Xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà có 157 phương tiện lớn nhỏ, đánh bắt thủy hải sản với 985 lao động, nhưng số lượng nhân khẩu ăn theo có tới gần 8.000 người. Người dân xã Thạch Kim chủ yếu sống dựa vào khai thác, đánh bắt và dịch vụ thủy hải sản, giá xăng dầu tăng đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Hà Hồng, Chánh văn phòng UBND xã Thạch Kim cho biết: Trước đây, chi phí cho mỗi chuyến đi của một tàu đánh cá tuyến trung là 4-5 triệu đồng, nhưng giờ chi phí phải 6-7 triệu đồng. Nên nhiều người dân không dám đầu tư sản xuất kinh doanh, tàu thuyền cắm neo nằm bờ hoàng loạt. Vào mùa này thời tiết tương đối thuận tiện đáng lẽ tàu thuyền ra khơi nhưng họ vẫn chần chừ, tính toán kỹ lưỡng vì sợ lỗ vốn chứ nói gì đến lời lãi.
|
Hàng trăm phương tiện đánh bắt thủy hải sản của ngư dân cắm neo nằm bờ vì giá nhiên liệu tăng cao. |
Ông Hồng lo lắng: Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì dân sẽ thiếu ăn trầm trọng, 3 năm về trước có Quyết đinh 289QĐ/CP của Chính phủ về hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân thì dân còn đỡ, hiện nay Nhà nước chưa có chế độ gì khi xăng dầu tăng đột biến vừa qua nên ngư dân rất lo lắng.
Đa số các hộ dân xã Thạch Kim đều vay tiền ngân hàng để đóng tàu thuyền, trang thiết bị đi biển. Dân trong xã nợ các ngân hàng số vốn khổng lồ, gần 90 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi hộ vay 80 triệu đồng. Hộ thì vay để ra khơi, hộ thì vay để đầu tư sản xuất kinh doanh.
|
Không đi đánh bắt thủy hải sản đồng nghĩa với việc người dân phải oằn mình chịu lãi và nguy cơ thiếu đói vì ngoài nghề biển ra ngư dân không có nghề phụ. |
Ông Phạm Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cũng có lý giải tương tự: Chi phí đi biển của một tàu đánh cá trong một tuần tăng khoảng 30%, dân sợ không dám ra khơi. Trước thì có thể chuyến này bù chuyến khác, giờ nhiên liệu cao, chi phí cao người dân đâu dám liều.
Một ngư dân nhiều năm gắn bó với biển, ông Dương Kim Bôi ngậm ngùi: Xăng dầu lên, ngư cụ vật tư lên giá, tình trạng chung của ngư dân là khó khăn thực sự, mấy tháng liền động gió không đi biển được, thu nhập không có mà dân Thạch Kim thì “gạo chợ, nước sông”. Một lao động đi biển phải gánh vác cho nhiều khẩu trên bờ không có khả năng lao động như con nhỏ, ông già, bà lão.
Trước thực trạng này, ông Bùi Tuấn Sơn, Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho rằng: Mỗi chuyến đi biển của ngư dân nhiên liệu chiếm 80% chi phí, đá lạnh chiếm 15% (mà đá lạnh phụ thuộc 90% vào giá điện) và 5% còn lại là chi phí khác. Như thế nhiên liệu và điện lên sẽ quyết định đến trên 90% chi phí mỗi chuyến đi biển, nên ngư dân sẽ rất khó khăn cho những chuyến đi biển trong thời gian này. Mọi chi phí đều tăng cao, tuy nhiên giá hải sản đánh bắt về lại chưa lên được là bao nhiêu. Do vậy rất cần nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân.