Nhiều cây xăng tại Hà Nội đóng cửa vì hết hàng?
21/02/2011 1:35:00 CHTin trong nước

Nhiều cây xăng tư nhân tại huyện Mê Linh, TP.Hà Nội đã đóng cửa hoặc bán hàng cầm chừng. Tình trạng này diễn ra từ nhiều ngày nay, khiến người tiêu dùng bức xúc và cho rằng các cây xăng đã găm hàng chờ tăng giá…

Cây xăng đóng cửa, người dân la ó

Khảo sát của PV Laodong.com.vn sáng ngày 20.2, nhiều cây xăng tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội đã đóng cửa. Tại cửa hàng xăng dầu Yến Huân, có địa chỉ tại ngã ba Cổ Ngựa, xã Tiền Phong đã quây hàng rào sắt bao quanh các cây xăng, khiến nhiều người muốn mua xăng đã không thể mua được. Một nhân viên bán hàng ở đây cho biết, cửa hàng đóng cửa vì hết xăng.

Cửa hàng xăng dầu Yến Huân liên tục phải đóng cửa vì hết hàng.
Cửa hàng xăng dầu Yến Huân liên tục phải đóng cửa vì hết hàng.

Tại cây xăng của Cty CP Thương mại Vĩnh Phúc, thuộc địa bàn xã Tiền Phong, dù không đóng cửa nhưng không thấy có nhân viên bơm xăng. Đến khi mọi người xếp hàng chờ đợi tỏ ra bức xúc và la ó thì nhận viên phục vụ mới ra nói: “Mất điện 1 pha nên không bơm được”. Anh Hải, một khách hàng nói: “Tôi chạy mấy nơi rồi không mua được xăng. Chỗ thì bảo hết xăng, chỗ thì bảo mất điện. Thà họ tăng giá xăng thì tăng luôn đi, chứ để tình trạng này thì thật khó chịu”.

Khách hàng la ó vì không được cung cấp xăng tại cây xăng của Cty CP TM Vĩnh Phúc.
Khách hàng la ó vì không được cung cấp xăng tại cây xăng của Cty CP TM Vĩnh Phúc.

Dừng chân trước cây xăng của Cty CP Thương mại Vĩnh Phúc và quan sát, chỉ trong vòng 10 phút, hàng chục chiếc xe máy đến đổ xăng nhưng vừa dừng xe xuống lại phải quay đi. Có những người mang theo cả can nhựa, chai, lọ để mua xăng về dùng cho máy bơm thuốc. Nhân viên bán hàng liên tục trả lời khách: “Mất điện một pha nên không bơm được xăng!”.

Bà Hợi, người bán nước trước cây xăng Yến Huân, cho biết: “Tôi không biết lý do vì sao, nhưng mỗi ngày cây xăng chỉ bán 1-2 tiếng rồi đóng cửa. Có hôm, có người khách dắt bộ xe máy đến đây nhưng cây xăng đóng cửa, thế là phải gọi điện cho người nhà mang xăng đến thì mới đi về nhà được. Rõ khổ!”.

Tại cây xăng thuộc Đại lý xăng dầu quân đội nằm tại trung tâm xã Tiền Phong, bình thường luôn đông nghịt khách thì nhiều ngày nay cũng đã đóng cửa không phục vụ.

Cây xăng quân đội cũng ngừng phục vụ.
Cây xăng quân đội cũng ngừng phục vụ.
Trả lời câu hỏi về hàng loạt cây xăng trên địa bàn huyện Mê Linh đóng cửa hoặc bán hàng cầm chừng, ông Nguyễn Thế Phấn, cán bộ Đội quản lý thị trường số 32 huyện Mê Linh - cho biết: “Trước thông tin nhiều cầy xăng trên địa bàn xã Tiền Phong đóng cửa, ngày 18.2 chúng tôi đã tiến hành kiểm tra tất cả các cây xăng tại đây. Qua kiểm tra cho thấy, việc ngừng bán xăng không phải do các chủ cây xăng găm hàng, mà do hết hàng, Cty đầu mối không cung cấp đủ hàng cho họ bán”.


