Các doanh nghiệp xăng dầu nỗ lực đáp ứng nhu cầu thị trường
22/02/2011 9:00:00 SATin trong nước

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do mức lỗ đã vượt qua con số 3.000 đồng/lít, nhưng các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu hiện vẫn đang gồng mình chịu lỗ, cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo không thiếu nguồn cung và bán đúng giá quy định của nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP chiều 21-2, ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOil và ông Đỗ Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại kinh doanh xăng dầu - Petec cho biết, nguồn cung xăng dầu của 2 đơn vị hiện vẫn đảm bảo, hệ thống cây xăng do PVOil và Petec quản lý vẫn hoạt động bình thường, bán đúng giá quy định của nhà nước, hoàn toàn không có tình trạng đứt nguồn cung hay găm hàng chờ tăng giá.

Ông Trình và ông Phúc cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá quả thật là gây rất nhiều khó khăn cho các DN kinh doanh xăng dầu, nhưng rất may là còn có nguồn cung tương đối lớn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất nên DN vẫn đảm bảo bán hàng ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường (theo kế hoạch trong năm 2011, NMLD Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 4,9 triệu tấn sản phẩm, trong đó sản phẩm xăng dầu khoảng 4,6 triệu tấn, tương đương 5,8 triệu m³).

Đề cập đến việc liệu có đủ nguồn cung xăng dầu khi nguồn cung ngoại tệ gặp khó khăn, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam-Petrolimex - đơn vị chiếm trên 60% thị phần bán lẻ xăng dầu nội địa, khẳng định: “Petrolimex đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu cho các cửa hàng đại lý theo đúng hợp đồng đã ký nên không có chuyện bị đứt nguồn cung”.

Cũng theo ông Dũng, Petrolimex hiện đang quản lý một mạng lưới bán hàng rộng lớn với trên 2.100 cửa hàng trực thuộc hệ thống công ty (100% vốn của công ty) và hơn 4.000 cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ khác. Thế nhưng các cửa hàng, đại lý thuộc Petrolimex vẫn bán hàng bình thường chứ không có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá.

Trên thực tế, mỗi năm Petrolimex cần khoảng 6 tỷ USD để đảm bảo việc nhập khẩu xăng dầu. Cái khó nằm ở chỗ DN phải vay, nợ đối tác, ngân hàng để nhập khẩu bằng USD nhưng giá bán lẻ xăng dầu ra thị trường bằng tiền Việt. Tiền Việt khi thu về lại phải đi mua USD để trả nợ. Bình thường mỗi lít xăng nhập khẩu về thị trường lỗ khoảng hơn 2.000 đồng, sau khi điều chỉnh tỷ giá, mức lỗ vào khoảng trên 3.000 đồng.

“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo đủ nguồn cung ngoại tệ cho các DN nhập khẩu xăng dầu nhưng trên thực tế họ chỉ đảm bảo cho vay chứ không bán. Chúng tôi có nhiều tiền Việt để mua USD nhưng ngân hàng không bán, họ chỉ cho vay thôi, cái khó là ở đó” - ông Vương Thái Dũng nói.

Liên quan đến việc danh sách 20 cây xăng vi phạm bị lực lượng quản lý thị trường (QLTT) lập biên bản xử phạt và cảnh cáo, ông Đặng Duy Quân, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II-Petrolimex Sài Gòn, cho biết các cửa hàng, cây xăng trực thuộc công ty hoàn toàn không có trong danh sách đó. Còn phía các đại lý của công ty có vi phạm hay không thì cho đến nay công ty vẫn chưa nhận được thông báo gì từ cơ quan QLTT.

Dù vậy, để ngăn chặn tình trạng găm hàng chờ tăng giá, sắp tới Petrolimex Sài Gòn và UBND TPHCM sẽ có cuộc họp bàn các biện pháp cụ thể, kiên quyết xử phạt nghiêm khắc các cây xăng vi phạm quy định bán hàng, ngưng bán hoặc bán hàng nhỏ giọt để chờ tăng giá.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent