Đề xuất nhiều giải pháp quan trọng
04/03/2011 8:51:00 SATin trong nước

NDĐT-Ngày 24-2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về sáu nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy SX-KD, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

Chính sách tiền tệ, tài khoá

Nhằm thực hiện chủ trương điều hành chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm giảm tổng cầu của nền kinh tế, trong chính sách tiền tệ, tài khóa, Bộ Tài chính sẽ điều hành chặt chẽ, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá; điều hành linh hoạt các công cụ lãi suất cơ bản, tái chiết khấu, tái cấp vốn, và lượng cung tiền để tạo được mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiến hành giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 xuống dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 15-16%, đặc biệt ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu; giảm cho vay đối với khu vực phi sản xuất. Ngoài ra, việc điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm thanh khoản ngoại tệ nhằm khuyến khích xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đôla hoá... sẽ được thực thi song song với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối.

Về chính sách tài chính - ngân sách, với quan điểm điều hành thắt chặt, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo quyết liệt và tăng cường công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu, nợ đọng thuế, phấn đấu tăng khoảng 7-8% so với dự toán Quốc hội thông qua. Đối với các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của chín tháng còn lại trong năm 2011 (trừ chi lương, chi chế độ chính sách cho con người,...), tạm dừng trang bị mới xe ô-tô, điều hòa, thiết bị văn phòng; giảm tối đa số lượng và quy mô các hội nghị, hội thảo, hạn chế các đoàn công tác sử dụng kinh phí NSNN, thực hiện tiết kiệm tối đa điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,... được đặt ra cấp thiết. Bộ quyết tâm sẽ rà soát, sắp xếp lại chi đầu tư công (cả vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư và đầu tư của DNNN) trong năm 2011 theo phương châm: không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011; thu hồi về ngân sách T.Ư để bổ sung vốn cho các dự án, công trình hoàn thành trong năm 2011; không ứng trước vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ năm 2012, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách.

Các Bộ, cơ quan, địa phương sẽ phải tích cực rà soát để điều chuyển vốn đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ năm 2011 trong phạm vi quản lý để tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011. Không khởi công các công trình, dự án mới, trừ các dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách và các dự án trọng điểm quốc gia. Giảm tối thiểu 10% tổng mức đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước. Kiểm tra, rà soát lại đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để xử lý, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, trên cơ sở phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, sẽ giảm bội chi ngân sách năm 2011 từ mức 5,3%GDP Quốc hội quyết định xuống mức dưới 5%GDP, bảo đảm dư nợ công trong giới hạn an toàn.

Giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, giảm nhập siêu

Trong nhóm giải pháp này, Bộ Tài chính sẽ xem xét miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu đối với những ngành hàng trong nước còn thiếu nguyên liệu như dệt may, da giầy, thuỷ sản, hạt điều, gỗ, dược phẩm,…; tiếp tục tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong năm 2011. Việc rà soát để giảm thuế đối với các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào trong nước chưa sản xuất được; nghiên cứu tăng thuế xuất khẩu lên mức phù hợp đối với các mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu, tài nguyên, nguyên liệu thô… sẽ được tiến hành song song với việc điều hành bảo đảm ngoại tệ cho nhập khẩu hàng hóa thiết yếu cho sản xuất; hạn chế cho vay, đồng thời sử dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, xa xỉ; chỉ đạo huy động tối đa công suất các nhà máy điện, sử dụng điện tiết kiệm (phấn đấu tiết kiệm 10%), phân bổ hợp lý để bảo đảm đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống nhân dân. Bộ cũng sẽ tiến hành thực hiện nghiêm chủ trương sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng hoá cho các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn của Nhà nước để khuyến khích sản xuất trong nước, giảm nhập siêu.

Nhóm giải pháp quản lý, điều hành giá

Với các nguyên tắc điều hành chủ yếu (như: theo tín hiệu thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thực hiện mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; từng bước xoá bao cấp, hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất - kinh doanh, đời sống xã hội; điều chỉnh giá từng bước theo thị trường nhằm không gây đảo lộn nền kinh tế, không gây “sốc”), theo Bộ Tài chính đánh giá, đến nay, nhiều mặt hàng về cơ bản đã theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng như điện, xăng, dầu các doanh nghiệp chưa được phép tính đủ các chi phí đầu vào, vẫn còn bao cấp qua giá cho toàn xã hội, khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực này gặp khó khăn (thua lỗ), làm méo mó hệ thống giá chung và hạch toán kinh tế của các ngành. Hiện nay các mức giá điện, xăng, dầu đã kiềm chế quá lâu nên các ngành này lỗ lớn và không huy động được vốn đầu tư, tác động mất cân đối cung cầu (thiếu điện), buôn lậu, sử dụng lãng phí,... đến nay không thể không điều chỉnh.