Đóng cửa vì không có xăng để bán

Mặc dù các Cty xăng dầu đầu mối cam kết nhập khẩu theo đúng tiến độ đã đăng ký với Bộ Công thương, cung cấp đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước… Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn cung xăng dầu cho các cây xăng tư nhân đang bị hạn chế, thậm chí khan hiếm đến mức phải xếp hàng chờ, dù phần trăm hoa hồng các cây xăng tư nhân được hưởng ngày một thấp (20đ/lít xăng, thậm chí 0%).

Bà Đặng Thị Yến, đại diện cửa hàng xăng dầu Yến Huân, cho biết: “Mỗi tháng, cửa hàng chúng tôi tiêu thụ khoảng 200.000m3 xăng, dầu. Từ tháng 10.2010 trở về trước thì đơn vị đầu mối luôn cung cấp đủ. Nhưng từ tháng 11.2010 số lượng bắt đầu cắt giảm, cụ thể tháng 11 được cấp 150.000m3, tháng 12 là 100.000m3; tháng 1.2011 80.000m3, tháng 2 (tính đến 20.2) mới được cấp 48.000m3, giảm 75% so với trước đó. Vì lượng xăng cấp nhỏ giọt nên chúng tôi bán hết phải nghỉ. Điều này đã được Quản lý thị trường xác nhận”.

Bà Đặng Thị Yến, PGĐ Cty TNHH TM Yến Huân: “Số lượng xăng dầu mà đại lý cung cấp giảm 75% so với trước đó”.
Bà Đặng Thị Yến, PGĐ Cty TNHH TM Yến Huân: “Số lượng xăng dầu mà đại lý cung cấp giảm 75% so với trước đó”.

Cũng theo bà Yến, tỷ lệ phần trăm hoa hồng mà Cty được hưởng cũng thấp dần, cùng với sự giảm dần của khối lượng xăng dầu được cung cấp. Nếu như trước đó, mỗi lít xăng bán ra Cty được hưởng 350-400đ/lít thì hiện nay chỉ được 20đ/lít, thậm chí là 0%. Ngay trong ngày 20.2, Cty Yến Huân đã phải nhập xăng A92 với giá 16.400đ/lít, bằng với giá bán. “Để đảm bảo phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng, dù không không được lãi một đồng nào nhưng chúng tôi vẫn phải nhập xăng về bán. Nhưng khổ nỗi, muốn có xăng bán chúng tôi phải xếp hàng chờ nhà cung cấp. Họ nói do nước sông cạn nên tàu trở hàng không thể cập bến…”.

Mỗi lít xăng cửa hàng mua vào giá 16.380đ, trong khi giá bán ra là 16.400đ (hưởng 20đ/lít).
Mỗi lít xăng cửa hàng mua vào giá 16.380đ, trong khi giá bán ra là 16.400đ (hưởng 20đ/lít).

Cùng chung nhận định với bà Yến, ông Nguyễn Văn Toán, Giám đốc Cty CP Thương mại Vĩnh Phúc, cho biết: “Từ tháng 12.2010, lượng xăng dầu mà Cty được cung cấp giảm 1/4 so với trước đó. Mức hoa hồng cũng giảm dần, hiện chỉ ở mức 30-100đ/lít xăng, dầu. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn làm đúng theo những quy định là phải phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên chúng tôi đã gọi hàng 3-4 hôm nay rồi nhưng vẫn chưa được cung cấp”.

Ông Nguyễn Văn Toán, GĐ Cty CP TP Vĩnh Phúc: “Chúng tôi đã đăng ký 3-4 ngày hôm nay nhưng chưa được cung cấp xăng”.
Ông Nguyễn Văn Toán, GĐ Cty CP TP Vĩnh Phúc: “Chúng tôi đã đăng ký 3-4 ngày hôm nay nhưng chưa được cung cấp xăng”.

Ông Toán cũng cho biết thêm, tình trạng cung cấp “nhỏ giọt” như hiện nay đẩy các DN bán lẻ xăng dầu vào tình thế hết sức khó khăn. “Người tiêu dùng cho rằng chúng tôi găm hàng chờ tăng giá và tỏ thái độ bức xúc, nhưng thực tế chúng tôi không có xăng để bán. Thêm nữa, mức chiết khấu mà chúng tôi được hưởng quá thấp, không đủ trả lương cho nhân viên. Cứ đà này, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu như chúng tôi không thể tồn tại được…” - ông Toán nói.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent