Từ tháng 10/2009 đến nay, thị trường xăng dầu đã có 5 lần điều chỉnh. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, ông Lê Đức Thúy cho rằng giá xăng tăng liên tiếp, cộng với việc thay đổi giá điện, than và 2 lần điều chỉnh tỷ giá hối đoái đã gây tâm lý lo ngại về khả năng lạm phát tăng cao.
Hôm 21/2, đúng vào Mùng 8 Tết, giá bán lẻ các mặt hàng xăng tăng tới 590 đồng mỗi lít. Lần tăng giá này được nhận định là khá bất ngờ, vì người tiêu dùng chưa hết "sốc" chuyện giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước giải khát tăng trong Tết.
Nhìn nhận thực tế này, tại cuộc họp báo Chính phủ, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Lê Đức Thúy thừa nhận công tác quản lý giá thị trường đang tồn tại một số mặt hạn chế cần phải rút kinh nghiệm. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đã kiến nghị lên Chính phủ về việc giá xăng trong nước cao hơn thế giới. "Chính phủ nhận thấy rằng cần xem xét việc việc điều chỉnh giá xăng để tránh việc tần suất tăng dày đặc, gây hoang cho dư luận", ông Thúy nhấn mạnh.
Nghị định 84 có hiệu lực thi hành từ 15/12/2009, cho phép doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo thị trường. Trong đó, thời gian tăng giá liên tiếp giữa 2 lần tối đa 10 ngày, và tối thiểu 10 ngày cho mỗi đợt giảm giá. Tuy nhiên, việc trao quá nhiều quyền tự quyết cho doanh nghiệp như vậy khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng lạm quyền trong doanh nghiệp.
|
Từ tháng 10/2009 đến nay thị trường đã có 5 đợt tăng giá xăng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, ngay từ đầu nhiều chuyên gia đã phản đối chuyện giao cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán. Bởi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm và có vai trò lớn trong điều tiết và cân đối vĩ mô nên Nhà nước phải giữ vai trò giám sát. "Bản chất kinh doanh là lợi nhuận do vậy khi đã trao quyền cho doanh nghiệp thì đừng hy vọng họ nghĩ nhiều đến quyền lợi người tiêu dùng mà giảm giá bán", ông Ánh nói.
Theo ông, cơ chế giá thị trường chỉ có thể thực hiện được khi thị trường đã cạnh tranh thực sự, giống như một số lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin... Nghĩa là, chỉ khi thị trường xăng dầu xuất hiện cỡ 3 doanh nghiệp có năng lực, thị phần và điều kiện tương đương với Petrolimex khi đó cạnh tranh giữa các doanh nghiệp mới thực sự lành mạnh và đem lại giá trị cho người tiêu dùng. "Nói tóm lại là chúng ta chưa có cơ chế thị trường thì đừng nói đến chuyện thả giá theo thị trường", ông Ánh nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, tiến sĩ Vũ Đình Ánh đề xuất nên rút bớt quyền của doanh nghiệp bằng cách Nhà nước phải can thiệp và khống chế giá bằng khung trần. Khi đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ là giảm giá chứ không phải là tăng giá liên tiếp. "Nếu cứ giữ cơ chế điều hành như hiện nay thì thị trường sẽ rối càng thêm rối", ông Ánh nói thêm.
Bản thân nhiều doanh nghiệp đầu mối khi trao đổi với VnExpress.net cũng tỏ rõ quan điểm không đồng tình với cách điều hành giá xăng dầu hiện nay. Lãnh đạo một công ty nhập khẩu đầu mối nhận xét: Thị trường xăng dầu tiếng là có tới 11 nhà nhập khẩu đầu mối nhưng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chỉ là cuộc chiến không cân sức giữa một doanh nghiệp có quy lớn chiếm tới gần 70% thị phần và những đơn vị nhỏ với trên 30% thị phần còn lại. Chưa kể, doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế lại có điều kiện, cơ sở vật chất như kho bãi, tàu thuyền, nhà xưởng, hệ thống phân phối... do Nhà nước bàn giao.
Như vậy, các đơn vị còn lại cơ sở vật chất vừa thiếu và vừa yếu, rất khó cạnh tranh trên thị trường chưa bình đẳng. Vị lãnh đạo này cho biết thêm hiện nay, Nhà nước quy định chi phí kinh doanh cho tất cả các doanh nghiệp hiện nay là 600 đồng, không phân biệt doanh nghiệp nhỏ hay lớn. "Việc đánh đồng chi phí giữa các doanh nghiệp như vậy sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ, khó càng thêm khó", ông nói.
Hiện nay, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không phải là giảm giá hay khuyến mãi giá bán tới tay người tiêu dùng mà là chiết khấu hoa hồng tới đại lý.