|
Nhiểu cửa hàng xăng dầu ngưng bán, găm hàng chờ tăng giá kiếm lời. Ảnh: Hữu Thắng. |
Nông dân khó mua xăng dầu chạy máy
Bà Phạm Thị Hoa, nông dân trồng cà phê tại thôn Liên Kết, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, với 5 héc ta cà phê, mỗi đợt tưới nước trong mùa khô năm nay, gia đình bà mất khoảng 3 triệu đồng tiền mua dầu. Tuy nhiên, khó khăn lúc này của người trồng cà phê tại Liên Hà không phải là giá dầu tăng lên bao nhiêu, mà ở việc nhiều hộ dân không mua được dầu để chạy máy. “Cây xăng trên địa bàn thôn mỗi ngày chỉ mở cửa 1-2 giờ. Sau đó thì đóng cửa triền miên. Thời gian mở cửa bán hàng cũng không ấn định vào một giờ cụ thể khiến nhiều hộ dân không mua được dầu để chạy máy. Chúng tôi phải xuống trung tâm huyện để mua”, bà Hoa kể.
Theo chị Nguyễn Thị Hằng, nông dân tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), từ mùng 2 tết đến nay, các cây xăng chỉ bán trong vòng 2 giờ đồng hồ mỗi buổi sáng (6 đến 8 giờ), sau đó nghỉ bán). Có tuần cây xăng trên địa bàn thị trấn chỉ bán 3 ngày rồi đóng cửa với lý do hết xăng dầu. Do đó, vì cần dầu để chạy máy tưới nước nên một số hộ dân phải mua bên ngoài với giá trên 20.000 đồng/lít dầu.
Theo nhiều nông dân, việc tăng giá của xăng dầu trong thời gian tới là điều chắc chắn và sẽ đẩy giá sản xuất lên rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Ngọc ở xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, cho hay tháng cao điểm cày đất làm mía, nhà chị dùng hết khoảng 100 triệu đồng tiền dầu cho máy cày (cày thuê cho nhiều hộ trong xã). Tính ra, mỗi ngày dùng hết gần 230 lít dầu, chạy đủ cho ba máy cày. Với giá bán như hiện nay, 14.700 đồng/lít, số tiền mỗi ngày dùng để mua dầu vào khoảng 3,5 triệu đồng. Chị Ngọc tính toán, nếu giá xăng dầu tăng khoảng 3.000 đồng/lít, số tiền chênh lệch sẽ lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày.
|
Nhiều hộ nông dân cho biết, khó mua xăng dầu để chạy máy tưới cà phê dù đang trong mùa khô. Ảnh: Hồng Văn.
|
Về việc có tính toán để mua xăng dầu dự trữ trước khi mặt hàng này tăng giá hay không, các hộ dân cho rằng không thể làm việc này do không có dụng cụ và tiền. “Mua ngày nào dùng hết ngày đó chứ không có tiền để mua dự trữ”, chị Ngọc ở La Ngà nói.
Bên cạnh đó, quan trọng hơn theo anh Nguyễn Văn Quốc, xã Eangai, huyện Krongbuk, Đắk Lắk là người dân không thể mua hàng. “Nhiều cây xăng dự đoán giá sẽ tăng trong thời gian tới nên bán rất cầm chừng. Mỗi ngày họ chỉ bán cho chúng tôi khoảng 60 lít dầu, đủ xài trong ngày, không có khi nào bán nhiều hơn số đó nên muốn mua dầu dự trữ trước cũng không được”, anh Quốc nói.
Nội thành cũng ngưng bán
Theo nhiều người tiêu dùng tại TPHCM, tình trạng cây xăng ngưng bán hàng tràn lan ở nhiều khu vực, không kể là nội thành hay ngoại thành. Phương thức chủ yếu là nghỉ bán sớm không nói lý do.
Chị Lê Hồng Phương, nhà tại đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú cho hay, trong mấy ngày trở lại đây, chị phải đi rất xa nhà mới đổ được xăng vì các cây xăng gần nhà đều đóng cửa sớm hơn bình thường. “Tối thứ 6 tuần rồi, mới chỉ 8 giờ tối nhưng hai cửa hàng gần nhà tôi là cây xăng tại vị trí mũi tàu, cắt giữa đường Trường Chinh và đường Cộng Hòa và cây xăng gần Etown Cộng Hòa đã đóng cửa, trong khi bình thường hoạt động rất khuya”, chị Phương nói.
Anh Mạnh, nhà ở đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp phản ánh, trong mấy ngày gần đây, một số cây xăng dọc đường Nguyễn Thái Sơn ngưng bán hàng từ 9 giờ đêm, trong khi bình thường bán 24/24.
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM ngày 21-2 công bố, tính đến ngày hôm nay (21-2), qua kiểm tra, đơn vị này đã phát hiện 21 cửa hàng ngưng bán xăng trên địa bàn nhiều quận, huyện của TPHCM; không chỉ ở các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, quận 6, 8, 9, 12, Tân Phú, Thủ Đức mà ở ngay khu vực nội thành như quận Bình Thạnh, 2. Lý do các chủ cây xăng đưa ra chủ yếu là do hết hàng, nhà cung cấp không giao kịp hoặc không cung ứng đủ như đơn đặt hàng.
Cụ thể, mới đây nhất, vào ngày 21-2, lực lượng chức năng đã phát hiện đến 6 cửa hàng xăng ngừng bán, nằm tại quận Bình Thạnh, quận 12, quận Tân Phú, quận Thủ Đức. Nguyên nhân ngừng bán là do các trụ bơm đã hết hàng hoặc còn số lượng ít, không thể bơm được. Các cây xăng này đã đặt hàng với nhà cung cấp nhưng không giao kịp. Trong số này, có tới 4 cây xăng sau khi kiểm tra vẫn chưa bán xăng trở lại với lý do nhà cung cấp chưa giao hàng.
Trước đó, trong các ngày từ 9 đến 18-2, các đội quản lý thị trường tại các quận huyện cũng đã kiểm tra hàng loạt cây xăng và phát hiện 15 cây xăng ngưng bán hàng. Trong đó, cao điểm vào ngày 18-2, có tới 8 cửa hàng bị phát hiện ngưng bán hàng. Kiểm tra thực tế cho thấy, một số cây xăng đã vi phạm quy định khi nghỉ bán sớm, bán theo định mức dù vẫn còn nhiều hàng. Cụ thể, tại cửa hàng số 375 Tùng Thiện Vương, quận 8, chủ chỉ bán cho xe hơi tối đa 200.000 đồng.
Tương tự, cửa hàng số 141 A Hà Huy Giáp, quận 12 chỉ mở một trụ xăng A92 để bán, bán tối đa 20.000 đồng/lần dù thời điểm kiểm tra nơi đây đang có 9.500 lít xăng A92 và 8.810 lít dầu DO. Trong khi đó, hai cửa hàng trên địa bàn huyện Hóc Môn là trạm xăng dầu Xuyên Á (số 2/20 quốc lộ 22, thị trấn Hóc Môn) và trạm xăng dầu Hóc Môn (10/4 quốc lộ 22, xã Trung Chánh) lại ngưng bán sớm hơn bình thường nhằm găm hàng chờ tăng giá. Tại thời điểm kiểm tra, hai cửa hàng này vẫn còn lượng lớn hàng trong bồn.