Hiện nay, tình trạng xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới Tây Nam tiếp giáp với nước bạn Campuchia đang diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân do giá dầu thế giới liên tục tăng kéo theo sự điều chỉnh về giá của các nước láng giềng. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn từ 2.000-3.000 đồng/lít so với thị trường các nước láng giềng. Những địa bàn đang nóng bỏng tình trạng xuất lậu xăng dầu bao gồm: khu vực huyện Tân Biên, Tân Châu (Tây Ninh); thị trấn Long Bình, Tịnh Biên (An Giang); Mộc Hóa, Đức Hòa (Long An)…Ông Võ Văn Quyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, công tác ngăn chặn của các lực lượng chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn do đầu nậu luôn giấu mặt. Việc bố trí mạng lưới các cây xăng quá dày, đã tạo thêm điều kiện cho việc xuất lậu. Chế tài xử phạt các hành vi đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt những vi phạm quy định quản lý trong kinh doanh xăng dầu, còn nhiều bất cập và chưa nghiêm khắc. Dù giá xăng dầu của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với nước bạn, nên tình trạng buôn lậu xăng dầu xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Tây Ninh: Việc bán xăng, dầu phải theo định mức
Tỉnh Tây Ninh có 5 huyện tiếp giáp với Campuchia, lại có vị trí gần thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm cung ứng xăng dầu lớn, nên nạn buôn lậu xăng dầu sang Campuchia tại đây khá phức tạp, thậm chí nhiều người dân tại khu vực biên giới còn xem việc chuyển lậu xăng dầu là công việc kiếm sống hàng ngày. Để chuyển lậu xăng dầu qua biên giới, các đầu nậu thuê cư dân sống ở khu vực biên giới, sử dụng đủ loại phương tiện từ xe thồ, xe máy đến xuồng máy cao tốc, thậm chí ban đêm xách can, túi nilon đựng xăng dầu chạy qua biên giới, với tiền công vận chuyển 1.000 - 2.000 đồng/lít.
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Tây Ninh, tại khu vực biên giới của tỉnh hiện có 153 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó 47 cửa hàng nằm sát biên giới. Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường Tây Ninh đã xử lý 44 vụ vi phạm kinh doanh xăng dầu, tịch thu 12.545 lít xăng dầu... Ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, dù các lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biên giới của Tây Ninh thường xuyên có kế hoạch phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, song gần như mọi động thái của lực lượng chống buôn lậu đều bị dân buôn biết và đề phòng. Họ còn thuê người túc trực trước cửa cơ quan kiểm tra chống buôn lậu để báo tin kịp thời cho đồng bọn biết. Ngoài ra, hiện các đầu nậu không xuất hiện gom hàng, đối tượng chính mang xăng dầu qua biên giới là dân nghèo sống dọc biên giới, Việt kiều từ Campuchia sang, nên việc ngăn chặn càng khó khăn. Để chống nạn buôn lậu xăng dầu, ngành chức năng ở Tây Ninh đã quy định các cửa hàng xăng dầu ở khu vực biên giới chỉ được bán từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Việc bán xăng dầu phải theo định mức, trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nhiều nhiên liệu để sử dụng cho máy móc phục vụ nông nghiệp, vận chuyển ở biên giới, phải được ủy ban nhân dân xã, thị trấn xác nhận.
An Giang: Đề xuất khen thưởng cho người báo tin, tố giác buôn lậu xăng dầu
Ông Phan Lợi, Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh An Giang cho biết, dọc biên giới tỉnh này hiện có khoảng 50 cây xăng và tình hình buôn lậu xăng dầu tại khu vực biên giới ở thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Xã Khánh An và thị trấn Long Bình, huyện An Phú của tỉnh vẫn đang rất “nóng”. Theo ông Lợi, khó khăn lớn nhất trong việc chống buôn lậu tại biên giới An Giang là do tập quán, quan hệ khá thân thiết giữa cư dân biên giới hai nước. Một số cư dân Campuchia qua lại thường xuyên mua xăng dầu về phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn dân cư Việt Nam cũng sang Campuchia thuê đất để cấy lúa, nên phải mang theo xăng dầu để phục vụ sản xuất. Thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho thấy, số lượng xăng dầu của các cửa hàng, đại lý bán lẻ ở khu vực biên giới trong 3 tháng qua (tháng 12-2010, tháng 01 và 02-2011) có sự biến động bất thường. Đặc biệt, ở hai địa bàn Tịnh Biên và An Phú có 34 cửa hàng và đại lý kinh doanh xăng dầu nằm sát biên giới, số lượng bán ra của nhiều cửa hàng và đại lý của tháng tăng gấp 2 đến hơn 10 lần so với những tháng trước đó. Giá cả chênh lệch giữa An Giang với biên giới Campuchia khoảng 5.000-6.000 đồng/lít xăng dầu nên các đại lý, cửa hàng sẵn sàn bán cho dân buôn lậu cao hơn giá Nhà nước quy định từ 1.000 – 2.000 đồng/lít để cùng hưởng lợi.Tưởng chừng sau khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng thì tình hình xuất lậu sẽ giảm. Tuy nhiên, do giá xăng dầu trong nước vẫn còn thấp hơn thị trường Campuchia, cộng với nguồn hàng cung ứng dồi dào của các tổng đại lý nên các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới tiếp tục tuồn hàng cho dân buôn lậu nhiều hơn thời điểm nóng trước đó.
Trước tình hình xuất lậu xăng dầu diễn biến ngày càng phức tạp trên tuyến biên giới An Giang, ngày 18-3-2011, Ban Chỉ đạo buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh An Giang đã triệu tập các thành viên và các ngành chức năng chống buôn lậu như Hải quan, Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, ủy ban nhân dân của 5 huyện, thị xã biên giới cùng các tổng đại lý cung ứng xăng dầu để bàn giải pháp ngăn chặn. Ban Chỉ đạo tỉnh đã đưa ra giải pháp, trong thời gian chờ Bộ Công thương ban hành quy chế hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực biên giới, tỉnh quy định tạm thời đối với các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới bị giới hạn hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày, không bán xăng dầu cho các đối tượng mua đựng vào can nhựa, phuy với số lượng lớn. Trường hợp các cơ sở sản xuất - kinh doanh có nhu cầu mua nhiên liệu phục vụ máy móc sản xuất nông nghiệp đựng vào can, phuy hoặc vận chuyển ở khu vực biên giới, phải có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, thị trấn biên giới. Cục Quản lý thị trường kiểm tra, nắm số lượng tiêu dùng ở khu vực biên giới để đề xuất doanh nghiệp đầu mối cung ứng số lượng phù hợp cho các cửa hàng bán lẻ.
Để hạn chế việc buôn lậu xăng dầu, tỉnh An Giang đã yêu cầu chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyền truyền và tăng cường kiểm soát an ninh kinh tế khu vực biên giới. Ngoài công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát và lập chốt ngăn chặn dọc tuyến biên giới, lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng và Công an mở đợt tấn công các đầu nậu và đối tượng buôn lậu xăng dầu. Chính quyền địa phương có chính sách khen thưởng người báo tin, tố giác buôn lậu xăng dầu. Các ngành chức năng vận dụng điều 10, Nghị định số 107 để xử lý các hành vi buôn lậu và tiếp tay buôn lậu xăng dầu. Công tác chống xuất lậu xăng dầu phải đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân biên giới.
Long An: Buôn lậu xăng dầu qua biên giới vẫn phức tạp
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Long An, tuy giá xăng trong nước đã điều chỉnh, nhưng vẫn còn thấp hơn so với Campuchia, nên tình trạng mua bán xăng dầu qua biên giới vẫn còn phức tạp. Các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh cho biết, chủ yếu là những người dân sống dọc theo tuyến biên giới hàng ngày mua 5-10 lít xăng đem về nhà dự trữ, rồi lợi dụng khi không có lực lượng chống buôn lậu tuần tra dùng xe máy, xe đạp hoặc vác bộ băng đồng ruộng đưa sang biên giới tiêu thụ. Thậm chí, một số bà con sinh sống ở biên giới có hệ thống đường thủy tiếp giáp biên giới lợi dụng khi nước lớn, mua xăng đựng vào can, thả xuống sông, lấy lục bình che phủ để đưa qua biên giới, mỗi lít kiếm lời từ 2.000-2.500 đồng. Chỉ tính từ đầu tháng 2 đến nay, các lực lượng chống buôn lậu Long An đã tịch thu hơn 3.000 lít xăng dầu. Hiện các ngành chức năng đang phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dọc theo tuyến biên giới, giám sát việc kinh doanh của các cây xăng ở các huyện biên giới, quy định giờ bán từ 6 giờ đến 18 giờ; đồng thời yêu cầu các chủ cây xăng phải cam kết không được tiếp tay cho buôn lậu, nếu sai phạm sẽ bị phạt và thu hồi giấy phép kinh doanh./..