Theo ông Huệ, kết quả hoạt động của nhiều tập đoàn không đến nỗi như dư luận đồn thổi. Ví dụ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), mặc dù đến 31/12/2009, tổng tài sản của Vinatex chưa đến 1 tỷ USD, giá trị của họ chủ yếu là nguyên, vật liệu, vật tư nhưng tập đoàn này đã tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động với thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là một tập đoàn của nhà nước nhưng đã cạnh tranh một cách sòng phẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hay như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), tổng tài sản đến cuối năm 2009 của tập đoàn này là khoảng 19 tỷ USD. Khi kiểm toán trong số 19 tỷ USD đấy thì vốn chủ sở hữu đã chiếm trên 60%.
Riêng năm 2009, tốc độ tăng trưởng về vốn chủ sở hữu, doanh thu... của Petro Vietnam đều tăng trên 20%, và tập đoàn đã bổ sung vốn chủ sở hữu năm 2009 so với 2008 là trên 30.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 23.000 tỷ là từ lợi nhuận. Các chỉ số của công ty mẹ lớn hơn rất nhiều so với các công ty con....
Ngoài ra, tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, dù tổng tài sản của tập đoàn này đến cuối 2009 cũng khoảng 6 tỷ USD, nhưng họ đã cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn mạnh của thế giới. Đây cũng là một trong số ít doanh nghiệp đạt doanh thu trên 100.000 nghìn tỷ đồng trong năm 2010. Tập đoàn Viettel cũng xấp xỉ 100.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu đánh giá hiệu quả kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty nói chung, thì chưa thật tương xứng với vốn liếng và tài sản hiện có.
Trả lời về việc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không nằm trong kế hoạch kiểm toán năm nay, ông Huệ cho biết, đối với Petrolimex thì kế hoạch kiểm toán có điều chỉnh một chút so với kế hoạch ban đầu.
“Lúc đầu chúng tôi dự định sẽ kiểm toán toàn diện Petrolimex, nhưng sau đó do doanh nghiệp này cũng mới được kiểm toán năm 2009 nên chúng tôi quyết định chỉ kiểm toán chuyên đề “hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu” ở tất cả các đầu mối cung cấp xăng dầu, vì hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quỹ này. Đặc biệt trong thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới tăng qua thì Chính phủ đã áp dụng nhiều các giải pháp như giảm thuế nhập khầu đến 0% mà doanh nghiệp vẫn kêu lỗ, trong khi đó có ý kiến cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn. ”, ông Huệ nói.