|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Thông điệp trên vừa được Bộ Tài chính (BTC) phát ra ngay sau khi đồng ý cho các đầu mối nhập khẩu xăng dầu nâng giá bán lẻ xăng dầu lên mức cao nhất trong lịch sử với 19.300 đồng/lít xăng A92.
Cùng với tuyên bố “từng bước xoá bao cấp để tiến tới giá thị trường đối với mặt hàng điện, xăng dầu trong thời gian sớm nhất”, BTC kêu gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng điều chỉnh giá - tổ chức, cá nhân sử dụng chia sẻ khó khăn với Nhà nước và Nhà nước cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong giai đoạn khó khăn này.
Về phía Nhà nước, BTC khẳng định tiếp tục điều hành chính sách thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu một cách linh hoạt. Cụ thể, trong vòng 3 tháng trở lại đây, BTC liên tục giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu từ mức 12% (ngày 1/12/2010) xuống còn 6% sau đó 3 tuần và “miễn hoàn toàn” thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu xuống còn 0% kể từ ngày 14/1/2011. Và mới đây nhất, vào ngày hôm qua (23/2/2011) thuế nhập khẩu đối với 2 mặt nhiên liệu cuối cùng trong nhóm 2710 là dầu kerosene và nhiên liệu đốt cũng đã trở về mức 0%.
Song song với việc cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, BTC cũng đã đồng ý tạm thời chưa thu thuế thu nhập đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; giãn thời gian khấu hao tài sản có nguồn vốn từ ngân sách đối với EVN. Và tạm thời chưa áp dụng thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thuỷ điện trong năm 2011.
Ngoài ra, Nhà nước tiếp tục “khoanh” các khoản chi phí phát sinh từ năm 2010 trở về trước cho ngành điện nói chung như chênh lệch về tỷ giá; chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn; chênh lệch chi phí phát điện của nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2.
Riêng đối với EVN, năm 2010 do hạn hán kéo dài, các nhà máy thuỷ điện không đủ nước để phát điện nên EVN phải huy động tối đa các nguồn điện trong hệ thống, huy động hết công suất các nhà máy chạy dầu có giá thành cao để đảm bảo nguồn điện cung ứng cho toàn xã hội, do vậy tình hình sản xuất - kinh doanh năm 2010 bị lỗ.
“Khoản chi phí này của EVN hiện phải “khoanh” lại nhưng sẽ được xử lý dần vào các năm sau qua giá, phấn đấu đến khoảng năm 2012 giải quyết hết số lỗ phát sinh của EVN”, một quan chức của Bộ Tài chính cho biết.
Mặc dù vẫn “kiên định” mục tiêu hướng đến giá thị trường, nhưng do CPI tiếp tục tăng mạnh (tháng 2/2011 CPI tăng 2,09% sau khi đã tăng 1,74% trong tháng 1/2011), BTC quyết định giá than bán cho sản xuất điện thấp hơn giá thành khai thác (giá than mới bằng 67% - 72% giá thành khai thác năm 2010 và bằng 28% - 32% giá than xuất khẩu).
Giải thích về việc tăng giá điện kể từ ngày 1/3 tới đây lên 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh so với năm 2010, BTC cho biết, với giá điện hiện hành, tình hình tài chính của ngành điện rất khó khăn.
Cụ thể, tính đến 31/12/2010 các chi phí chưa tính đủ vào giá điện còn treo lại 27.917 tỷ đồng (gồm chi phí tiếp nhận điện hạ áp nông thôn từ 2010 trở về trước 1.282 tỷ đồng; lỗ do phát điện giá cao năm 2010 là 8.596 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá 17.321 tỷ đồng; chi phí vận hành bảo dưỡng Nhà máy điện Cà Mau năm 2008-2009 là 720 tỷ đồng). Nếu năm 2011 không điều chỉnh giá điện thì ngành điện sẽ lỗ thêm 29.500 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ luỹ kế của ngành điện lên 57.417 tỷ đồng.
Kể từ ngày 1/3 tới đây giá bán điện chỉ điều chỉnh tăng 15.6%, trong khi đó, theo BTC, nếu tính đủ các chi phí đầu vào thì giá điện phải tăng 62%. Vì vậy, để giải quyết khó khăn cho ngành điện (không để lỗ thêm), BTC tạm thời chưa tính đủ chi phí mới phát sinh, trong đó tỷ giá vẫn tính 19.500VND/USD; lùi thời gian khấu hao tài sản; giá than bán cho sản xuất điện điều chỉnh chỉ tăng 5% cho dù mức giá này chỉ bằng 28% - 32% giá than xuất khẩu; không tính lãi của ngành điện…
Giải thích về việc tăng giá bán lẻ xăng dầu, BTC cho biết, giá xăng dầu thế giới năm 2010 tăng 28,7% so với năm 2009, tuy nhiên, thay vì tăng giá bán lẻ theo giá thị trường, Nhà nước 6 lần điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 0% với tổng số tiền giảm thuế lên đến 10.089 tỷ đồng; 4 lần cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp giá vốn với số tiền lên đến 6.396 tỷ đồng.
Công cụ thuế hết tác dụng, Quỹ bình ổn giá đã “cạn” trong khi giá bán lẻ xăng của Việt Nam đang thấp hơn Lào khoảng 8.000 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 7.100 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 6.100 đồng/lít.
Kể từ 10 giờ ngày hôm nay, giá xăng tăng 2.900 đồng/lít; dầu diesel tăng 3.550 đồng/lít; dầu hoả tăng 3.100 đồng/lít và dầu mazut tăng 2.110 đồng/kg. Mức tăng này, theo tính toán của BTC, giá xăng của Việt Nam không chỉ vẫn thấp hơn so với các nước có chung đưòng biên giới (thấp hơn giá xăng của Lào 5.100 đồng/lít, Campuchia 4.200 đồng/lít, Trung Quốc 3.200 đồng/lít) mà còn thấp hơn giá cơ sở.
Cụ thể, nếu tính đủ chi phí, tính đủ thuế và không sử dụng Qũy bình ổn thì phải điều chỉnh giá xăng tăng thêm 6.493 đồng/lít; diesel tăng 6.260 đồng/lít; dầu hoả tăng 6.692 đồng/lít và dầu mazut tăng 4.334 đồng/kg.
Giá xăng dầu đã tăng, giá điện sắp tăng và một loạt hàng hoá thiết yếu khác đã và đang tăng sẽ tác động mạnh vào tốc độ tăng CPI. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá điện tăng tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 khoảng 0,38%; giá xăng dầu tăng làm tăng CPI khoảng 0,65% (chưa tính được tác động của vòng tiếp theo và yếu tố tâm lý). Tuy nhiên, BTC vẫn tuyên bố, sau bước điều chỉnh này, kể từ Quý II/2011 trở đi sẽ tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó thực hiện giảm giá bán (nếucó điều kiện).