Với nhận định như vậy, trong năm 2011, thực hiện điều chỉnh một bước để xóa bao cấp, tránh đảo lộn kinh tế vĩ mô tác động xấu đến kinh tế - xã hội; đồng thời, thực hiện chính sách an sinh xã hội, Bộ Tài chính đề xuất:

Đối với giá điện, hiện nay, nếu tính đủ các chi phí đầu vào thì giá điện bình quân phải tăng 62%. Tuy nhiên, trong năm 2011, Bộ đề xuất chỉ điều chỉnh tăng một phần trên nguyên tắc Nhà nước lùi 90% khấu hao (chỉ tính vào cơ cấu giá 10% khấu hao); tạm thời chưa tính lãi ngành điện; chưa thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện; tạm “khoanh” lỗ đến 31-12-2010; giá than bán cho điện hiện nay chỉ bằng khoảng 44-48% so với giá thành và 29-32% giá xuất khẩu, nhưng lần này chỉ điều chỉnh tăng 5%. Trên cơ sở đó, trước mắt điều chỉnh giá điện tăng bình quân 165 đồng/kWh (tương ứng tăng 15,28%), bằng 24,7% mức phải điều chỉnh.

Đối với giá xăng, dầu, với giá dầu thô hiện đã trên 110 USD/thùng thì để ổn định giá trong nước, Nhà nước đã sáu lần lùi thuế nhập khẩu từ 20% xuống 0% (ước giảm thu khoảng trên 10.000 tỷ đồng), đồng thời cho sử dụng 6.400 tỷ đồng từ Quỹ Bình ổn giá để bù giá vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Vì thế, giá xăng, dầu của Việt Nam thấp hơn Lào, Căm-pu-chia, Trung Quốc, Thái lan, Sin-ga-po-re từ 6.100-8.600 đồng/lít, gây ra tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Thêm vào đó, do giá xăng, dầu thế giới tiếp tục ở mức cao, trong khi tiềm lực tài chính hiện không còn (thuế đã giảm về 0%, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết), nên cần thiết phải điều chỉnh giá. Tuy nhiên, nếu tính đủ chi phí, tính đủ thuế theo quy định thì phải điều chỉnh giá xăng, dầu tăng thêm từ 34-45%, tuỳ từng mặt hàng (ví dụ: xăng phải điều chỉnh tăng thêm 6.500 đồng/lít)… sẽ là mức tăng quá cao, do đó trước mắt Bộ đề xuất điều chỉnh một bước theo nguyên tắc nhà nước không thu thuế nhập khẩu (thuế nhập khẩu bằng 0%); doanh nghiệp tạm thời chưa tính lãi; chưa xử lý số lỗ cũ.

Theo hướng này, giá xăng, dầu sẽ điều chỉnh tăng thêm từ 16-24%, bằng khoảng 45-57% mức phải điều chỉnh (giá xăng tăng 2.900 đồng/lít so với mức phải điều chỉnh 6.500 đồng/lít). Với mức giá sau khi điều chỉnh như trên, giá xăng, dầu trong nước vẫn còn thấp hơn giá xăng, dầu của một số nước trong khu vực (ví dụ xăng thấp hơn Lào khoảng 5.000 đồng/lít; Căm-pu-chia 4.000 đồng/lít, Trung Quốc 3.200 đồng/lít).

Với mức điều chỉnh giá điện, xăng, dầu như trên, mới giảm bao cấp được một phần (với điện giảm bao cấp khoảng 1/4 (24,7%); với xăng, dầu giảm khoảng 1/2). Như vậy, sẽ phải tiếp tục điều hành giảm bao cấp theo thị trường đối với giá xăng, dầu trong năm 2011, giá điện đến hết năm 2012 mới thực hiện được theo cơ chế thị trường.

Nhóm giải pháp về an sinh xã hội

Cùng với các nhóm giải pháp trên, để thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội theo các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ tập trung chỉ đạo hỗ trợ giảm nghèo tại các địa phương, nhất là tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các hộ nghèo, địa phương nghèo xuất khẩu lao động, cho vay học sinh, sinh viên,… Bên cạnh đó, Bộ đề xuất bổ sung thêm chính sách thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo khi Nhà nước điều chỉnh giá điện với mức 30.000 đồng/hộ/tháng, tương đương 50% mức giá thành điện.

Để thực hiện các nhóm giải pháp này thành công và đạt hiệu quả cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết bổ sung về các giải pháp trên và đã tổ chức Hội nghị Chính phủ mở rộng trực tuyến với tất cả các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thông tin, báo chí để quán triệt chủ trương, các giải pháp và phân công tổ chức thực hiện, công bố việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu giảm bao cấp. Bộ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Ngoài ra, theo văn phòng Bộ cho biết, Bộ sẽ thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền chính xác, đầy đủ, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, tạo thuận lợi để hoàn thành được các mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra cho năm 2011.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent