Trước bức xúc của người tiêu dùng liên quan đến chuyện "lỗ giả, lãi thật", chiều 15/3, nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất VN - Petrolimex bắt đầu công bố cách tính giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Hãng nhiên liệu này hy vọng, công thức tính giá bán lẻ sẽ là cơ sở để người dân biết rằng Petrolimex đang gánh chịu các khoản lỗ vài trăm đồng mỗi lít xăng dầu.
|
Lần gần đây nhất xăng tăng giá thêm 590 đồng vào đúng Mùng 8 Tết. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo bảng công bố của Petrolimex, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore bình quân 30 ngày tính từ 12/3 trở về trước dao động quanh ngưỡng 86,339 USD một thùng. Với giá này, sau khi cộng thêm các khoản phí bảo hiểm, cước vận chuyển, giá cập cảng CIF sẽ là 10.672 đồng một lít, nếu tính theo tỷ giá đôla Mỹ 19.100 đồng quy đổi cho mỗi đôla. Petrolimex khẳng định bảng giá so sánh đăng tải trên trang web của hãng là minh bạch và theo đúng quy chuẩn tại Nghị định 84 về điều hành xăng dầu.
Thế nhưng, nếu soi kỹ vào bảng giá này sẽ thấy, 2 chỉ số khá quan trọng cấu thành lên giá cập cảng CIF là phí bảo hiểm và cước vận chuyển lại không được Petrolimex đề cập đến.
Chính vì thiếu 2 chỉ số này nên nhìn vào bảng so sánh giá xăng rất nhiều người đã đặt câu hỏi, Potrolimex căn cứ vào đâu để cho ra mức giá CIF cập cảng là 10.672 đồng một lít xăng A92. Bởi với giá nhập khẩu 86,339 USD một thùng xăng thành phẩm (1 thùng 159 lít) nếu nhân với tỷ giá 1 đôla bằng 19.100 đồng, giá CIF sẽ là 10.371 đồng, thấp hơn giá công bố của Petrolimex hơn 300 đồng.
Giải thích về con số 300 đồng, phía Petrolimex khẳng định khoản tiền trên chính là phí bảo hiểm và cước vận chuyển. Tuy nhiên do là bí mật của doanh nghiệp nên hãng không công bố công khai. "Tất cả các chỉ tiêu chúng tôi đưa ra đều thực hiện theo đúng Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu", ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex khẳng định. Ông Dũng cho rằng hãng đưa các con số trên để làm cơ sở cho người tiêu dùng so sánh chứ không nhằm mục đích kêu lỗ.
Một điểm khác khiến dư luận thắc mắc trong biểu giá so sánh của Petrolimex là việc hãng cộng dồn khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng vào công thức tính để ra giá cơ sở 17.816 đồng. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng hãng đang lỗ tới 800 đồng mỗi lít xăng A92 nếu so sánh với giá hiện tại 16.900 đồng một lít. Trong khi thực tế, mức chênh lệch chỉ hơn 500 đồng.
Giới chuyên gia nhận xét cách công bố thông tin của Petrolimex vẫn nhuốm màu độc quyền và chẳng khác nào chuyện "làm cho có". Tiến sĩ Nguyễn Đình Ánh - Viện phó Viện nghiên cứu giá - Bộ Tài chính cho rằng người tiêu dùng chẳng còn cách nào khác là phải chấp nhận công bố của Petrolimex vì không có điều kiện để kiểm chứng độ trung thực. Vì những thông số quan trọng cấu thành lên giá lại thuộc diện bí mật kinh doanh nhạy cảm và không được công bố. Và như vậy, người tiêu dùng vẫn là đối tượng phải thiệt đơn thiệt kép.
Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định: "Tất cả các số liệu mà Petrolimex công bố đều chưa được kiểm chứng nên không có cơ sở khẳng định đúng hay sai. Bản thân người tiêu dùng cũng không đủ điều kiện để tính toán nên cần phải có sự vào cuộc của cơ quan kiểm toán độc lập".
Ông Long cho hay theo công bố của Petrolimex, từ giá nhập khẩu là 10.672 đồng đến giá bán là 16.990 đồng có sự chênh lệch quá lớn nên cần phải xem xét lại. Ngoài ra, các khoản chi phí quản lý, lợi nhuận, các khoản lỗ lãi cần phải có kiểm toán đàng hoàng mới có thể đánh giá được chi phí sản xuất có hợp lý hay không. Ngay cả khoản thu quỹ bình ổn, ông Long cũng cho rằng khoản thu 300 đồng này cũng chưa hợp lý.
Kinh nghiệm ở các nước, để phòng những trường hợp bất khả kháng, khi thị trường đột biến, doanh nghiệp trích lập quỹ nhưng được trích từ lợi nhuận của chính mình để điều tiết chứ không thể đẩy sang cho người tiêu dùng chịu. “Tôi cho rằng Petrolimex không độc quyền nhưng lại ở vị trí thống lĩnh thị trường đến 60% nên trong trường hợp này Nhà nước phải định giá. Và việc công bố cách tính cũng nên để Nhà nước đảm nhận”, ông Long nhấn mạnh.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương cũng nhấn mạnh: "Việc công khai minh bạch cách tính giá bản chất là tốt song việc công bố không đầy đủ và thiếu trung thực sẽ khiến mọi việc trở lên rối rắm hơn".
Bảng so sánh giá bán lẻ với giá vốn của Petrolimex
Thời điểm chốt số liệu: 12/3/2010
Nguồn: Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
STT |
Kết cấu giá cơ sở |
Đơn vị tính |
Mặt hàng |
Xăng RON92 |
Diezen 0.05S |
Dầu hoả |
Madút 3,5S |
1 |
|
Giá thế giới để tính giá cơ sở |
USD/thùng; đối với madút: USD/tấn |
86,339 |
85,996 |
85,284 |
471,245 |
2 |
|
Tỷ giá |
VND/USD |
19.100 |
3 |
|
Giá CIF cảng Việt Nam |
Đồng/lít, kg |
10.672 |
10.599 |
10.605 |
9.478 |
4 |
Các khoản thuế, phí |
Thuế Nhập khẩu |
% |
20 |
15 |
20 |
15 |
5 |
Thuế Tiêu thụ đặc biệt |
% |
10 |
|
|
|
6 |
Thuế Giá trị gia tăng (VAT) |
% |
10 |
10 |
10 |
10 |
7 |
Phí xăng dầu |
Đồng/lít, kg |
1.000 |
500 |
300 |
300 |
8 |
Các khoản do Bộ Tài Chính quy định |
Định mức chi phí kinh doanh |
Đồng/lít, kg |
600 |
600 |
600 |
400 |
9 |
Lợi nhuận định mức |
Đồng/lít, kg |
300 |
300 |
300 |
300 |
10 |
Mức trích Quỹ Bình ổn giá |
Đồng/lít, kg |
300 |
300 |
300 |
300 |
11 |
|
Giá cơ sở |
Đồng/lít, kg |
17.816 |
15.228 |
15.619 |
13.390 |
12 |
|
Giá bán hiện hành |
Đồng/lít, kg |
16.990 |
14.600 |
15.000 |
13.000 |
13 |
|
So sánh (Giá cơ sở/giá bán hiện hành) |
% |
104,9% |
104,3% |
104,1% |
103,0% |
(*) |
Thông tin tham khảo |
Giá thế giới ngày 12/3/2010 |
USD/thùng; đối với madút: USD/tấn |
89,920 |
89,910 |
88,700 |
471,930 |
Ghi chú: |
1 |
Giá thế giới để tính giá cơ sở |
Là giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore bình quân gia quyền của 30 ngày (theo lịch) tính đến thời điểm chốt số liệu. 1 thùng = 159 lít. |
2 |
Tỷ giá VND/USD |
Theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng Thương mại Nhà nước. |
4 |
Thuế nhập khẩu |
Theo các Thông tư số 73/2009/TT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2009 và số 13/2010/TT-BTC ngày 26 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính. Thuế nhập khẩu được tính theo công thức: Giá CIF x thuế suất nhập khẩu (%). |
5 |
Thuế TTĐB |
Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt. Thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo công thức: (Giá CIF + Thuế nhập khẩu) x thuế suất tiêu thụ đặc biệt (%) |
6 |
Thuế GTGT |
Theo Luật thuế Gía trị gia tăng. |
7 |
Phí xăng dầu |
Theo Quyết định số 03/2009/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. |
8 |
Định mức chi phí kinh doanh |
Theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính. |
9 |
Lợi nhuận định mức |
Theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính. |
10 |
Quỹ Bình ổn giá |
Theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính. |
11 |
Giá cơ sở |
Theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ (Điều 3, Khoản 9) và Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính. |
12 |
Giá bán hiện hành |
Theo các Quyết định số 072/XD-QĐ-TGĐ ngày 21 tháng 02 năm 2010 và 088/XD-QĐ-TGĐ ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Giá ghi tại biểu là giá bán lẻ tại vùng 1; đối với madút là giá bán buôn. |