Thủy điện nhỏ bí đầu ra
|
Việt Nam đang thiếu điện trầm trọng
|
Theo Tổng công ty điện lực miền Trung, nguyên nhân của nghịch lý này là do đường dây truyền tải 110KV Kon Tum- Pleiku, xuất phát từ trạm biến áp 500KV Plei Ku có khả năng truyền tải công suất tối đa chỉ 78 MW. Do thiết kế và xây dựng với kết cấu mạch đơn, sử dụng dây dẫn loại nhỏ AC-150, nên chỉ đường dây chỉ “cõng” được khoảng 100MW, trong khi đó tổng công suất thủy điện Plei Krông cùng 6 thủy điện vừa và nhỏ tại địa phương ngay tại thời điểm này đã lên tới 160MW.
Còn theo Sở Công thương Kon Tum, một phần nguyên nhân thừa điện tại địa phương là một số công trình tiêu thụ điện năng lớn như Nhà máy bột giấy Tân Mai, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y… “lỗi hẹn” do đầu tư chưa xong, nhu cầu tiêu thụ điện tại chỗ ít, nên tất cả nhà máy thủy điện phải hòa lên lưới quốc gia và cùng “chen nhau” đi qua đường dây truyền tải “độc đạo” 110KV Plei Ku-Kon Tum.
Những doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum thì cho rằng, các cơ quan chức năng, cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không xây dựng đường dây truyền tải theo kịp sự phát triển của nguồn điện, dẫu nhà máy đã được xây dựng theo quy hoạch.
Công trình thủy điện Plei Krông là công trình đầu tư phần lớn là nguồn vốn nhà nước và được hưởng chính sách ưu đãi trong quá trình đầu tư xây dựng, trong khi các công trình thủy điện vừa và nhỏ phần lớn vốn đầu tư là vốn tự có của các chủ đầu tư và vốn vay ngân hàng với lãi suất cao. Vì vậy, nếu các công trình thủy điện nhỏ không phát huy được hết nguồn công suất thì sẽ gây thiệt hại về kinh tế rất nhiều cho chủ đầu tư. Thừa điện, giải pháp mà EVN đưa ra là giảm công suất, thậm chí yêu cầu những thủy điện vừa và nhỏ này ngừng phát điện lên lưới. Việc làm trên đã đẩy những doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện, như Công ty cổ phần Tấn Phát, Công ty thủy điện Đăk Psi…đứng trước nguy cơ “không gượng dậy nổi” nếu không được tháo gỡ kịp thời.
Loay hoay với đường truyền
Cách đây trên 3 năm, UBND tỉnh Kon Tum đã không ít lần đề nghị Bộ Công Thương và EVN cho xây dựng một đường dây truyền tải mới công suất 220KV, song đến nay đường dây này vẫn đang còn nằm trên giấy. Vì thế, khi xây dựng công trình thủy điện Plei Krông, người ta đã không xây dựng đường truyền tải cho nhà máy thủy điện có công suất khá lớn tới trên 100MW này, mà phải dùng chung đường dây 110KV Kon Tum- Pleiku vốn đã có từ trước
Mùa khô, hầu hết các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, như các nhà máy Đăk Psi 4 (30MW), Đăk Ne (8,1MW), Đăk Rơ Sa (7,5 MW), Đăk Pô Ne (14 MW), Đăk Pô Ne 2 (3,6 MW)… còn chưa hoạt động hết công suất đã phải giảm công suất. Nhưng đến mùa mưa các ông “chủ điện nhỏ” ở Kon Tum sẽ thật sự đối diện với tình trạng…thừa điện còn gay gắt hơn.
Theo quy hoạch, tới năm 2013, tỉnh Kon Tum sẽ có khoảng 30 công trình thủy điện với tổng công suất phát lên lưới khoảng 300MW trong lúc nhanh nhất đến cuối năm 2012, công trình đường dây truyền tải 220KV mới hoàn thành. Nghịch lý... thừa điện ở Kon Tum đã và sẽ tiếp tục xảy ra nếu nút thắt là đường truyền tải không được tháo gỡ, thậm chí có thể nhiều doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum sẽ phá sản, vì tiền vay đầu tư không thể không trả nợ cho ngân hàng.
Việc Tổng công ty điện lực miền Trung đang loay hoay với bài toán đường dây truyền tải điện lên lưới quốc gia ở Kon Tum cho thấy, việc phát triển điện tại Kon Tum chưa thật sự theo quy hoạch. Sự chậm trễ này của ngành điện làm cho nguy cơ thiếu điện trong cả nước càng trầm trọng hơn.
Giải pháp nào cho đường truyền
Trong một cuộc họp được Sở Công Thương Kon Tum tổ chức vào chiều ngày 9/3, bàn về giải pháp hòa điện lên lưới điện quốc gia của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum, ông Nguyễn Thành- Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung- khẳng định: Trước mắt, tổng công ty sẽ chỉ đạo Điện lực Kon Tum điều độ hợp lý việc phát điện lên lưới của thủy điện Plei Krông, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam để các thủy điện vừa và nhỏ bán được điện trong những giờ cao điểm. Thứ hai, để tránh tình trạng thừa điện khi mùa mưa đến, giải pháp Tổng công ty điện lực miền Trung đưa ra là nâng cấp ngay đường dây truyền tải điện 110KV Kon Tum- Pleiku bằng giải pháp kỹ thuật thay toàn bộ dây cũ của đường dây 110KV bằng dây dẫn siêu nhiệt để nâng công suất truyền tải. Theo tính toán sơ bộ của tổng công ty, việc cải tạo, nâng cấp cần số vốn trên 30 tỷ đồng.
Chia sẻ khó khăn với ngành điện, đại diện các chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum cũng đã cam kết sẽ chung sức với Tổng công ty điện lực miền Trung đầu tư nâng cấp đường dây truyền tải điện 110kV Kon Tum- Pleiku theo phương thức là từng doanh nghiệp căn cứ vào thực tế sản lượng điện phát lên lưới để góp vốn. Tuy nhiên, việc xã hội hóa xây dựng đường dây cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các nhà đầu tư ngoài ngành điện và ngành điện phải tiếp nhận và hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư sau một thời gian nhất định để tránh gây khó khăn thiệt thòi cho nhà đầu tư.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Bộ- Giám đốc Sở Công Thương- Kon Tum đã có ý kiến góp ý với EVN về Đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011- 2015 có xét đến năm 2020, trước mắt Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN sớm có kế hoạch:
Thứ nhất, đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện đã được quy hoạch theo Quyết định số 1864/QĐ-BCT ngày 14/4/2009 của Bộ Công Thương để các nhà đầu tư có cơ sở thỏa thuận, đấu nối vào hệ thống điện quốc gia khi lập dự án đầu tư, cũng như đấu nối, bán điện vào điện lưới quốc gia sau khi xây dựng hoàn thành.
Thứ hai, cải tạo đường dây 110KV Plei Ku- Kon Tum từ dây dẫn AC-150 thành dây dẫn AC-240 và xây dựng mới đường dây 220KV (2 mạch) Plei Ku-Kon Tum; trạm biến áp 220KV Kon Tum; cải tạo nâng cấp 2 mạch đường dây 110KV Kon Tum-Đăk Tô; xây dựng đường dây 110KV Đăk Tô-Đăk Glei; xây dựng 4 trạm biến áp 110/22 KV ở Hòa Bình (Kon Tum 2), Đăk Glei; Nhà máy bột giấy, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y.
Đây là bài toán tổng thể về quy hoạch để tránh lãng phí công suất trong điều kiện thiếu điện như hiện nay, không gây lãng phí tài nguyên nước, tránh quá tải đường dây 110KV Plei Ku- Kon Tum và ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum.