|
Ảnh minh họa. |
Sẽ đẩy trực tiếp CPI lên 0,65%
Bộ Tài chính vừa cho biết, giá xăng dầu tăng mới sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 0,65%.
Nhưng dù tăng từ 2110 đồng- 3.355 đồng/lít, kg xăng dầu, mức điều chỉnh mới của các mặt hàng này vẫn thấp xa với giá đáng lẽ phải tăng. Các mức giá có thể lên gấp đôi, gấp ba mức vừa áp dụng 10h hôm nay, 24/2. Ngoại trừ dầu madút, các mặt hàng xăng dầu sẽ đều trên 20.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng A92 sẽ phải tăng thêm 6.493 đồng/lít, sẽ ở mức 22.893 đồng/lít, thay vì 19.300 đồng/lít vừa điều chỉnh. Giá dầu diesel sẽ phải tăng thêm 6.260 đồng/lít. Giá dầu hoả tăng thêm 6.692 đồng/lít.Dầu madut đáng lẽ phải tăng thêm 4.334 đồng/kg là 17.024 đồng/kg, thay vì 14.800 đồng/kg.
Dẫn các số liệu trên, Bộ Tài chính khẳng định, dù điều chỉnh giá, các doanh nghiệp sẽ vẫn không có lãi.
Giá xăng mới chỉ bằng 44,66% mức đáng lẽ phải điều chỉnh. Dầu diesel có giá cao nhất, cũng chỉ bằng 56,71% mức phải tăng. Giá dầu chỉ bằng 46,32% và dầu madút chỉ bằng 48,70% mức đáng lẽ phải điều chỉnh.
Đồng thời, với mức điều chỉnh này, giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng các nước trong khu vực, như thấp hơn giá xăng ở Lào khoảng 5.100 đồng/lít, thấp hơn giá ở Campuchia khoảng 4.200 đồng/lít, và ở Trung Quốc khoảng 3.200 đồng/lít
Giá xăng dầu thế giới còn lên cao
Nhìn lại năm 2010, do kiềm chế lạm phát, giá xăng dầu và cả giá điện đều ở mức thấp, không tính đủ các chi phí đầu vào. Hệ quả của sự bao cấp này là các doanh nghiệp thua lỗ, làm méo mó hệ thống giá chung, gây ra tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới diễn biến phức tạp.
Giá xăng, dầu thế giới năm 2010 tăng 28,7% so với giá bình quân của năm 2009. Đầu năm 2011, giá thế giới vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Để ứng phó, Bộ Tài chính đã áp dụng triệt để các công cụ thuế, phí để giảm lỗ cho doanh nghiệp, giúp cho người dân hưởng giá xăng dầu ổn định, thấp.
Ví dụ, Bộ đã có 6 lần điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, từ 20% xuống 0%. Khoản "hỗ trợ thuế" này có thể tính thành tiền đến nay khoảng 10.089 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đã có 4 lần tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp lỗ trong giá bán lẻ. Số tiền sử dụng Quĩ đã lên tới 6.396 tỷ đồng và hiện nay số dư Quỹ đã hết.
Trong khi đó, tình hình xăng dầu thế giới năm 2011 vẫn còn rất phức tạp, khó lường. Nhiều dự báo cho rằng nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn có những tín hiệu tăng trưởng khả quan, vì vậy, nhu cầu dầu mỏ tiếp tục gia tăng.
Tình hình thiên tai, lũ lụt ở các quốc gia lớn trên thế giới, tình hình bất ổn về chính trị ở Trung Đông, Châu phi... sẽ có tác động làm giá cả nói chung, giá dầu nói riêng biến động tăng.
Tổng nguồn cung dầu mỏ của các nước không thuộc OPEC (sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC chiếm xấp xỉ 65% sản lượng dầu mỏ của toàn cầu trong năm 2010) sẽ giảm khoảng 250.000 thùng/ngày, chủ yếu do sản lượng dầu mỏ ở Biển Bắc, Bắc Mỹ và nguồn cung từ Nga giảm.
Bộ Tài chính nhận định, sẽ có khả năng mất cân đối cung cầu dầu mỏ trên toàn cầu ở mức độ nhất định trong năm nay và năm tới. Mặt khác, sự biến động của đồng USD cũng là một trong những nhân tố chính dẫn tới những thay đổi trên thị trường dầu mỏ.
Bộ Tài chính dự báo, giá xăng dầu thị trường thế giới sẽ tiếp tục giao động ở mức cao trong thời gian tới.
"Vì thế, việc tăng giá xăng là cần thiết", bộ Tài chính kết luận. Việc này còn làm giảm dần cơ chế bao cấp cho mặt hàng này.
Từ quý II/2011 trở đi, xăng dầu sẽ tiếp tục thực hiện kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nguyên tắc vẫn là nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục mức thuế nhập khẩu, còn "dư địa" thì thực hiện giảm giá bán.
Quan điểm của Bộ Tài chính là sẽ chọn phương án tăng sẽ ở mức độ kiềm chế, tránh đảo lộn kinh tế vĩ mô, không đẩy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên quá cao. Tiến tới năm 2012, sẽ thực hiện hoàn chỉnh được cơ chế thị trường cho cả mặt hàng xăng dầu và điện.