRƯỜNG - VĂN ĐÁT - T.THÁI - Đ.VỊNH

Ông Nguyễn Lộc An
(vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương):


Phải truy đến cùng cây xăng găm hàng

Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới có tăng, giá cơ sở trong nước có tăng nhưng hiện nay chưa có chủ trương tăng giá xăng dầu. Vì vậy, các thông tin sẽ tăng giá là đồn thổi. Rút kinh nghiệm tình trạng găm hàng trước đây, Bộ Công thương vừa triệu tập các sở công thương để rút kinh nghiệm. Tinh thần xử lý găm hàng đợt này sẽ quyết liệt hơn.

Trước đây các sở công thương chủ yếu kiểm tra các cây xăng, cửa hàng bán lẻ. Các cây xăng này có thể trong bồn không còn, nhưng thực tế họ đã mua ở tổng đại lý, gửi tại kho không mang về. Hay có cửa hàng mua về nhưng cho xe bồn chạy vào cất giấu ở trong rừng.

Chúng tôi biết có tình trạng đó nên chỉ đạo các sở công thương phải kiểm tra ngược, truy cây xăng nào thiếu thì đến đúng tổng đại lý cung cấp cho cây xăng đó kiểm tra. Nếu tổng đại lý đã bán, rõ ràng cây xăng găm hàng, phải xử lý.

Chúng ta trước đây chỉ kiểm tra cây xăng mà không kiểm tra đại lý nên không truy đến cùng sai phạm. Lần này phải làm quyết liệt.

Qua vụ việc găm hàng đợt trước, chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm, yêu cầu các địa phương khi cấp phép cây xăng trên địa bàn nên tránh cả một vùng chỉ có một đầu mối cung cấp. Như tại Đắk Lắk, chỉ do Tổng công ty Xăng dầu quân đội cung cấp.

Sắp tới sẽ phải đa dạng hóa, trong cấp phép sẽ phải xen kẽ các cây xăng của các đầu mối khác nhau, tránh tình trạng khi một đầu mối khó khăn thì cả một vùng lao đao.

Về khả năng cung ứng xăng dầu hiện tại, tôi khẳng định vẫn bình thường, việc kiểm soát nhập khẩu được tiến hành chặt chẽ, tình hình nhập xăng dầu không có gì bất thường nên không thể có chuyện thiếu xăng dầu.

C.V.KÌNH

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent