Chờ tăng giá
Hai ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật – 19 và 20.2), chúng tôi đã chạy xe máy “một vòng” qua các huyện và hai TP.Bảo Lộc và Đà Lạt để khảo sát tình hình “khan hiếm xăng dầu” ở tỉnh có vùng cây công nghiệp lớn nhất nhì trên cả nước này.
|
Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Lâm Đồng treo biển "tạm nghỉ”. Ảnh: Khắc Dũng
|
Tại TP.Bảo Lộc, dọc theo quốc lộ 20 từ Lộc Nga đến Đại Lào, có ít nhất 10 cửa hàng xăng dầu đã đóng cửa. Anh Phi Long - một thợ sửa máy nổ ở xã Đại Lào - phản ánh: “Mấy ngày qua, để có xăng dầu sửa máy, tôi đã phải mang can nhựa chạy từ Đại Lào lên tận trung tâm TP.Bảo Lộc để mua xăng! Nhiều cây xăng dọc tuyến quốc lộ 20 từ Đại Lào đến trung tâm TP.Bảo Lộc treo biển “hết xăng”, hoặc “giao dịch” bằng những cái phẩy tay của nhân viên bán hàng”.
Tại huyện Bảo Lâm, theo phản ánh của nhiều người dân, trong gần một tuần qua, rất nhiều cửa hàng ở trung tâm thị trấn Lộc Thắng và trung tâm các xã trong huyện cũng đã đồng loạt treo biển “hết hàng”. “Hiện chỉ có không đến 50% số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn hai địa phương Bảo Lộc và Bảo Lâm còn hoạt động và cũng chỉ là hoạt động cầm chừng” – một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng cho biết. Còn tại Đà Lạt, một số cây xăng trên đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Văn Cừ cũng đã treo biển tạm ngừng hoạt động.
Hiệu ứng domino
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Lâm Đồng, trong thực tế, nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh từ vùng sâu Đạ Tẻh, Cát Tiên đến vùng trung tâm “phố thị” Đà Lạt, Bảo Lộc treo biển “hết xăng” chỉ vì lý do ghim hàng chờ giá, chứ không hề có chuyện khan hàng. “Việc người dân ùn ùn xách can nhựa đến các cửa hàng xăng dầu mua nhiên liệu để dự trữ như hiện nay là một hiện tượng không bình thường” – một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường nói.
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cây càphê đứng thứ hai trong cả nước (sau Đắc Lắc). Hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên còn là một vựa lúa đáng kể của tỉnh. Hiện mùa khô đã đến sớm tại Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, mực nước của các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2 đến gần 10m – thấp hơn nhiều so với mực nước dâng
bình thường cùng kỳ năm 2010. Nước tưới cho cây trồng (càphê, chè, lúa...) đang là nỗi ám ảnh của người dân hiện nay. “Để có nước tưới cho vườn càphê, nhà nông chúng tôi cần có xăng dầu để bơm nước từ hồ lên vườn. Bởi vậy, với bất kỳ giá nào, chúng tôi phải dự trữ đủ lượng xăng dầu để tưới trong mùa khô. Nghe nói, vào tháng ba tới, giá xăng dầu sẽ tăng nên nhiều nhà vườn chúng tôi phải mua xăng dầu dự trữ!” – bà Huỳnh Thị Ngọc Loan - ở xã Đại Lào (TP.Bảo Lộc) cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Lâm Đồng, lối nghĩ theo kiểu bà Loan của nhiều người dân ở Lâm Đồng đã tạo nên một “hiệu ứng domino” không đáng có. Sở Công Thương khẳng định: nguồn cung của xăng dầu hiện nay trên thị trường Lâm Đồng vẫn đủ cho “cầu” chứ không khan hiếm như lời đồn thổi. Cho đến lúc này, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương vẫn chưa có quyết định chính thức về việc cho phép tăng giá xăng dầu và bộ chỉ đạo là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải tiếp tục ổn định giá xăng dầu cho đến hết tháng 2 này.
Cũng theo Sở Công Thương Lâm Đồng, hiện trên địa bàn tỉnh có 199 cửa hàng kinh doanh xăng dầu được cấp phép hoạt động. Ngay trong tuần này (21 – 27.2), sở sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện các hành vi gian lận thương mại và có hướng xử lý nghiêm.