Điện, xăng có thể làm tăng chỉ số giá thêm 2%
24/02/2011 4:11:00 CHTin trong nước

Bộ trưởng tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, giá xăng dầu đã bị kìm nén quá lâu, ngành điện đã lỗ tới 28.000 tỷ đồng do đó buộc phải tăng giá. Việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu và tỷ giá có thể làm chỉ số CPI cả năm tăng 2%.

Bộ trưởng tài chính Vũ Văn Ninh. Ảnh: Nhật Minh.

- Điều chỉnh giá điện tăng tới 15,28% tuy thấp hơn các phương án của EVN đề xuất nhưng lại là mức kỷ lục từ trước đến nay. Vì sao năm nay lại điều chỉnh giá điện cao đến vậy thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta đã kiềm chế giá điện lâu quá rồi. Tăng giá điện lên 165 đồng mỗi kWh mới chỉ là một bước điều chỉnh rất nhỏ. Theo tính toán, đáng ra phải điều chỉnh tới 62%, tương ứng với tăng hơn 650 đồng một kWh. Tuy nhiên Chính phủ đã tính toán, nếu điều chỉnh như thế sẽ gây sốc cho nền kinh tế và tác động tới đời sống của nhân dân. Do đó, lần này mới chỉ điều chỉnh một bước dựa trên nguyên tắc Nhà nước lùi khấu hao tới 90%, tức là cơ cấu vào giá chỉ có 10%. Đồng thời dừng một số khoản thu như phí môi trường cũng như các khoản nợ cũ vẫn chưa tính vào mức tăng giá này. Tính đến 31/12/2010, ngành điện lỗ 28.000 tỷ đồng, tính đến hết năm 2011, con số này có thể lên tới 57.000 tỷ đồng. Do đó, ngay cả khi tăng giá thì ngành điện vẫn chưa hòa vốn.

- Vừa điều chỉnh giá điện, Chính phủ lại tiếp tục tăng giá xăng tới 2.900 đồng, vượt xa cả năm 2008. Việc đồng loạt tăng giá như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến CPI cả năm thưa ông?

- Cuối năm 2010, tình hình lạm phát trong nước tăng nên Chính phủ chủ trương chưa điều chỉnh giá xăng dầu. Chính việc kìm nén đó khiến ngành xăng dầu hết sức khó khăn. Đáng lẽ ra phải tăng giá xăng lên 6.400 đồng mỗi lít nhưng để tránh gây sốc cho nền kinh tế, chính phủ điều chỉnh dần dần. Ngay cả khi tăng giá xăng dầu, chúng ta vẫn thấp hơn Lào 5.000 đồng mỗi lít.

Nếu tính cả điện, xăng dầu và tỷ giá thì cả năm nay, chỉ số CPI có thể tăng thêm 2%.

- 2% không phải là con số nhỏ. Vậy vì sao Chính phủ lại tăng giá dồn dập nhiều mặt hàng cơ bản vào thời điểm này thưa ông?

- Cho đến giờ phút này, chúng ta không thể lùi được nữa. Ngành điện đã lỗ quá lớn rồi. Giá xăng dầu chúng ta đã kìm nén quá lâu. Trong bối cảnh giá thế giới còn tăng, nếu chúng ta giữ giá thì nền kinh tế sẽ méo mó. Cũng phải thẳng thắn rằng, nguồn lực của Nhà nước không thể bù lỗ được mức cao như thế nữa. Chúng ta buộc phải lựa chọn phương án để nền kinh tế có thể hạch toán một cách đầy đủ, đồng thời hạn tối đa tác động xấu nhất tới nền kinh tế. Tôi cho rằng, lựa chọn bước đi như thế là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

- Để kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đưa ra thông điệp tăng thu, giảm chi. Trong khi giá cả đang leo thang như hiện nay thì Bộ Tài chính sẽ giải quyết bài toán này thế nào thưa ông?

- Câu chuyện này đúng là một bài toán phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng cường biện pháp chống thất thu, chống nợ đọng thuế, chống trượt giá đồng thời kiểm soát tình hình buôn lậu qua biên giới... Tôi tin rằng, với những giải pháp đó thì khả năng thu ngân sách năm nay sẽ tăng khoảng 7-8% như Chính phủ giao. Trên cơ sở đó sẽ giảm được mức bội chi từ 5,3 xuống dưới 5%.

- Vậy theo Bộ trưởng, đâu là nhiệm vụ khó khăn nhất của Bộ tài chính trong năm nay?

- Năm nay tập trung vào kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả chung của thị trường trong nước. Bối cảnh của Việt Nam năm nay rất đặc biệt, giá thế giới tăng nhanh, các nước cũng đang có lạm phát. Chúng ta nhập khẩu 70% nguyên nhiên liệu đầu vào của cả nước. Bộ Tài chính xác định kiểm soát giá là phức tạp và khó khăn. Song tôi cho rằng, năm 2008 khó khăn là vậy mà chúng ta vẫn vượt qua thì năm nay, cùng với sự phối hợp của các bộ ngành cũng như chính sách đồng bộ của Chính phủ, chúng ta sẽ vượt qua được.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent