Trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nam Bộ, hàng ngàn lít xăng, dầu vẫn cứ chảy qua biên giới mỗi ngày. Điều này, đồng nghĩa với việc một lượng ngoại tệ đáng kể của đất nước bị “chảy máu” ra nước ngoài. Nhiều nơi, các cơ quan chức năng đã kiên quyết vào cuộc nhưng kết quả thu được chẳng là bao vì không dễ triệt phá một hoạt động siêu lợi nhuận và có dấu hiệu tiếp tay, bao che phức tạp.
|
Xăng, dầu vẫn "chảy" qua biên giới
|
Nhiều điểm “nóng”
Theo khảo sát của chúng tôi, tình hình vận chuyển xăng dầu qua biên giới tại các điểm biên giới tỉnh Tây Ninh và Campuchia vẫn tiếp tục diễn ra, địa bàn hoạt động nhiều nhất thuộc xã Tân Hà (huyện Tân Châu) và khu vực giáp ranh với huyện Tân Biên. Từng chuyến xe chất trên mình hơn chục can xăng (loại 30 lít) vẫn cứ ngang nhiên chạy với tốc độ cao qua những tuyến đường hướng về các đường mòn khu vực biên giới.
Xung quanh ngã ba Vạc Sa (cách trại giam Cây Cầy chừng 5km), có rất nhiều người và phương tiện, chờ cơ hội để hoạt động, ánh mắt của các “quái xế” luôn hướng ra đường, đặc biệt là những vị khách lạ chạy qua. Bọn chúng rất liều lĩnh, dùng những thủ đoạn mà nghe qua, ai cũng phải “rợn” tóc gáy. Chúng sử dụng nan hoa xe đạp vót nhọn rồi dùng súng cao su bắn vào bất kỳ ai mà chúng cho là khả nghi. Một cán bộ trong lực lượng chức năng cho biết, bọn chúng sẵn sàng “kiếm chuyện” mỗi khi lực lượng xuống kiểm tra.
Theo người dân xã Tân Hà, trước đây hoạt động vận chuyển xăng dầu diễn ra rất trắng trợn với từng đoàn xe gắn máy, các ngả đường đều có đồng bọn của chúng canh gác. Ba thời điểm mà bọn buôn lậu thường hoạt động là sáng sớm, giữa trưa và vào ban đêm.
Ông Nguyễn Hữu Hoạt - Phó trưởng Công an xã Tân Hà cho biết, ngoài xã Tân Hà, người dân ở các xã Tân Đông, Tân Hội (huyện Tân Châu)... thậm chí, nhiều chuyến xe từ huyện Tân Biên cũng vận chuyển qua đây để đưa hàng qua biên giới. Theo ông Hoạt, rất khó bắt được bọn chúng bởi, chỉ cần lực lượng chống buôn lậu bước ra là ngay lập tức có cảnh báo, các đối tượng ngưng hoạt động hoặc nhanh chóng tẩu tán hàng.
Một cán bộ Đồn biên phòng 821 cũng cho rằng, thời điểm này là mùa khô mà địa bàn khu vực vực có đường biên giới dài 12 km, lại ít sông, suối nên bọn buôn lậu “thiết kế” ra nhiều đường mòn ngõ, ngách như “mạng nhện” để vận chuyển, rất khó kiểm soát.
Bọn vận chuyển xăng lậu thường dùng xe kiểu “chuyên dụng” không nhãn mác, không biển số... đặc biệt được “độ”, xoáy nòng rất khỏe và tốc độ có thể đạt rất cao. Bánh loại xe này được thiết kế có khả năng chịu va đập ổ gà, đinh, cành cây... Trong khi lực lượng truy đuổi chỉ có phương tiện đi lại bình thường, nên mỗi khi thấy bọn chúng, rất khó đuổi kịp. Lực lượng tuần tra chỉ bắt được họ trong tình huống bất ngờ hay ở các khúc cua.
Đối tượng chở xăng dầu lậu ở các vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều là những người dân không nghề nghiệp, không có đất để sản xuất. Trong khi đó, dọc tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang, dài gần 100km có 49 điểm bán lẻ xăng dầu, hơn 3 tháng gần đây tình trạng vận chuyển hàng lậu vẫn diễn ra sôi động. Theo thống kê, từ cuối năm 2010 đến nay, việc vận chuyển xăng dầu qua biên giới có lợi nhuận từ 2.400 đến 5.600 đồng/lít.
Địa bàn Kênh Tư Mèo (thuộc thị trấn Tịnh Biên, An Giang) vốn là khu vực trọng điểm vận chuyển dọc theo kênh Vĩnh Tế sang nước bạn. Lực lượng Hải quan An Giang cho biết, tại đây họ đã nhiều lần tổ chức vây bắt vận chuyển xăng dầu lậu nhưng đoạn kênh này rất cạn khi truy đuổi, xuồng nhỏ của bọn buôn lậu chạy qua được, còn phương tiện của hải quan... chịu thua.
Một điều khó hơn nữa là người dân xung quanh thường tiếp tay cho bọn buôn lậu, mỗi lần bị chặn lại, dân chạy ra ứng cứu đưa toàn bộ hàng vào nhà, lúc đó lực lượng chống buôn lậu không thể ập vào nhà họ kiểm tra được, đành phải đợi phối hợp với lực lượng công an địa phương nhưng đến khi có ứng cứu thì hàng đã được tẩu tán.
Không dễ điểm mặt các ông “trùm”
Theo ông Võ Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, rất khó để phát hiện ra ai là những ông “trùm”, bởi họ thường không lộ diện. Trường hợp có bắt được thì người vận chuyển cũng bỏ hàng để chạy thoát thân. Hơn nữa, cơ quan chức năng muốn khám xét, xử lý các tay “trùm” cũng chẳng thu được gì, bởi trong nhà bọn chúng chẳng chứa tang vật gì, tất cả chỉ diễn ra ngoài đường.
Đối với các cây xăng, thủ đoạn của họ cũng tinh vi hơn, khi bơm xăng họ thường bơm từ phía sau (không qua đồng hồ) rồi tuồn ra những nhà phía sau tẩu tán. Để chắc chắn hơn, họ thường nuôi chó béc-giê rất hung dữ, chỉ cần lực lượng chức năng ập vào là bị chó ngăn lại, tấn công. Đến lúc “giải quyết” xong đàn chó thì cũng là khi “hàng” đã được vận chuyển đi hết.
Chúng tôi hỏi, liệu có sự tiếp tay từ “nội bộ”? Ông Phong cho biết, vấn đề này cũng không thể loại trừ vì cứ mỗi lần có cơ quan chức năng xuống kiểm tra là tình hình lại trở “yên ắng”. Ngay cả khi ông Phong bí mật đi kiểm tra tình hình (không đi xe của cơ quan) vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ xăng, dầu lậu. Ảnh: L.Hồng
|
Chưa thể đưa ra giải pháp triệt để
Trước tình hình buôn xăng, dầu lậu qua biên giới ở các tỉnh tăng mạnh, mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì Hội nghị bàn biện pháp chống buôn lậu xăng, dầu qua biên giới. Hội nghị nhận định, buôn lậu xăng dầu qua biên giới Tây Nam hiện nay đã trở nên đáng báo động, bọn buôn lậu vận chuyển bằng đường bộ, đường sông và thậm chí cả đường biển.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có tăng giá xăng lên mức bằng, hoặc gần bằng bên nước bạn thì mới giải quyết triệt để được tình hình này. Tuy nhiên, biện pháp tăng giá cũng cần phải có lộ trình, cần phải tính toán kỹ nếu không vấn đề an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hội nghị xác định giải pháp cần phải làm ngay là không cấp phép thêm cho các cây xăng nào được mọc lên dọc biên giới nữa, giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng ở đây không để họ tiếp tay cho buôn lậu. Nghiêm cấm việc bán vào can, phuy, các vật dụng khác. Đồng thời, hạn chế hoặc cấm bán vào ban đêm. Các đại biểu cũng đề nghị, nếu phát hiện các băng, nhóm tiếp tay cho việc tiếp tay thì phải nhanh chóng dẹp bỏ.
Trước khi chờ điều chỉnh từ Chính phủ về giá xăng dầu, thì việc làm trước mắt hiệu quả nhất, hầu hết đại đại diện các tỉnh để nghị là chỉ cung cấp theo một lượng nhất định cho các cây xăng dọc biên giới. Đồng thời, tăng cường tuần tra, theo dõi xử phạt thật nghiêm minh các đối tượng tiếp tay cho kẻ buôn lậu.