Một trong sáu ngành công nghiệp khai cơ
Cuộc gặp mặt các thế hệ lãnh đạo của Công ty Xăng dầu Khu vực III (Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam-Petrolimex) diễn ra trong không khí chân tình và xúc động. Những người năm xưa giờ đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng nhiệt huyết, tình yêu của họ đối với “Sở dầu Thượng Lý”, với ngành xăng dầu vẫn còn vẹn nguyên. Sở dầu Thượng Lý - tiền thân của Công ty Xăng dầu Khu vực III ngày nay - được xem là một trong hai cái nôi đầu tiên của ngành xăng dầu Việt Nam. Đây cũng là cái nôi của phong trào cách mạng.
Biết tin ngày 13-3 được chọn là Ngày truyền thống của ngành xăng dầu Việt Nam, ông Đào Ngọc Phong, nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty Xăng dầu Khu vực IIII, xúc động nói: “Thế là tâm nguyện bấy lâu nay của cán bộ, công nhân ngành xăng dầu đã thành hiện thực”. Theo ông Phong, dù ngành ra đời từ rất sớm, có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự phát triển của đất nước, nhưng thật thiệt thòi khi ngành xăng dầu chưa có ngày truyền thống của riêng mình.
|
Cần cẩu phục vụ vận chuyển xăng dầu tại Sở dầu Thượng Lý từ thời Pháp thuộc (tiền thân của Công ty Xăng dầu Khu vực III).
|
Từ năm 1858, khi quân đội Pháp đánh phá Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam, cùng với đó là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I (1897-1914) của thực dân Pháp ở nước ta thì xăng dầu và một số mặt hàng công nghiệp của văn minh phương Tây đã được đưa vào Việt Nam. Theo một số nghiên cứu thì 6 ngành nghề công nghiệp xuất hiện sớm nhất tại nước ta thời điểm đó là: Xăng dầu, khai mỏ, hỏa xa, xi măng, trồng cao su và dệt vải.
Từ năm 1898, tư bản xăng dầu phương Tây với các hãng dầu nổi tiếng như SHELL, CALTEX, ESSO đã đến Cảng Nhà Bè, Cảng Hải Phòng. Từ đó, Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè và Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý đã xuất hiện với vai trò là hai nguồn cung xăng dầu ở hai đầu đất nước. Cũng từ đó đã hình thành đội ngũ công nhân xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ dưới thời Pháp thuộc, sự có mặt của các hãng dầu, trước hết nhằm cung cấp xăng dầu cho cuộc chiến xâm lược của quân đội viễn chinh Pháp và đời sống của bọn thực dân. Đây cơ bản vẫn là một ngành kinh doanh của giới tư bản, kiếm lợi nhuận bằng cách bóc lột sức lao động của người bản địa. Công nhân xăng dầu phải làm việc trong điều kiện lao động hết sức khắc nghiệt, nguy hiểm; thường xuyên bị đánh đập, cúp phạt tiền lương và đe dọa sa thải. Đội ngũ này bước đầu có ý thức giai cấp và dân tộc. Chính vì vậy, những người cộng sản đã cử cán bộ ưu tú đến với công nhân xăng dầu. Ở ngoài Bắc, các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Cộng Hòa đã đến với Sở dầu Thượng Lý. Ở trong Nam, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương đến làm thợ Hãng dầu Nhà Bè. Từ khi có hoạt động của những người cộng sản và tổ chức Đảng, tại hai kho dầu Thượng Lý và Nhà Bè luôn nổ ra các cuộc đấu tranh của công nhân xăng dầu.
Ngày 13-3 oai hùng và dấu ấn cách mạng
Ngày 13-3-1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch Công hội đỏ, Bí thư Đảng bộ Hải Phòng đầu tiên; đồng chí Lương Khánh Thiện, Bí thư Liên khu B; đồng chí Nguyễn Cộng Hòa, công nhân Sở dầu (sau này là Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); đồng chí Nguyễn Thanh Bình, công nhân Sở dầu (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng) và nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo cuộc bãi công của 422 trong tổng số 500 công nhân Sở dầu Thượng Lý chống lại chủ sở, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Cuộc bãi công thắng lợi và được xem như một dấu son mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu. Cuộc đấu tranh của công nhân Sở dầu Thượng Lý có tiếng vang lớn, khẳng định vai trò tam giác công nghiệp (xi măng - cảng - sở dầu) ở Hải Phòng, một trung tâm của phong trào công nhân Việt Nam khi đó.
Năm 1929, Chi bộ Đảng Sở dầu Thượng Lý là một trong 14 Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng được thành lập. Nhiều chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên hoạt động trong các cơ sở xăng dầu đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng. Sau đó, các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực của công nhân Sở dầu Thượng Lý và công nhân xăng dầu Nhà Bè đã liên tục nổ ra, gây hoang mang cho bọn thực dân.
|
Đại diện các thế hệ lãnh đạo của Công ty Xăng dầu Khu vực III về dự gặp mặt nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Việt Nam.
|
Mùa hè năm 1953 đã xảy ra trận tập kích Sở dầu Thượng Lý, một mốc son trong lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược Pháp. Năm ấy, anh công nhân Bùi Văn Phú đã mưu trí lấy được sơ đồ sở dầu, bí mật chuyển cho cách mạng. Từ đó, bộ đội đã phối hợp với du kích và công nhân tổ chức tập kích sở dầu trong đêm 18-6-1953. Biển lửa của hàng chục triệu lít xăng dầu và của 300 xe cơ giới địch phừng phừng suốt hai ngày đêm, cùng với trận tập kích sân bay Cát Bi đã làm suy giảm sức mạnh của quân đội Pháp, từ đó góp phần làm nên chiến thắng của quân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Trong thời gian thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhân Sở dầu Thượng Lý đã đấu tranh quyết liệt trước âm mưu tháo gỡ, phá hủy các trang thiết bị, máy móc của thực dân Pháp trước khi rút quân. Những trang thiết bị ấy là nền tảng cơ sở để ra đời ngành xăng dầu Việt Nam dưới chế độ mới.
Lật giở lại các trang sử của ngành xăng dầu Việt Nam còn nhiều mốc son lịch sử có thể tham gia vào “danh sách bầu chọn” Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Việt Nam. Đó là: Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ngày 29-7-1955, đồng chí Đỗ Mười (nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) - Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hải Phòng lúc bấy giờ đã ký lệnh trưng dụng Sở dầu Thượng Lý - dấu mốc quan trọng cho sự ra đời ngành Xăng dầu Việt Nam. Ngày 29-7-1955 trở thành ngày thành lập Công ty Xăng dầu Khu vực III ngày nay.
Rồi, ngày 12-1-1956, Bộ Thương nghiệp đã ban hành Quyết định số 09/BTN thành lập Tổng công ty Xăng dầu mỡ - tiền thân của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam ngày nay. Tổng công ty Xăng dầu mỡ ra đời nhằm phục vụ cho việc cung cấp xăng dầu cho miền Bắc thời kỳ khôi phục kinh tế và xây dựng đất nước.
Ông Đinh Thái Hương, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Trưởng Ban dự án soạn thảo đề án Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Việt Nam cho biết, mặc dù trong lịch sử ngành xăng dầu có rất nhiều mốc son gắn bó chặt chẽ với công cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước. Nhưng sau khi xin ý kiến rộng rãi của các vị lão thành trong ngành, Ban dự án đã quyết định trình lên trên phương án ngày 13-3, bởi ngày này gắn với sự kiện đấu tranh có tổ chức đầu tiên của những người công nhân, lao động ngành xăng dầu chống lại bọn chủ thực dân. Ý nghĩa lịch sử của ngày này phù hợp với truyền thống đấu tranh của công nhân ngành xăng dầu nói riêng, cũng như giai cấp công nhân Việt Nam.
Tài sản không của riêng ai
Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Việt Nam đã được lựa chọn hợp lý, hợp tình. Tuy nhiên, lịch sử, truyền thống của ngành xăng dầu Việt Nam thì cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện. Có như vậy, ý nghĩa giáo dục truyền thống, xây dựng động lực phấn đấu cho thế hệ trẻ mới được thể hiện đúng.
Theo thống kê của Ban dự án thì toàn ngành xăng dầu có 38 cán bộ, công nhân viên chức, lao động hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có 21 liệt sĩ; có 17 người bị thương nặng. Tôi hơi ngạc nhiên với con số nói trên. Nếu so sánh với tầm quan trọng của ngành xăng dầu, sự khốc liệt để đưa được xăng dầu dọc theo tuyến đường Trường Sơn vào chiến trường miền Nam thì có thể đặt ra vấn đề rằng: Số liệu thống kê nêu trên là chưa đầy đủ!
Ông Đinh Thái Hương công nhận, do một số điều kiện khách quan nên Ban dự án chưa thể thống kê đầy đủ các dữ liệu lịch sử liên quan tới ngành. Số liệu hiện nay chủ yếu mới chỉ thống kê từ lịch sử Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, để vận chuyển xăng dầu cho chiến trường miền Nam, trong đó có việc xây dựng một tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ Bắc vào Nam, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, lao động ngành xăng dầu, trong đó có cả xăng dầu quân đội và Tổng công ty Xăng dầu mỡ đã phải đổ biết bao mồ hôi và xương máu. Tuyến đường ống xăng dầu ấy được ví là “đường Trường Sơn trong lòng đất”, đã làm đau đầu kẻ thù- những kẻ luôn muốn cắt đứt tuyến “huyết mạch đen” ấy. Trước khi có đường ống, để vận chuyển xăng dầu, ngoài phương tiện cơ giới, hàng trăm chiến sĩ phải vượt núi, băng sông, gùi cõng những ba lô xăng. Người ta ví, mỗi một giọt xăng vào tới chiến trường được đổi bằng cả bát mồ hôi, thậm chí bằng máu.
Một số sử liệu cho biết, việc thi công đường ống xăng dầu bắt đầu vào tháng 6-1968. Việc thi công này do quân đội đảm nhiệm. Đến ngày 3-3-1969, tuyến đường ống đầu tiên vượt Trường Sơn dài 350 km đã nối thông từ Vinh - Cổng Trời - Na Tông tới kho Kavát (Lào), vận hành thông suốt dòng xăng từ miền Bắc đến Kavát, đảm bảo xăng dầu kịp thời cho hàng nghìn xe của Đoàn 559 tiếp tục đợt vận tải đột kích mùa khô 1968 - 1969. Dự kiến khả năng chiến tranh đánh phá của giặc Mỹ có thể mở rộng, ác liệt hơn, việc chuyển xăng dầu vào Nghệ An bằng các phương tiện cơ giới sẽ khó khăn, Trung ương quyết định xây dựng đường ống Hà Nội - Vinh. Chỉ sau hơn 13 tháng thi công, ngày 13-12-1971, tuyến đường ống Hà Nội – Vinh dài 338 km đã hoàn thành, nối vào tuyến đường ống của tiền tuyến lớn, tạo thế liên hoàn. Từ đó, tuyến đường ống liên tục được mở rộng và nối dài thêm, kèm theo việc mở rộng của các vùng giải phóng. Sau này, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đánh giá: “Chỉ có đường ống mới phục vụ kịp xăng dầu cho hành quân thần tốc trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975...”.
Trước đây, cũng đã có ý kiến cho rằng nên chọn một ngày trong chuỗi sự kiện đấu nối tuyến đường ống Bắc-Nam nêu trên làm ngày truyền thống của ngành xăng dầu. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc ý nghĩa và tính đại diện cho ngành thì Ban dự án thấy rằng ngày 13-3 là toàn vẹn hơn.
Hiện nay, ngoài Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, còn tới 11 doanh nghiệp đầu mối khác nhập khẩu và kinh doanh ngành hàng xăng dầu. Ngoài ra, còn nhiều đơn vị nữa hoạt động liên quan tới lĩnh vực xăng dầu. Vì thế, truyền thống và lịch sử của ngành xăng dầu là tài sản không của riêng một đơn vị nào, mà đại diện chung cho ngành.
Sau khi đã có Ngày truyền thống, ngành xăng dầu nên tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các dữ liệu lịch sử liên quan tới ngành, để mỗi khi nhắc đến, không chỉ những người trong ngành mà mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ tràn dâng một niềm tin yêu, tự hào, nể phục ngành xăng dầu.