Đại tá Hồ Doãn Hùng, Phó chủ nhiệm Tổng kho M90 cho biết: Kho hiện quản lý gần 50km đường ống đi qua ba huyện của thành phố Hà Nội với địa hình phức tạp; hệ thống kho chứa với trữ lượng xăng dầu lớn cung ứng cho các đơn vị phía Bắc. Những năm qua, các đơn vị kho trực thuộc chú trọng huấn luyện công tác an toàn; tổ chức bảo đảm kỹ thuật các phương tiện, hệ thống van, trạm bơm, súc rửa bể chứa và kiểm tra, kiểm định hệ thống thu lôi, chống sét đúng quy trình kỹ thuật. Đội ngũ an toàn, vệ sinh viên được huấn luyện, cấp thẻ hoạt động theo quy định của ngành.
Chứng kiến cuộc thực hành phòng, chống và chữa cháy ở Kho xăng dầu S71 Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần), chúng tôi thấy bộ đội nắm chắc các động tác, quy trình sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đó là kết quả của việc tổ chức huấn luyện thường xuyên, kiểm tra chặt chẽ, nên trình độ của bộ đội đồng đều, phối hợp hiệp đồng xử lý tình huống tốt. Thượng tá Trịnh Đức Tiến, Phó chủ nhiệm, phụ trách Kho S71 đánh giá: Hằng năm, kho tổ chức huấn luyện kỹ thuật PCCC, tổ chức hàng chục đợt diễn tập, hội thao và thực hành các phương án tác chiến, phòng, chống cháy nổ. Các phân kho, đội bảo quản, vận hành tuyến đường ống tổ chức huấn luyện tại chức cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ; bố trí người có kinh nghiệm kèm cặp người trẻ, bảo đảm chất lượng chuyên môn đồng đều, sẵn sàng thay thế khi cần.
Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ ( AT-VSLĐ-PCCN) trở thành hoạt động nền nếp của Công ty Xăng dầu quân đội khu vực 1 (Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng cục Hậu cần). Công ty chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ, người lao động về kiến thức, kỹ thuật, quy trình PCCC; luyện tập phương án PCCN, huấn luyện và tổ chức đo kiểm tra điện trở tiếp đất của hệ thống chống sét, duy trì đo kiểm hằng tháng và kết quả được niêm yết tại hộp kỹ thuật của cột thu lôi chống sét. Lực lượng an toàn vệ sinh viên được huấn luyện đầy đủ, được cơ quan chức năng cấp trên cấp thẻ hoạt động.
Kiểm tra các nhà kho, trạm cấp phát xăng dầu của công ty, Đoàn công tác phối hợp của Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật nhận xét: Các hệ thống bảng biểu, nội quy quy định khi ra vào, làm việc đều được trang bị đầy đủ; dụng cụ PCCC để ở nơi dễ thấy, dễ lấy, dễ sử dụng; duy trì tốt kíp trực PCCC trong kho; các trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được kiểm định chặt chẽ theo quy định. Công ty mua sắm, trang bị đủ phương tiện, dụng cụ bảo vệ, quần áo, trang phục bảo hộ lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp, chi trả chế độ bồi dưỡng, phụ cấp độc hại đúng quy định.
Hoạt động của bộ đội xăng dầu mang tính đặc thù, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên làm việc trong môi trường tiềm ẩn các yếu tố gây mất an toàn, cháy nổ. Khảo sát thực tế ở các đơn vị xăng dầu như Tổng kho M90, Kho S71, Kho K99, Công ty Xăng dầu khu vực 1, chúng tôi thấy: Nhiều trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn, bảo quản, cất chứa và cấp phát xăng dầu đã qua sử dụng nhiều năm, Kho S71 chưa có hệ thống cấp phát xăng dầu tự động, phải tổ chức cấp phát thủ công. Các phương tiện cứu hỏa chuyên dụng, cơ giới tuy đã được trang bị, nhưng còn ít, lực lượng vận hành chủ yếu kiêm nhiệm, nên khi triển khai thực hành chưa thuần thục. Các đơn vị đóng quân phân tán với nhiều phân kho, đứng chân trên địa hình phức tạp khó khăn trong cơ động, hỗ trợ xử lý tình huống. Tổng kho M90 có nhiều kho cách xa nhau hàng chục cây số; Kho S71 có hai phân kho, cách trung tâm chỉ huy từ 40km đến 70km, dễ bị chia cắt vào mùa mưa. Công ty Xăng dầu quân đội khu vực 1 có 19 trạm xăng dầu đứng chân từ Hà Tĩnh trở ra, khó khăn trong huấn luyện tập trung, bảo đảm kỹ thuật và kiểm tra. Các chế độ bồi dưỡng, phụ cấp độc hại tính theo quy định chung, nên khi áp dụng cho các tổ trạm, phân kho, phân đội ở vùng sâu, vùng xa, làm việc trong hang núi... còn nhiều bất cập. Ngành xăng, dầu quân đội và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bảo đảm chế độ phù hợp cho từng đối tượng, khu vực, góp phần nâng cao chất lượng công tác AT-VSLĐ-PCCN.