Nông dân hết dầu tưới cà phê
23/02/2011 9:59:00 SATin trong nước

Các đại lý xăng dầu bán “nhỏ giọt” hoặc không có hàng đã khiến nhiều nông dân ở Đắk Lắk đứng ngồi không yên do thiếu dầu diesel chạy máy tưới cà phê.

Một đại lý xăng dầu ở Krông Buk(Đắk Lắk) đóng cửa không bán hàng - Ảnh: T.N.Q

Đi 10 km mua được... 10 lít dầu

Hàng trăm ngàn ha cà phê trên địa bàn Đắk Lắk đang trong thời điểm tưới rộ để cây trổ hoa, kết trái, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Thế nhưng nhiều nông dân phải đôn đáo tìm mua từng lít dầu diesel để chạy máy tưới. Dọc quốc lộ 14 qua thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Búk, Ea H’leo, hàng loạt xe công nông kéo nhau đến các đại lý mua dầu nhưng đành chở những can nhựa trống rỗng trở về. Đã 3 ngày nay, nhiều điểm bán xăng dầu dọc tuyến đường này treo biển báo “hết xăng dầu”, đóng cửa nghỉ hẳn; có những đại lý vẫn bán xăng, nhưng dầu thì đã hết từ những ngày trước.

Ông Trương Văn Ngọc, chủ cửa hàng xăng dầu Ngọc Lân ở phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ, cho biết dầu thường được nhập từ Công ty cổ phần thương mại vật tư nông nghiệp Krông Búk, nhưng những ngày qua công ty này không có dầu phân phối nên cửa hàng không có để bán. Đại lý xăng dầu Hồng Quý ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, cũng treo biển “hết dầu”. Ông Lê Ngọc Quý, chủ đại lý, giọng bức xúc: “Từ đầu tháng 2 đến nay, doanh nghiệp đầu mối không rót xuống giọt dầu nào”.

Ngày 22.2, ông Kiều Xuân Việt - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu bán cầm chừng, thời gian bán hạn chế. Riêng mặt hàng dầu diesel thiếu vào thời điểm tưới cà phê do cung không đủ cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu nhỏ giọt, cầm chừng; đồng thời giảm mức chiết khấu xuống thấp khiến các đại lý, cửa hàng giảm lợi nhuận nên xuất hiện tâm lý không muốn bán hàng và không muốn nhập hàng về bán.

Gia Bình
Ông Nguyễn Vĩnh, một nông dân ở thôn Nam Hồng, phường Bình Tân, lắc đầu than thở: “Nhà tôi có 2 ha cà phê mà tìm mua dầu chạy máy tưới bở hơi tai. Các đại lý gần đây không có dầu, phải chạy xe gần 10 cây số mỗi lần được chừng một can 10 lít vì người mua đông quá, trong khi mỗi đợt tưới cần khoảng 10 can dầu”.

Dọc quốc lộ 14, có đại lý không để thông báo hết dầu nhưng treo biển “máy hỏng” nên không bơm được dầu cho khách hàng. Nhiều nông dân đánh xe máy cày đến mua dầu không có đành ra về trong nỗi bức xúc.

Nguồn cung thiếu hụt

Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, nhìn nhận: Đang vào mùa tưới cà phê, lượng dầu diesel tiêu thụ trên địa bàn tỉnh tăng nhiều lần so với ngày thường, nhưng nguồn cung lại thiếu hụt trầm trọng.

Ông Thanh cho biết, có 7 đầu mối cung cấp bình quân mỗi năm khoảng 200.000m3 xăng dầu cho 406 cửa hàng và đại lý trên địa bàn Đắk Lắk, trong đó 60% dầu diesel, 40% là các loại xăng. Hiện Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên chiếm từ 60-65% thị phần, còn lại là 6 doanh nghiệp từ ngoài tỉnh. Theo khảo sát của Sở Công thương, từ sau Tết Tân Mão đến nay, Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên cung ứng cho các đại lý trực thuộc được 2/3 lượng xăng dầu theo yêu cầu; 6 doanh nghiệp còn lại chỉ cung ứng từ 20-30%. Đó là lý do vì sao tình hình phân phối xăng dầu trên địa bàn, đặc biệt là dầu diesel, trở nên căng thẳng.

