Bất lực với buôn lậu xăng dầu
15/03/2011 7:55:00 SATin trong nước

Thiếu biện pháp xử lý, tình hình buôn lậu xăng diễn ra ở khắp các tỉnh biên giới, cả miền Tây, miền Trung và miền Bắc

Chiều 14-3, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương họp báo cáo tình hình chống xuất lậu xăng dầu khu vực biên giới Tây Nam. Theo báo cáo từ các địa phương, tình hình buôn lậu xăng dầu đã vượt tầm kiểm soát.

Ghe chở xăng lậu trên kênh Vĩnh Tế (tỉnh An Giang) đang trên đường vượt biên sang Campuchia. Ảnh: QUỐC DŨNG

Đủ mọi thủ đoạn

Theo báo cáo, hiện nay, giá xăng dầu trong nước so với các nước lân cận vẫn còn chênh lệch từ 2.000 đồng - 3.000 đồng/lít nên tình trạng xuất lậu xăng dầu diễn ra ồ ạt, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Tây Nam như: Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp; qua cả đường bộ, đường sông và đường biển suốt ngày đêm.

Đối tượng tham gia xuất lậu xăng dầu chủ yếu là người dân ở khu vực biên giới với thủ đoạn giả người tiêu dùng mua xăng dầu nhiều lần với số lượng ít (5-10 lít), sau đó đổ vào can nhựa loại 30 lít hoặc túi ni lông để vận chuyển sang biên giới bằng xe máy, xe đạp, thậm chí vác bộ.

Hình thức buôn lậu cũng thiên hình vạn trạng. Một số tàu, thuyền lợi dụng việc đánh bắt hải sản trên biển hoặc chuyên chở hàng hóa qua biên giới để buôn lậu xăng dầu. Một số thương nhân hai bên biên giới còn tổ chức thuê mướn người dân vận chuyển xăng dầu qua biên giới với số lượng 100 - 200 lít/người/ngày.

Một số cửa hàng xăng dầu còn thỏa thuận khi bán xăng dầu cho đối tượng xuất lậu thì thu thêm 20.000 đồng/can 30 lít. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, có cửa hàng trong một tháng bán trên 200.000 lít xăng (tăng gấp đôi so với những tháng đầu năm). Một số đối tượng còn tổ chức thu gom hàng ở các cây xăng nằm sâu trong thị trường nội địa.

Tăng giá để chặn buôn lậu (?)

Bức xúc trước vấn đề này, ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, cho rằng quy định bán xăng dầu như thế nào, xử lý buôn lậu ra sao cũng chưa rõ ràng nên gây khó cho công tác quản lý. Theo ông Hòa, phải quy trách nhiệm cho các đầu mối hoặc tổng đại lý phân phối xăng dầu mới ngăn chặn được tình trạng bán xăng dầu cho buôn lậu.

Theo ông Nguyễn Ái Việt, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang, do đường biên giới của tỉnh quá dài, địa hình phức tạp nên hiệu quả phòng chống buôn lậu xăng dầu chưa cao. Trong khi hải quan, bộ đội biên phòng, công an, QLTT xử lý hành vi này mỗi nơi một kiểu. Phát hiện vụ việc đã khó, chứng minh được là hàng buôn lậu lại càng khó. Công tác chống buôn lậu xăng dầu kém được thể hiện rõ qua số liệu bắt buôn lậu trong 2 tháng đầu năm 2011: Tỉnh An Giang chỉ bắt được 4 vụ (5.875 lít), Tây Ninh 44 vụ (12.545 lít), Long An 3 vụ (4.530 lít), Đồng Tháp 1 vụ (364 lít), Kiên Giang 5 vụ (3.220 lít).

Đại diện Bộ đội Biên phòng cho rằng buôn lậu xăng dầu không chỉ diễn ra ở miền Tây mà còn xảy ra ở khu vực miền Trung, miền Bắc, kể cả trên biển với số lượng lớn. Lực lượng này đã bắt giữ 537.000 lít xăng dầu buôn lậu. Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết tình trạng buôn lậu diễn ra dai dẳng, trong khi xử lý thì như “bắt cóc bỏ dĩa”. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2011, cơ quan này đã bắt giữ gần 8.000 lít xăng dầu buôn lậu.

Theo các địa phương, cách chống buôn lậu tốt nhất là nên nhanh chóng điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thị trường. Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Tháng 10-2008, khi giá xăng dầu trong nước tăng hơn 19.000 đồng/lít thì ngay lập tức toàn tuyến biên giới “lặng như tờ”.

Sẽ siết kinh doanh xăng dầu ở biên giới

Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng, chỉ đạo: Lực lượng QLTT phải tăng cường kiểm soát thị trường nội địa, biên giới, cương quyết xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ Công Thương sớm xây dựng, ban hành quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu qua biên giới trong tháng 3-2011. Sẽ tăng cường lực lượng QLTT từ 6.000 người lên 9.000 người cũng như tạo điều kiện làm việc và công cụ hỗ trợ. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm rà soát lại hệ thống phân phối xăng dầu khu vực biên giới, quy hoạch lại mạng lưới phân phối. Các cây xăng khu vực biên giới chỉ hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent