Petrolimex cho biết, công thức tính giá xăng dầu sẽ căn cứ theo quy chế kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 84, gồm chi tiết giá nhập khẩu, thuế, phí, hoa hồng đại lý, chi phí bến bãi, bồn chứa, kho...
|
Doanh nghiệp sẽ công bố công thức tính giá xăng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chẳng hạn, tại thời điểm giá bán lẻ các mặt hàng xăng tăng 590 đồng, giá xăng thành phẩm bình quân 30 ngày trên thị trường thế giới dao động quanh ngưỡng 83 USD một thùng. Sau khi cộng thêm các khoản thuế, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, phí xăng dầu, trích quỹ bình ổn... doanh nghiệp quyết định tăng thêm 590 đồng cho mỗi lít xăng. Mức tăng này được doanh nghiệp cho rằng là hợp lý bởi sau khi điều chỉnh, nhà nhập khẩu còn lãi khoảng 100 đồng cho mỗi lít xăng, chưa bao gồm lợi nhuận định mức.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho VnExpress.net biết, về căn bản cách tính giá bán lẻ xăng dầu là khá minh bạch, người tiêu dùng chỉ cần căn cứ vào giá thế giới và các khoản chi phí... là có thể tính được mức bán lẻ xăng dầu.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng công bố cách thức tính thuế nhập khẩu xăng, dầu áp dụng khi giá thế giới có biến động. Qua công thức này, người tiêu dùng sẽ tự giám sát được phương án tăng, giảm giá mà các doanh nghiệp đưa ra có hợp lý không.
Theo biểu thuế mà Bộ Tài chính ban hành năm 2009, các mức thuế sẽ được ấn định dựa vào sự biến động của giá xăng dầu thế giới nhập khẩu. Chẳng hạn khi giá dầu vận hành quanh mức từ 53 đôla đến dưới 64 đôla một thùng, ứng với nó, thuế nhập khẩu sẽ là 35%... Các mức khác như 10%, 20%, 25%, 30%, 35% được áp dụng khi giá thuế giới lần lượt vượt ngưỡng từ 53 đôla đến dưới 118 đôla một thùng...
Để hạn chế tính trạng doanh nghiệp tăng giá xăng bất hợp lý, cuối tuần trước, Thủ tướng cũng yêu cầu Liên bộ Tài chính - Công Thương thực hiện ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với việc điều chỉnh giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Liên bộ cần đối soát việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu thời gian qua có đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, các bộ ngành, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với tình hình và yêu cầu quản lý kinh doanh nhằm kiềm chế lạm phát.