Đến chiều 22.2, qua kiểm tra của Sở Công thương, 35 cửa hàng, đại lý thuộc Công ty cổ phần thương mại vật tư nông nghiệp Krông Búk bị “hết dầu”; một cửa hàng ở huyện Ea Kar tự ý nâng giá bán xăng dầu đã bị xử phạt hành chính. Sở sẽ tiếp tục kiểm tra những đại lý có dấu hiệu găm hàng, bán cầm chừng, giảm số lượng bán ra. “Chúng tôi cũng đã báo cáo Bộ Công thương về tình hình thiếu hụt xăng dầu và sẽ tổ chức họp với các doanh nghiệp đầu mối vào ngày 23.2 để tìm hiểu nguyên nhân hạn chế nguồn cung và tìm hướng giải quyết”, ông Thanh cho hay.

“Làm căng” mới mua được xăng

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, kết quả kiểm tra từ ngày 19-21.2 có 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (KDXD) tạm ngừng, không bán hàng.

Chủ cửa hàng KDXD thuộc DNTN Phúc Lâm (Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, lý do không bán hàng là vì không được nhập xăng từ 9.2. Chi cục QLTT Hà Nội đã làm việc với Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình, doanh nghiệp (DN) đầu mối cung cấp xăng dầu cho Phúc Lâm về vấn đề này. Kết quả đo kiểm tra thực tế tại bể của cửa hàng này, xăng còn tồn 1.531 lít, dầu 10.074 lít.

Tương tự, cửa hàng KDXD thuộc Công ty TNHH Thanh Huy (Km 9 đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ bán dầu, không bán xăng với lý do lượng xăng dưới mức bơm nên không bơm được. Nhưng thực tế kiểm tra, cửa hàng còn tồn 1.052 lít xăng. QLTT lập biên bản và yêu cầu công ty tiếp tục bán hàng bình thường....

Tại TP.HCM, đến 24 giờ đêm 21.2, Đội QLTT Thủ Đức đã kết thúc công tác kiểm tra trạm xăng dầu 27-7 (đường Kha Vạn Cân, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) - thuộc Công ty CPTM nhiên liệu Cửu Long, vì hành vi ngưng bán hàng cho khách. Đội trưởng Đội QLTT Thủ Đức cho biết: “Qua kiểm tra bồn, chúng tôi phát hiện còn 4.331 lít xăng A92, 16.151 lít dầu DO nhưng trạm đóng cửa nghỉ sớm, không bán hàng. Đại diện trạm xăng này thừa nhận hành vi nói trên”.

Trong khi đó tại Q.Gò Vấp, lực lượng QLTT phối hợp với công an kiểm tra cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc DNTT TM Công Thiện (31/30 Thống Nhất, P.16, Q.Gò Vấp), phát hiện cửa hàng này khống chế số lượng xăng bán, mỗi xe máy chỉ được mua xăng tối đa là 30.000 đồng. Nhưng đoàn kiểm tra ghi nhận cửa hàng này vẫn còn đến 6.100 lít xăng A92 và 3.600 lít dầu lửa.

Tại Kiên Giang, trong ngày hôm qua hầu hết các đại lý xăng, dầu có dấu hiệu găm hàng đã mở cửa bán trở lại. Nhưng theo phản ánh của ngư dân, muốn mua được dầu họ phải chấp nhận giá cao hơn 1.000 đồng/lít. Ông Tô Duy Đại, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, cho biết: “Chúng tôi đã phản ánh tình hình để các cơ quan chuyên môn can thiệp. Hiện nay, các cây xăng đã mở cửa bán trở lại nhưng giá mỗi nơi mỗi kiểu”.

Mai Hà - Hoàng Việt - Gia Bách

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent