Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngoài các giải pháp đã đặt ra trong các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, một số giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2011 tập trung ở một số điểm chính: Điều hành chặt chẽ, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa về chính sách tiền tệ.
Điều hành linh hoạt các công cụ lãi suất cơ bản, tái chiết khấu, tái cấp vốn và lượng cung tiền để tạo được mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; đảm bảo thanh khoản ngoại tệ nhằm khuyến khích xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đôla hóa; điều hành thắt chặt chính sách tài chính ngân sách.
Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 8-3-2011 chỉ đạo ngành thuế, hải quan thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong năm 2011 nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chỉ đạo của Chính phủ.
Đối tượng phải thực hiện tiết kiệm bao gồm tất cả các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp ở địa phương, các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2011, kể cả các cơ quan, đơn vị đã được giao tự chủ hoặc khoán kinh phí theo các quyết định của cơ quan có thẩm quyền; việc tiết kiệm chi thường xuyên 10% được thực hiện trên cơ sở các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sắp xếp, bố trí lại nhiệm vụ chi đã được giao đầu năm; trong đó tạm dừng trang bị mới xe ô tô, mua sắm tài sản có giá trị lớn, hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập… và các đoàn công tác trong và ngoài nước sử dụng kinh phí NSNN; thực hiện tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ khác chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực; không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011; thu hồi về ngân sách Trung ương để bổ sung vốn cho các dự án, công trình hoàn thành trong năm 2011; không ứng trước vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ năm 2012, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách; Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, giảm nhập siêu cũng là giải pháp quan trọng trong thời gian tới.
Chính phủ cũng nêu các nguyên tắc quản lý, điều hành giá đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện.
Về giá điện, Nhà nước lùi 90% khấu hao (chỉ tính vào cơ cấu giá 10% khấu hao); tạm thời chưa tính lãi ngành điện; chưa thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện; tạm "khoanh" lỗ đến 31-12-2010; giá than bán cho điện hiện nay chỉ bằng khoảng 40% - 48% so với giá thành và 29% - 32% giá xuất khẩu, nhưng lần này chỉ điều chỉnh tăng 5%. Trên cơ sở đó, trước mắt điều chỉnh giá điện tăng bình quân 165 đồng/KWh (tương ứng tăng 15,28%), bằng 24,7% mức phải điều chỉnh.
Đối với giá xăng dầu, Nhà nước không thu thuế nhập khẩu (thuế nhập khẩu bằng 0%); doanh nghiệp tạm thời chưa tính lãi; chưa xử lý số lỗ cũ. Theo đó, điều chỉnh giá xăng, dầu tăng thêm từ 16-24%, bằng khoảng 45-57% mức phải điều chỉnh (giá xăng tăng 2.900 đồng/lít so với mức phải điều chỉnh 6.500 đồng/lít). Với mức giá sau khi điều chỉnh như trên, giá xăng, dầu trong nước vẫn còn thấp hơn giá xăng, dầu của một số nước trong khu vực.
Về an sinh xã hội, thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội theo các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt. Tập trung chỉ đạo hỗ trợ giảm nghèo tại các địa phương, nhất là tại các xã, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các hộ nghèo, địa phương nghèo xuất khẩu lao động, cho vay học sinh, sinh viên…; bổ sung thêm chính sách: Thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo khi Nhà nước điều chỉnh giá điện với mức 30.000 đồng/hộ/tháng, tương đương 50% mức giá thành điện.