Từ cuối năm 2010, Công ty Xăng dầu khu vực 1 (thuộc Tổng Công ty Petrolimex) chọn 8 cửa hàng tại Hà Nội để triển khai thí điểm bán hàng một mức. Các cửa hàng này lựa một cột bơm trong hệ thống để bán cho khách một lượng xăng, tương đương với số tiền 40.000 đồng. Thời gian triển khai bán hàng một giá vào các giờ cao điểm từ 7 đến 9 giờ và 16h30 đến 18h30 hằng ngày.
Petrolimex giải thích, việc bán hàng một mức sẽ giảm thời gian thao tác cho nhân viên bán hàng đồng thời cũng giảm thời gian lưu lại cửa hàng cho khách. Từ đó, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm, tạo thói quen cho người tiêu dùng một hình thức mua hàng mới, chủ động được tiền mua hàng, dễ kiểm soát hàng tiền trước và sau mua hàng; góp phần tăng năng suất lao động đồng thời cũng tránh được hiện tượng tiệu cực bơm nối số của nhân viên bán hàng.
Tuy vậy, dù đã khởi động được gần 4 tháng, nhưng đến nay, bán xăng, dầu một giá vẫn chưa nhận được sự đồng tình của đa số khách hàng, thậm chí có cửa hàng đã phải "dẹp" hình thức này.
Chị Hà Thị Mai, một khách hàng mua xăng thường xuyên tại cây xăng 185 Nguyễn Lương Bằng cho hay: “Tôi thấy cách bán hàng này không hợp lý, hầu hết khách hàng như chúng tôi vào mua xăng khi bình xăng đã cạn, nhưng mỗi xe lại có dung tích khác nhau. Với giá xăng bây giờ, 40.000 đồng còn chưa đủ đầy một bình xe Wave chứ nói gì đến những xe có dung tích lớn hơn như Lead hay SH… Như xe của tôi thì sẽ phải đổ nhiều lần nếu cửa hàng chỉ bán đúng 40.000 đồng mỗi lần”.
Còn bạn Mai Cao Cường, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân cũng phàn nàn: “Nếu họ áp dụng bán hàng như thế thì cũng gây khó cho những người lỡ mang theo ít tiền. Hay như giới sinh viên chúng tôi, vì ít tiền nên nhiều lúc chỉ đổ 15.000, 20.000 đồng mỗi lần”.
|
Một cửa hàng bán xăng dầu một giá. Ảnh: Minh Tùng |
Theo chị Đinh Thị Hà, nhân viên bán cột xăng một mức tại cửa hàng xăng dầu 111 đường Láng, hầu hết khách vào mua xăng đều không hưởng ứng cách bán này, nhiều khách còn tỏ ra khó chịu. Có khách không để ý, khi đưa xe vào mới biết cột bán theo định mức lại quay xe sang cột khác, chỉ có một vài người vội hoặc đã định sẵn sẽ mua với mức 40.000 đồng mới dừng lại.
“Mặc dù công ty áp dụng phương án này nhằm tạo thuận lợi cho cả người bán lẫn người mua nhưng theo tôi, tâm lý người mua thì họ muốn mua bao nhiêu tiền là quyền của họ. Vì thế, việc nếu cho họ một mức mua nhất định sẽ làm họ thấy không thoải mái”, chị Hà nói.
Không chỉ người mua "quay lưng" mà chính nhân viên bán hàng cũng thấy rất bất tiện với hình thức này. Một nhân viên tại cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo cho biết: “Cửa hàng đã treo cả băng rôn, biển báo nhưng khi cho xe vào mua, ai cũng hỏi khiến chúng tôi phải mất thời gian giải thích. Biết rồi họ lại quay xe sang cột khác vì có nhu cầu lớn hơn hoặc ít hơn, thành ra vừa mất thời gian của nhân viên mà cũng chẳng giảm thiểu được ùn tắc”.
Theo quan sát sáng ngày 14/3, tại cây xăng này, băng rôn giới thiệu về bán hàng một mức vốn treo ở phía trên đã bị gỡ xuống, còn tấm bảng nhỏ thông báo cột xăng bán hàng một mức cũng để quay mặt vào phía trong. Một số nhân viên tại đây cho biết, do lượng khách quá ít nên mấy ngày nay, cây xăng đã dừng hẳn hình thức bán hàng này, tất cả các cột xăng tại cửa hàng đều được bán tự do theo nhu cầu của khách hàng tại mọi thời điểm.
|
Tại cây xăng số 9, Trần Hưng Đạo, tấm bảng nhỏ thông báo cột xăng bán hàng một mức đã để quay mặt vào phía trong. Ảnh: MT |
Tuy vậy, bên cạnh những phàn nàn của đa số khách hàng, một số người vẫn cho rằng đây là phương án hay. Anh Trịnh Quang Huy, nhân viên Ngân hàng Techconbank, nhận định: “Với tình trạng xếp hàng dài mua xăng như bây giờ, tôi nghĩ bán hàng theo định mức là phương án khá ổn của Petrolimex. Mọi người chưa đồng tình là do công tác tuyên truyền chưa tốt nên người dân chưa hiểu rõ. Mỗi cửa hàng chỉ có một cột bán theo định mức, các cột còn lại bán tự do theo nhu cầu nên ai muốn đỡ mất thời gian thì cứ chuẩn bị sẵn tiền để mua định mức, tôi thấy chẳng có vấn đề gì cả”.