Theo dự luật, thuộc diện nộp thuế là các nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc 5 nhóm kể trên. Thuế môi trường dự kiến chỉ thu một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu là hàng xuất khẩu, hoặc vận chuyển quá cảnh, chuyển khẩu qua biên giới Việt Nam sẽ không phải nộp thuế.
Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế tuyệt đối với các sản phẩm thuộc diện chịu thuế môi trường, tức là áp một số tiền nhất định tính trên đơn vị hàng hóa. Theo đó, thuế suất cao nhất áp với xăng dầu là 4.000 đồng một lít, than là 30.000 đồng mỗi tấn, túi nilon là 30.000 đồng mỗi kg.
|
Khi áp thuế môi trường, sẽ không còn phí xăng dầu. Ảnh: Hoàng Hà |
Hiện nay Việt Nam chưa có sắc thuế riêng về môi trường để điều tiết hoạt động sản xuất và tiêu dùng các loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, mà chỉ áp dụng 4 loại phí bảo vệ môi trường như phí nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản và phí xăng dầu. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, trong các chính sách thuế phí hiện hành, bảo vệ môi trường chưa được xem là mục tiêu chính nên tác dụng chưa mạnh.
Hơn nữa, nguồn thu từ các loại phí bảo vệ môi trường hiện hành còn rất hạn chế. Cả năm 2008, tổng thu các khoản phí bảo vệ môi trường chỉ đạt 1.224 tỷ đồng. Năm 2009, nếu tính cả số thu từ phí xăng dầu 9.000 tỷ đồng một năm thì tổng thu là 10.224 tỷ đồng. Trong khi đó, hằng năm Nhà nước phải dành 1% tổng chi ngân sách (tương đương 4.000 tỷ đồng) cho hoạt động bảo vệ môi trường. Nhu cầu kinh phí cho các đề án cải tạo môi trường và xử lý ô nhiễm tại các làng nghề, khu công nghiệp lên tới 17.678 tỷ đồng mỗi năm.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi luật có hiệu lực, số thu thuế môi trường dự kiến đạt ít nhất 14.300 tỷ đồng (tính theo mức thuế tối thiểu) hoặc cao nhất tới gần 57.000 tỷ đồng (nếu tính theo thuế tối đa).
Tuy nhiên, một số ý kiến thuộc Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng hiện nay không chỉ 5 nhóm hàng hóa nói trên tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, cần rà soát lại và bổ sung đối tượng chịu thuế dựa trên nguyên tắc đã là sản phẩm gây tác động tiêu cực tới môi trường thì phải thuộc diện chịu thuế. Với những sản phẩm hàng hóa có mức tác động không lớn hoặc hàng hóa có gây ô nhiễm song hiện tại cần hỗ trợ để đảm bảo tính cạnh tranh thì trước mắt có thể quy định thuế suất thấp hoặc 0%. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số mặt hàng như chất tẩy rửa, hạt nic, dầu nhớt.
Riêng với mặt hàng xăng dầu, một số ủy viên cho rằng mức trần 4.000 đồng một lít là cao. Hiện nay thuế và phí chiếm tới 40% giá của một lít xăng, trong đó riêng phí là 1.000 đồng. Nếu áp dụng thuế suất theo dự thảo này, cho dù có trừ phí thì giá xăng dầu vẫn sẽ tăng, đồng thời dẫn tới tăng giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ có liên quan. Vì vậy, các ủy viên này cho rằng cần tính toán hợp lý để tránh gây biến động giá thành sản phẩm, ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô.
Dự luật Thuế môi trường dự kiến trình ra Quốc hội trong hai kỳ họp tới để có thể thông qua trong tháng 11 năm nay và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012.
Khung thuế môi trường dự kiến:
STT |
Sản phẩm |
Đơn vị |
Khung thuế suất
(đồng) |
I |
Xăng dầu |
|
|
1 |
Xăng |
lít |
1.000 - 4.000 |
2 |
Nhiên liệu bay |
lít |
1.000 – 3.000 |
3 |
Dầu diesel |
lít |
500 – 2.000 |
4 |
Dầu hoả |
lít |
300 – 2.000 |
5 |
Dầu mazut |
kg |
300 – 2.000 |
II |
Than |
Tấn |
6.000 – 30.000 |
III |
Dung dịch HCFC |
kg |
1.000 - 5.000 |
IV |
Túi nhựa xốp (túi nilon) |
kg |
20.000 – 30.000 |
V |
Thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng |
|
|
1 |
Thuốc sử dụng trong nông nghiệp |
kg |
500 - 2.000 |
2 |
Thuốc trừ mối |
kg |
1.000 - 5.000 |
3 |
Thuốc bảo quản lâm sản |
kg |
1.000 – 5.000 |
4 |
Thuốc khử trùng kho |
kg |
1.000 - 5.000 |