Trong thời gian vừa qua, cứ vào khoảng từ 17 giờ trở đi, tại các vùng biên giới Tây Nam, ai ai cũng khiếp sợ khi hàng loạt xe máy xoáy nòng, nẹt pô, chạy bán sống bán chết, có khi lên tới 120 – 130 km/giờ đến nỗi lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cũng không dám liều mình ngăn chặn. Người ngồi trên những xe máy đó chính là những đối tượng buôn lậu xăng dầu qua biên giới Campuchia.
|
Buôn lậu xăng dầu không chỉ trên đường bộ mà cả đường sông (ảnh minh họa).
|
Muôn vàn thủ đoạn
Theo báo cáo của các tỉnh biên giới phía Tây Nam, địa bàn xuất lậu xảy ra cả trên đường bộ, đường sông và đường biển, trong đó địa bàn nổi cộm là khu vực Xa Mát, Tân Biên, Tân Hà, Tân Châu, Chàng Riệc (Tây Ninh); thị trấn Long Bình, An Phú, Tịnh Biên, kênh Vĩnh Tế, kênh Tư Mèo, cửa khẩu Khánh Bình (An Giang); Vĩnh Hưng, cửa khẩu Bình Hiệp, Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) cùng một số huyện thuộc hai tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang.
Phương thức và thủ đoạn của đối tượng buôn lậu là giả người tiêu dùng mua xăng dầu chứa trong các can nhựa loại 5 – 10 lít, sau đó đổ vào can nhựa loại 30 lít hoặc túi nylon để dễ dàng vận chuyển qua biên giới bằng xe máy, xe đạp, thậm chí vác bộ.
Ngoài ra, một số tiểu thương ở hai bên biên giới Việt Nam và Campuchia tổ chức thuê mướn cư dân nghèo vùng biên vận chuyển xăng dầu qua biên giới với tiền công từ 2.000 – 3.000 đồng/lít. Mỗi ngày, một người có thể vận chuyển từ 100 – 200 lít bằng xe đạp thồ hoặc xe máy qua đường mòn hoặc cột dây để kéo qua sông.
Trong khi đó, một số cửa hàng xăng dầu biên giới thỏa thuận: nếu bán xăng dầu cho đối tượng xuất lậu thì phải trả thêm 20.000 đồng/can 30 lít. Bằng thỏa thuận này, một tháng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực biên giới bán được trên 200.000 lít, tăng gấp 2 lần so với 2 tháng đầu năm 2011.
Như vậy, đối tượng buôn lậu xăng dầu ngoài cư dân nghèo vùng biên giới còn có các tiểu thương ở hai bờ biên giới và cả các chủ cửa hàng bán lẻ. Đặc biệt, theo báo cáo của Cục hải quan và lực lượng QLTT các tỉnh, thì đối tượng buôn lậu xăng dầu phần lớn chính là cư dân nghèo.
Khi các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và các cây xăng vùng biên bị siết chặt kiểm soát thì các đối tượng xuất lậu tìm đủ biện pháp để mua xăng như vào các cây xăng nằm sâu trong nội địa, gom mỗi cây xăng một ít rồi dùng xe máy, xe đạp, xe thồ vận chuyển lên các vùng biên để xuất lậu.
Đã có nhiều biện pháp chống xuất lậu được các tỉnh giáp biên đưa ra. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao. Đại diện tỉnh An Giang “than” khó: “Lực lượng hải quan hay lực lượng QLTT muốn bắt buôn lậu phải ăn mặc chỉnh tề (mặc đồng phục – PV), vì vậy bọn buôn lậu dễ dàng phát hiện để cảnh giác. Trong khi đó, tại các vùng biên giới xa xôi, nếu bắt được đối tượng xuất lậu 20 can cũng chưa chắc mang về được”.
Một số đại biểu cho biết, giải pháp cấm bán khi người mua chứa bằng can thì không khả thi, bởi các máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy kéo không thể di chuyển đến tận cây xăng để bơm, trong khi các loại máy này “nuốt” xăng nhiều nhất tại các tỉnh Nam Bộ.
Một thực tế rõ ràng là, người dân vùng biên giới làm quần quật cả tháng cũng khó kiếm được 1 triệu đồng, nhưng nếu buôn lậu xăng dầu thì chỉ trong 1 ngày họ có thể dễ dàng kiếm được số tiền đó. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng: đối tượng buôn lậu xăng dầu hầu hết là người nghèo. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, nếu bắt được thì cũng không biết xử lý họ thế nào?
Tìm giải pháp căn cơ
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự và Bộ trưởng Bộ Công Thương đều nhất trí với ý kiến cho rằng, nguyên nhân cốt lõi của thực trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới chính là sự chênh lệch giá trong nước so với các nước trong khu vực. Theo đại diện Petrolimex cho biết, chênh lệch giá xăng dầu trong nước và các nước có chung đường biên giới có thời điểm lên tới 8.000 đồng/lít. Do đó, các đại biểu kiến nghị, để ngăn chặn triệt để tình trạng xuất lậu này, Bộ Công Thương cần điều chỉnh giá trong nước, từng bước đưa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, Nghị định 11 do Chính phủ ban hành ngày 22/2 đã xác định các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có xăng dầu phải theo cơ chế thị trường. Ông Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương sẽ ban hành chỉ thị nhằm triển khai các giải pháp chống buôn lậu xăng dầu đã được thống nhất trong cuộc họp này và có hiệu lực chậm nhất vào đầu tháng 4/2011.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cam kết, ngay trong tháng 3/2011, Bộ sẽ ban hành quy chế quản lý xăng dầu qua biên giới, trong đó bao gồm các giải pháp như: quản lý giờ bán (thống từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối), cách thức bán (bán bằng thùng, can…), mối quan hệ giữa người bán và người mua…
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công an) chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường nội địa, kiên quyết xử lý tình trạng buôn bán trái phép, áp dụng xử lý chế tài theo quy định hiện hành, trong đó, biện pháp cao nhất là tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn, nặng hơn sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ tăng lực lượng QLTT cả nước từ 6.000 người lên 9.000 người và kéo giãn lực lượng này ở các tỉnh nội địa, tăng cường ở các tỉnh vùng biên giới, hải đảo.
Trước câu hỏi về khả năng cung cấp ngoại tệ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua hệ thống các Ngân hàng thương mại phải đảm bảo cung cấp ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. Các Ngân hàng thương mại cũng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước là không để doanh nghiệp đầu mối thiếu ngoại tệ trong việc nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, mỗi Ngân hàng có biện pháp thực hiện khác nhau, có Ngân hàng thì bán trực tiếp ngoại tệ cho doanh nghiệp, có Ngân hàng thì thông qua hình thức cho vay ngoại tệ. Chúng tôi khẳng định rằng, cho đến thời điểm này, các Ngân hàng cũng đã đảm bảo các yêu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như cung cấp xăng dầu trong nước”.
|